An ninh lương thực nhìn từ nhiều khía cạnh

GFSI 2022 là chỉ số an ninh lương thực toàn cầu do Economist Impact công bố thường niên. Bản báo cáo lần thứ 11 đánh giá 113 quốc gia dựa trên 4 trụ cột gồm: khả năng chi trả, tính sẵn có, chất lượng và độ an toàn, tính bền vững và thích ứng.

Định nghĩa an ninh lương thực của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) cũng gồm 4 tiêu chí với nhiều nét tương đồng. Một là tính sẵn có, hàm ý rằng thực phẩm với chất lượng phù hợp được cung cấp qua hệ thống sản xuất nội địa hoặc nhập khẩu, tính cả nguồn viện trợ. Hai là quyền tiếp cận, cho phép các cá nhân nhận được thực phẩm phù hợp với chế độ dinh dưỡng.

Ba là tiêu dùng thực phẩm thông qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nước sạch, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu của cơ thể, tức là có những yếu tố phi thực phẩm được đưa vào vào an ninh lương thực. Sau cùng là tính ổn định, biểu hiện bằng việc mọi người có thực phẩm ổn định, hàm ý rằng không có rủi ro thiếu hụt thực phẩm bất chấp những cú sốc đột ngột như khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng khí hậu hoặc những trục trặc có tính chu kỳ.

Khác với thế giới, Việt Nam tiếp cận an ninh lương thực dựa vào nòng cốt là diện tích đất lúa, giữ 3,5 triệu ha đến 2030 theo Nghị quyết của Quốc hội. Sản lượng gạo hằng năm của Việt Nam dao động trong khoảng 27 - 28 triệu tấn, tiêu dùng trong nước khoảng 21 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.

Sản lượng dư dùng nhưng nhiều địa phương vẫn phải cứu tế vào mùa giáp hạt. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, TP.HCM lần đầu tiên sau nhiều năm phải yêu cầu trung ương hỗ trợ gạo cứu đói. Lưới an sinh xã hội của đầu tàu kinh tế bị xé toang góp thêm cơ sở bác bỏ tư duy số lớn, cả về diện tích và sản lượng.

Những khoảnh ruộng hiếm hoi dưới chân cầu Phú Mỹ phía thành phố Thủ Đức (TP.HCM) nay đã chuyển thành các dự án bất động sản. Ảnh: Trung Dũng

Kết quả Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2018 (VHLSS) cho biết thu nhập ròng bình quân của một nông hộ trên một ha trong mỗi chu kỳ trồng lúa nước ước đạt 8,763 triệu đồng (377 USD), so với trồng cây lâu năm là 11,688 triệu đồng (502 USD), chăn nuôi đạt 29,273 triệu đồng (1.259 USD), đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 20,860 triệu đồng (897 USD).

Việt Nam cung cấp 9% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, lọt vào tốp ba thế giới về số lượng nhưng chỉ đứng thứ 10 về giá gạo, theo Ngân hàng Thế giới. Thị trường xuất khẩu chủ lực của gạo Việt là Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ghana, Bangladesh, Malaysia. Mức sẵn lòng chi trả ở những khách hàng quan trọng này là một yếu tố có lẽ phải tính toán trong lộ trình nâng cấp chất lượng.

Trong bảng xếp hạng năm 2022 của GFSI, khu vực Đông Nam Á chỉ có Singapore lọt vào tốp 30 (vị trí thứ 28) dù nước này không có một thước vuông canh tác lúa. Việt Nam xếp thứ 46, sau Malaysia (hạng 41) nhưng trớ trêu là nước này lại là một trong những khách hàng lớn mua gạo từ Việt Nam.

Quy hoạch đất lúa buộc chặt 7,5 triệu nông hộ (theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn - IPSARD) vào cây lúa. Đầu vào áp đặt mệnh lệnh hành chính nhưng đầu ra lại thả nổi cho thị trường định đoạt. Gánh vác nhiệm vụ chính trị an ninh lương thực mà để nông dân thường trực nỗi lo được mùa mất giá vừa thiếu nhất quán, vừa thiếu sòng phẳng.

Nhìn sang Thái Lan, không biết nông dân xứ sở chùa Vàng có phải gánh vác nhiệm vụ an ninh lương thực hay không nhưng 4,6 triệu nông hộ là một thế lực có tầm ảnh hưởng lên chính sách. Ủy ban Quản lý và Chính sách Gạo Thái Lan phê duyệt khoản ngân sách 150 tỷ baht (tương đương 102.141 tỷ đồng) nhằm đảm bảo thu nhập cho các nông hộ trong niên vụ 2022 - 2023, theo ThaiPBSWorld.

