An Giang: Phát triển tiềm năng du lịch nông thôn

Hội nông dân An Giang tận dụng lợi thế các địa phương có thế mạnh kinh tế vườn, thắng cảnh thiên nhiên, văn hóa – lịch sử, món ăn đặc sản… ưu tiên phát triển du lịch.

Chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề trăn trở nhất của các cấp chính quyền trong thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Một trong những cách làm hay của Hội nông dân An Giang chính là mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn.Tận dụng lợi thế các địa phương có thế mạnh kinh tế vườn, thắng cảnh thiên nhiên, văn hóa – lịch sử, món ăn đặc sản… Hay như ở Bạc Liêu, thì việc tận dụng những cảnh đẹp thiên nhiên như vườn chim, hay quảng bá văn hóa lại được ưu tiên phát triển du lịch.

Để mở rộng quy mô cho du lịch, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức Nông dân Hà Lan Agriterra thí điểm triển khai mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn một số xã điểm. Từ nhiều năm qua, nhu cầu du lịch sinh thái, homestay của khách du lịch trong và ngoài nước đến An Giang rất lớn, thế nhưng hầu như người dân ở các khu, điểm du lịch chưa biết tận dụng lợi thế trên để nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương.

Do vậy, việc phát triển du lịch nông nghiệp, giúp người nông dân cùng kinh doanh du lịch là hướng đến phát triển nông thôn bền vững nhất. Đây là những điểm tạo nên bức tranh của nông thôn Việt Nam phong phú, đa dạng, một tiềm năng du lịch lớn, mang lại lợi ích cho đất nước. Phát huy được tiềm năng này, khai thác và phát triển du lịch nông thôn không chỉ mang lại lợi nhuận cho các nhà kinh doanh du lịch mà còn tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Du khách có thể đi tham quan vườn rau sạch hoặc các làng nghề.

Kinh doanh du lịch nông nghiệp có thể nói là hình thức khá xa lạ với người nông dân từ trước đến nay, thế nhưng khi bắt đầu triển khai tại An Giang mô hình đã thu được nhiều tín hiệu tích cực. Ông Tôn Thất Đính (ngụ ấp Mỹ An 2, Xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang) là một trong những hộ gia đình tham gia mô hình du lịch nông nghiệp đầu tiên của tỉnh chia sẻ: “Kinh doanh du lịch nông nghiệp có nhiều cái hay, trong đó cái hay lớn nhất là vẫn gắng bó với nghề nông vừa quảng bá, học hỏi văn hóa, phong tục tập quán của du khách mà còn thêm thu nhập cho gia đình. Kinh doanh du lịch là cả nhà cùng làm, cả địa phương cùng hưởng”.

Kết quả ban đầu cho thấy, các hộ tham gia mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng lợi từ vài chục triệu đồng/năm trở lên từ dự án. Mặt khác, chính từ dự án du lịch nông nghiệp đã giúp nhiều ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang dần mai một bắt đầu khởi sắc, giúp bà con làng nghề tăng thu nhập từ việc thu hút du khách tham quan đến quảng bá, mua sản phẩm, mở rộng thị trường…

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân An Giang, mô hình đã giúp quảng bá hình ảnh sông nước, con người An Giang với du khách trong và ngoài nước, vừa giúp bà con tăng thêm thu nhập gia đình, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tiến bộ, bền vững theo đúng mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hiện An Giang có 15 phường, xã, thị trấn chủ yếu là các xã điểm xây dựng nông thôn mới có các hoạt động văn hóa đặc trưng và độc đáo được chọn tham gia dự án. Tổng số hộ tham gia hưởng lợi trực tiếp từ 75 đến 100 hộ - chưa kể số hộ được hưởng lợi gián tiếp từ đào tạo, cùng tham gia các dịch vụ của dự án.

