An sinh trong mùa dịch

Những phần quà của các nhà hảo tâm đến với người dân khó khăn trong vùng dịch. Ảnh: CTV

Trong thời gian thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế.

Đảm bảo an sinh xã hội là một việc làm rất quan trọng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Hiểu được điều đó, Chính phủ đã đưa ra những phương án giải quyết để hỗ trợ người dân kịp thời với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Quà đến tay các đối tượng yếu thế

Với truyền thống của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách”, trong khi đợi sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều nguồn lực xã hội đã được huy động để hỗ trợ người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế. Rất nhiều điểm phát gạo, mì ăn liền, trứng, dầu ăn, khẩu trang và cung cấp bữa ăn miễn phí giúp người có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số, nhặt ve chai… vượt qua cơn khó khăn trong đại dịch.

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 đối tượng trong diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, tàn tật... Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến đời sống của họ. Trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế thì các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng lại tỏa sáng, kết nối những tấm lòng nhân ái cùng nhau chia sẻ khó khăn giữa đại dịch. Đó là những chuyến xe yêu thương chở theo hàng trăm tấn rau củ, thực phẩm đi vào vùng lõi dịch; là những bếp cơm thiện nguyện đêm ngày đỏ lửa cung cấp hàng trăm nghìn suất cơm miễn phí cho người dân; là những phần quà của các tấm lòng hảo tâm đến với người dân khắp nơi trong tỉnh.

Anh Thân Ngọc Tý ở thôn Bình Chính (xã An Dân, huyện Tuy An), nạn nhân chất độc da cam, đã 44 tuổi nhưng anh chỉ cao hơn 1m. Hai chân bị tật, đi lại khó khăn nên việc mưu sinh của anh không thuận lợi như nhiều người khác. Cách đây vài năm, anh mở tiệm tạp hóa nhỏ, cùng với nghề sửa chữa điện máy, điện lạnh giúp anh có thu nhập, đủ nuôi sống bản thân. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, anh Tý đã phải đóng cửa tiệm tạp hóa nhỏ của mình để phòng dịch. Kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp, bây giờ càng thêm khó khăn. Bởi thế, khi đoàn thiện nguyện “Chuyến xe yêu thương” đến tận nhà thăm hỏi, động viên và tặng anh phần quà, anh rất xúc động. Anh nói: “Dịch rất là khổ. Tôi tật nguyền, đi lại càng khó khăn. Tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống và mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến những nạn nhân da cam, những người khuyết tật. Đó là động lực lớn để chúng tôi vượt qua khó khăn này”.

Chia sẻ với đời sống người dân vùng khó khăn, mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đã trao tặng 322 suất quà, mỗi suất gồm: gạo, mì ăn liền và 200.000 đồng tiền mặt cho bà con hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa). Anh Kpá Bê (SN 1987), người dân tộc Ê Đê ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai thay gia đình nhận được phần quà của chính quyền xã trao gởi, mừng rỡ nói: “Trước đây, gia đình mình rất khó khăn nhưng nhờ có cán bộ huyện và chính quyền xã giúp đỡ nên cũng đỡ thắt ngặt. Gia đình có nuôi mấy con bò, những tháng qua, do dịch bùng phát nên không dám ra ngoài cắt cỏ; cũng không đi làm mướn, làm thuê được nên rất khó khăn. Hôm nay có phần quà, mình rất biết ơn”.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa, nhằm hỗ trợ một phần nguồn lực cho huyện cũng như giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bùng phát nhanh trên diện rộng, thông qua kênh Phòng LĐ-TB-XH huyện, đến thời điểm hiện tại Sơn Hòa đã tiếp nhận hơn 1,65 tỉ đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm vật tư y tế của 39 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ các khu vực phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở y tế và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19 trên địa bàn huyện.

Tiếp tục thực hiện những gói an sinh xã hội

Trong những ngày qua, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã có nhiều việc làm hết sức thiết thực chăm lo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Các sở, ban ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh đã vận động nhiều nhà hảo tâm, triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực nhằm hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và người dân, nhất là hộ dân đang gặp khó khăn, người yếu thế trong xã hội tại các khu phong tỏa, cách ly, giúp họ ổn định tâm lý, yên tâm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Theo đó, đối tượng áp dụng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong khu vực bị phong tỏa, khu vực thực hiện giãn cách xã hội (theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) hoặc phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu, quyết định của người hoặc cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, một số địa phương đã triển khai đến các xã, phường, thôn, khu phố để đối tượng là người lao động tự do điền những thông tin vào mẫu đơn.

Chị Nguyễn Thị Huệ, bán bún phở ở thôn Ngọc Phước 1 (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Do dịch COVID-19, tôi nghỉ bán từ ngày 15/7, khi TP Tuy Hòa thực hiện giãn cách xã hội đến nay. Nhiều ngày qua, cả nhà cố gắng cầm cự được ngày nào hay ngày đó. Đầu tuần này, trưởng thôn đến tận nhà đưa mẫu đề nghị hỗ trợ để điền vào rồi nộp lên xã. Dù chưa biết có được xét nhận hỗ trợ hay không nhưng tôi cũng cảm thấy ấm lòng vì những sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân lao động nghèo như chúng tôi”.

Không chỉ lo hỗ trợ lao động nghèo, hiện tại các huyện, thị xã thành phố đang khẩn trương chuẩn bị phân bổ gạo cứu trợ về các địa phương để cấp phát cho người dân... Mới đây nhất, Bộ LĐ-TB-XH có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sở LĐ-TB-XH phối hợp các sở, ban ngành liên quan thực hiện hỗ trợ khẩn cấp nơi ở cho người lang thang, cơ nhỡ, người không có chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Và còn nhiều nghĩa cử cao đẹp của các nhà hảo tâm; nhiều quyết sách của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của các tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu đang ngày, đêm căng mình chống dịch đã thắp lên ngọn lửa hy vọng dịch COVID-19 sẽ sớm được dập tắt và mọi người sẽ sớm vượt qua cơn đại dịch này, tình người lại tiếp tục được lan tỏa.

Đầu tuần này, trưởng thôn đến tận nhà đưa mẫu đề nghị hỗ trợ để điền vào rồi nộp lên xã. Dù chưa biết có được xét nhận hỗ trợ hay không nhưng tôi cũng cảm thấy ấm lòng vì những sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân lao động nghèo như chúng tôi.

Chị Nguyễn Thị Huệ,

bán bún phở ở thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/263190/an-sinh-trong-mua-dich.html