Chương trình trợ giá chia làm hai hợp phần. Ủy ban chi 86,7 tỷ baht cho hoạt động kiểm soát giá lúa tối thiểu được cập nhật sau mỗi tuần, nhằm bù đắp phần chênh lệch cho những nông hộ không thể bán lúa tại những mức giá này. Phần trợ cấp còn lại (63,3 tỷ baht) khuyến khích nông hộ trữ lúa, không bán ra khi giá giảm vào mùa thu hoạch rộ. Mỗi nông hộ sẽ nhận được khoản trợ cấp 1.000 baht tương ứng với 0,16 ha canh tác nhưng không vượt quá 20.000 baht (tức 3,2 ha).

Gánh vác nhiệm vụ chính trị an ninh lương thực mà để nông dân thường trực nỗi lo được mùa mất giá vừa thiếu nhất quán, vừa thiếu sòng phẳng.

Ngoài khía cạnh chủ trương, tính bền vững của ngành sản xuất lúa còn bị đe dọa bởi thời tiết cực đoan có tần suất xuất hiện ngày càng thường xuyên. Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 gây tổn thất 1 triệu tấn lúa là đợt hạn mặn khốc liệt hơn vào năm 2020. Việt Nam lọt vào tốp 5 quốc gia bị tác động từ biến đổi khí hậu và đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu tổn thương nặng nhất.

Ngành sản xuất lúa gạo vừa chịu rủi ro, vừa là tác nhân gây biến đổi khí hậu, đóng góp 48% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp, ước tính khoảng 104,5 triệu tấn CO2e (đơn vị được dùng để thể hiện dấu vết carbon của các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu gồm carbon dioxide (CO2), nitơ ôxit (N2O) và metan (CH4), với giả định tất cả khí thải gây hiệu ứng nhà kính đều là CO2, từ đây gọi là CO2 tương đương).

Hệ số phát thải CO2 tương đương của ngành lúa Việt Nam là 0,8(*), hàm ý rằng một ha canh tác hai vụ mang lại 12 tấn lúa phát thải 9,6 (12 X 0,8) tấn CO2 tương đương, theo tài liệu Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại Kiên Giang tháng 12.2022. Con số này thấp hơn hệ số 0,9 từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố tại Hội thảo “Chống chịu Khí hậu tổng hợp và Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức tại Cần Thơ hồi tháng 9.2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất lúa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt 6,24 tấn/ha, cao hơn mức bình quân cả nước là 6,06 tấn/ha, cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năng suất lúa của Việt Nam ở khu vực châu Á trong mười năm trở lại đây chỉ đứng sau Trung Quốc (7,1 tấn/ha), bỏ xa những nhà sản xuất lúa gạo lớn như Thái Lan (2,8 tấn/ha), Indonesia (4,6 tấn/ha), Myanmar (2,7 tấn/ha), Campuchia (2,9 tấn/ha), Ấn Độ (4,2 tấn/ha), Bangladesh (4,7 tấn/ha).

Việt Nam cung cấp 9% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, lọt vào tốp ba thế giới về số lượng nhưng chỉ đứng thứ 10 về giá gạo. Trong ảnh: người dân phơi thóc ở sân bay Cheo Reo cũ thuộc thị xã Ayunpa (tỉnh Gia Lai). Ảnh tư liệu: Trần Việt Đức

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vốn đã rất thấp lại đang có dấu hiệu chậm lại, theo Ngân hàng Thế giới: “Các thực hành sản xuất không bền vững, bao gồm việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y cũng như việc sử dụng nước kém hiệu quả trong hệ thống thủy lợi ngày càng làm suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên, là cơ sở của tiếp tục duy trì tăng trưởng trong tương lai”. Tăng trưởng năng suất của ngành sản xuất lúa biến thiên thuận chiều với việc sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, cụ thể là lượng NPK. Còn theo IPSARD, lượng phân bón NPK của Việt Nam tăng liên tục và hiện cao nhất trong số những nhà sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á.

Nước tưới lại là một thách thức an ninh phi truyền thống mà khó thể kỳ vọng giải pháp hài hòa trong trung hạn. Những con đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông khiến vùng châu thổ hụt một nguồn cung lớn, nhất là vào mùa khô, rộng cửa cho xâm nhập mặn. Nước bị giữ lại thượng nguồn còn làm giảm đáng kể lượng phù sa theo con nước về bồi đắp cho vùng châu thổ. Đầu vào khiếm hụt, nhưng việc sử dụng nước tưới lại không hiệu quả, theo ISPARD. Uớc tính của Ngân hàng Thế giới, cần 3.000 - 5.000 lít nước để sản xuất ra một ký lúa, nhiều nhất trong những cây nông nghiệp xuất khẩu chủ lực.

Lựa chọn hướng đi trước khi lựa chọn phương tiện!

Thượng Tùng

___________

(*) Hệ số phát thải trên một ha lúa của Trung Quốc là 0,7; Ấn Độ: 0,7; Bangladesh: 0,6; Thái Lan: 1,5; Myanmar: 1,1 và Philippines: 2,4

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/an-ninh-luong-thuc-nhin-tu-nhieu-khia-canh-40107.html