Ẩn họa nghiện TikTok

Dành 5- 7 tiếng một ngày để sử dụng ứng dụng TikTok, gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, kết quả học tập và cả thể chất của người sử dụng. Các chuyên gia cho rằng những nội dung độc hại trên nền tảng này lâu dài sẽ làm tư duy lệch lạc…

Mất kiểm soát

Anh Nguyễn Như Hải (47 tuổi, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho con trai sử dụng điện thoại thông minh gần 3 năm nay để liên lạc và hỗ trợ cho con trong việc học. Tuy nhiên, cách đây 6 tháng, anh phải cấm con sử dụng điện thoại vì cháu dành quá nhiều thời gian cho TikTok, học tập sa sút. “Hầu như lúc nào cầm điện thoại là con vào TikTok, kể cả trong bữa ăn và khi đi ngủ. Nhiều lần, tôi sang phòng con vào buổi đêm, ứng dụng vẫn đang hoạt động dù cháu đã ngủ say”, anh Hải chia sẻ.

Theo anh Hải, con trai anh thường xuyên nói những câu như “bing chilling, hé lô bà già đau khổ giữa trời đông cô đơn”… và nhiều câu khác mà anh không hiểu ý nghĩa. Ngay cả trong bữa ăn, nhiều lần anh thấy con bắt chước nhảy theo những điệu nhảy, hay cười một mình khi xem những video trên Tiktok và không thích ra ngoài chơi với bạn bè…

Một bạn trẻ chăm chú xem TikTok

Không chỉ trẻ nhỏ, cả thanh niên cũng nghiện ứng dụng video ngắn này. Phan Anh Minh, 20 tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu “say” TikTok khi dịch COVID-19 bùng phát. “Thời điểm dịch bệnh, em thấy TikTok là ứng dụng giải trí khá tốt. Em nghĩ nếu mình không dùng TikTok sẽ bị lạc hậu so với chúng bạn”, Minh chia sẻ. Ban đầu, Minh chỉ xem ứng dụng TikTok lúc rảnh, nhưng ngày càng nhiều hơn. Hễ rảnh tay, hoặc học đến bài khó là Minh lại lên cầm điện thoại, lướt TikTok để giải tỏa. “Có những hôm em quyết tâm đi ngủ sớm để hôm sau có năng lượng cho học tập. Lên giường nằm, tính chỉ cầm điện thoại vào TikTok một chút nhưng càng xem, em lướt càng nhiều càng không thấy thỏa mãn. Nhìn đồng hồ đã đến 2,3 giờ sáng, em mới giật mình đi ngủ”, Minh nói. Những ngày nghỉ, Minh có thể nằm xem TikTok cả ngày mà không thấy chán, hoặc đi cà phê với bạn bè, thì mỗi người trong nhóm lại ôm điện thoại ngồi lướt riêng. “Em có tâm lý sợ bỏ lỡ trào lưu mới mặc dù em biết những trào lưu độc hại trên nền tảng này không hề ít. Có những nội dung rất nhảm nhí, như chửi bới người nổi tiếng, các TikToker ăn mặc nhố nhăng... Tuy nhiên, xem những nội dung này lại rất dễ bị cuốn”, Minh bộc bạch.

Nguy cơ ảnh hưởng nhân cách

Theo Ths. Lê Thị Thanh Phương, cán bộ của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, việc tiếp nhận thông tin cho não bộ cũng như đưa thực phẩm vào cơ thể. Khi chúng ta tiếp nhận nội dung qua việc xem video, hành động đọc, nghe, nhìn về một việc nào đó, dần những thông tin đó sẽ được não bộ hấp thu và tạo thành hành động làm theo. Ths Phương dẫn các nghiên cứu cho hay, bộ não con người thường có cơ chế bị thu hút bởi những thông tin giật gân và tiêu cực hơn so với những điều tích cực. Qua đó, với những video ngắn, giật gân với nội dung tiêu cực mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, việc hình thành hành vi bắt chước sẽ diễn ra nhanh hơn. Điều này không chỉ là bắt chước theo những hành động, mà còn ảnh hưởng đến tư duy, dần sẽ hình thành nên những đứa trẻ có suy nghĩ lệch lạc.

Tại “Hội thảo Môi trường internet an toàn: Giải pháp trong trường học” diễn ra vào tháng 3/2023 vừa qua, Phó Cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đăng Khoa cho biết, trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày.

“Trẻ em chưa hoàn thiện nhận thức nên các em có xu hướng dễ dàng bắt chước. Vì thế, sẽ rất nguy hiểm khi các em dễ dàng tiếp xúc với những video độc hại. Việc bắt chước những video độc hại đó, lâu dần sẽ hình thành nên tính cách lệch lạc. Nhiều trào lưu như “những ngành học vô dụng”, “bỏ học khởi nghiệp” … đang làm cho các bạn trẻ có tư duy sai khi chọn ngành, làm giàu nhanh mà dễ dàng”, Ths. Phương đánh giá.

Theo Ths. Phương, bố mẹ nên đồng hành cùng con trong việc sử dụng TikTok. Ví dụ, khi các em bắt chước một lời nói nào đó mà chúng không hiểu ý nghĩa sẽ hình thành nên đứa trẻ tính cách hời hợt, sáo rỗng. Lúc đó, bố mẹ cần sát sao hơn với con cái, thay thế việc tham gia mạng xã hội của các con bằng các hoạt động thực tế, học tập khác; đưa việc giải trí trên mạng xã hội là phần thưởng dưới sự giám sát của bố mẹ.

Theo T.s Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, không thể phủ nhận ưu điểm của TikTok. Đây là loại hình truyền thông hiện đại trong việc chia sẻ, kết nối thông tin, giao tiếp của giới trẻ. Nhiều thước phim ngắn, vui nhộn vừa mang kiến thức, thông tin bổ ích, có tính giải trí cao, đồng thời khẳng định giá trị cá nhân của các bạn trẻ, tạo thêm sự tự tin cho các bạn. Tuy nhiên, mặt trái trong sử dụng TikTok cũng rất rõ ràng. Nếu các bạn trẻ xem TikTok quá nhiều sẽ bỏ bê học tập, làm việc, giao tiếp xã hội. Một số bạn có thể rơi vào trạng thái “sống ảo” nhiều hơn sống thật. Việc, sử dụng mạng xã hội không có điều độ sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần, hình thành thói quen xấu như thức khuya, dậy muộn, sử dụng điện thoại khi ăn cơm, khi học tập, giao tiếp với người khác... “Thông tin, xấu độc sẽ tác động trực tiếp đến niềm tin, nhận thức của các bạn trẻ. Dù nhiều người cho là thế giới ảo nhưng lại đang tác động tiêu cực đến con người thật và cuộc sống thật của các bạn. Những thước phim thể hiện sự lệch lạc như bạo lực, cổ vũ lối sống buông thả, coi giá trị vật chất, tiền bạc là nhất, các hành vi tệ nạn, tội phạm... tác động đến giá trị, đạo dức, nhân cách sống các bạn... Không có gì đảm bảo là các bạn trẻ không học và làm theo”, T.S Linh chia sẻ.

Thành Đạt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/an-hoa-nghien-tiktok-post1559967.tpo