An ninh hạt nhân vẫn là thách thức

Một lần nữa, vấn đề bảo đảm an toàn hạt nhân và ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân lại trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận quốc tế nhân Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân vừa diễn ra tại Thủ đô Washington, Mỹ.

Bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạt nhân đang là thách thức với toàn thế giới

Đây là lần thứ tư một diễn đàn quốc tế lớn về an ninh hạt nhân được tổ chức. Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên diễn ra năm 2010 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ B. Obama. Khi đó, 47 nước tham gia đã cam kết đảm bảo an toàn hạt nhân bằng việc giảm sử dụng urani được làm giàu ở cấp độ cao (HEU), tăng cường an ninh đối với các cơ sở có lưu giữ các nguyên liệu có thể phân hạch, gia tăng hợp tác giữa các quốc gia thành viên tham gia các công ước quốc tế trong lĩnh vực này.

Nhìn lại lịch sử, kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời đến nay, thế giới chưa từng bình yên trước mối lo về thảm họa kinh hoàng mà loại vũ khí này có thể gây ra. Theo ước tính, hiện trên thế giới có khoảng 2.000 tấn nguyên liệu hạt nhân. Trong khi đó, để chế tạo một quả bom nguyên tử chỉ cần 25kg urani được làm giàu ở mức độ cao. Còn theo Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, hiện có khoảng 15.850 đầu đạn hạt nhân trên thế giới, nhiều nhất thuộc về Mỹ và Nga với số lượng tương ứng là 7.500 và 7.260. Các quốc gia xếp sau lần lượt là Pháp - 300 đầu đạn, Trung Quốc - 260, Anh - 215, Pakistan - từ 100 đến 120, Ấn Độ - từ 90 đến 110, Israel - 80 (chưa chính thức) và Triều Tiên từ 6 - 8 đầu đạn.

Nhờ nỗ lực của cộng đồng quốc tế, kể từ Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân đầu tiên đến nay, 12 quốc gia đã hoàn toàn chấm dứt sử dụng urani được làm giàu ở cấp độ cao (HEU), 24 lò phản ứng và các cơ sở sản xuất chất đồng vị mà trước đó sử dụng HEU đã đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng urani được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU), 32 tòa nhà lưu giữ nguyên liệu có thể phân hạch đã được nâng cấp an ninh.

Tuy nhiên, mối lo an ninh hạt nhân vẫn chưa hề giảm. Thế giới ngày càng quan ngại về nguy cơ các tổ chức khủng bố sở hữu hạt nhân để phục vụ cho mục đích xấu. Ai cũng hiểu rằng nếu như vật liệu hạt nhân rơi vào tay các phần tử khủng bố, dù chỉ ở mức đủ để chế tạo “bom bẩn” - loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe, thì hậu quả các vụ tấn công khủng bố sẽ kinh hoàng hơn nhiều so với vụ khủng bố vừa qua tại Brussels, Bỉ. Trong khi đó, việc các tổ chức nhà nước hợp tác với những kẻ buôn lậu hạt nhân và khủng bố đã trở thành mối đe dọa thực sự.

Chính vì thế, Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần này với sự tham gia của lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia là cơ hội để các nước cùng chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của đảm bảo an ninh hạt nhân, đồng thời thể hiện quyết tâm chung xây dựng một thế giới an toàn cho mọi công dân Trái đất. Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.

Đáng mừng là bên cạnh các biện pháp tăng cường an ninh và kiểm soát các nguyên liệu phân hạch, gồm urani và plutoni được làm giàu ở cấp độ cao, hội nghị năm nay đã thảo luận các sáng kiến nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân và các chất phóng xạ, cùng các kế hoạch hành động đối với 5 tổ chức quốc tế chính, gồm Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên hợp quốc, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT), Hợp tác toàn cầu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Global Parnership).

Sắp tới, mỗi kế hoạch hành động sẽ phải vạch ra mục tiêu cụ thể để các quốc gia tham gia. Đây sẽ là chặng đường dài tiến tới mục tiêu một thế giới phi hạt nhân và các mối nguy cơ về an ninh hạt nhân.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/binh-luan/an-ninh-hat-nhan-van-la-thach-thuc/670190.antd