Mô hình du lịch nông nghiệp tại An Giang thời gian qua dù đã đạt một số thành công bước đầu khả quan, nhưng hiện nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho công tác điều hành, quảng bá vẫn còn khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng ban kinh tế Hội Nông dân An Giang bày tỏ, chúng tôi xây dựng mô hình trên việc tận dụng lợi thế sẵn có về địa lý, con người, thắng cảnh, phong tục tập quán của bà con nông dân là chính. Nhưng con người chuyên nghiệp phục vụ cho nông nghiệp hầu như không có. Vậy nên, chúng tôi mở hướng bằng phương cách thành lập Tổ hợp tác du lịch nông nghiệp để bà con vừa làm, vừa học.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, nhất thiết phải có đội ngũ nguồn nhân lực chuyên nghiệp kinh doanh du lịch tập huấn, hỗ trợ phương cách kinh doanh, quảng bá, phục vụ du lịch nông nghiệp. Trong khi đó, ông Tôn Thất Đính (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang) nông dân tham gia mô hình du lịch nông nghiệp thừa nhận: “Chúng tôi hợp tác kinh doanh du lịch nông nghiệp chủ yếu theo cách thức “cây nhà lá vườn”, chưa thực sự chuyên nghiệp nên lượng khách vẫn chưa dồi dào và thu nhập từ du lịch vẫn còn rất hạn chế. Muốn mở rộng mô hình nhưng vấn đề là nghiệp vụ không có, nguồn vốn đầu tư… nên để phát triển mô hình đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách rất khó”.

Du lịch nông thôn là loại hình khai thác các vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên quý giá cần được bảo tồn, phát huy nhằm đáp ứng lâu dài cho nhu cầu của cư dân đô thị trong việc tìm kiếm không gian yên tĩnh và giải trí ngoài trời, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ có liên quan đến yếu tố con người gắn với thiên nhiên.

Điều này được thể hiện sinh động thông qua các chuyến tham quan danh thắng, thưởng thức cảnh quan nông thôn và du lịch nông nghiệp. “Điểm hẹn văn hóa” Bạc Liêu có khá nhiều những danh lam thắng cảnh đẹp như: vườn nhãn cổ, vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải), vườn chim Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai), vườn chim huyện Phước Long, đặc biệt vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) nằm trong trung tâm thành phố đang được đầu tư khai thác phát triển.

Bên cạnh đó, các vùng sinh thái rừng phòng hộ ven biển; các trang trại nuôi trồng của các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp; làng nghề làm nông cụ Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), làng nghề đan đát Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), làng nghề chế biến thủy sản thị trấn Gành Hào, làng nghề truyền thống muối Kinh Tư - Long Điền Tây (huyện Đông Hải), tuyến đường sông Vàm Lẽo (huyện Vĩnh Lợi)… cũng góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh du lịch nông thôn và đang được tỉnh định hướng đầu tư để phát huy tối đa lợi thế.

Khu du lịch đánh bắt cá.

Dịch vụ ẩm thực tại nhà người dân sử dụng rau và các loại thực phẩm tại nông thôn, dịch vụ Homestay lưu trú tại nhà dân, được trải nghiệm chính cuộc sống của người dân, trải nghiệm với mua sắm các sản phẩm ngành nghề truyền thống, giao lưu với nghệ nhân thông qua kỹ năng tài nghệ hoàn thiện các sản phẩm, trình độ của người dân tái hiện lịch sử văn hóa nông thôn thông qua các buổi trình diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử, Nói thơ Bạc Liêu, Hò chèo ghe…tham quan cảnh quan môi trường sông nước, các chương trình trải nghiệm học tập kiến thức nông nghiệp, giao lưu với nông dân… rất hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Một khi du lịch nông thôn phát triển sẽ kéo theo sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội, phục hồi môi trường sinh thái tại địa phương, ý thức văn hóa của người dân theo đó cũng tự giác tăng cao. Và đặc biệt, phong trào “Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” sẽ càng sôi động, người dân nông thôn sẽ ý thức hơn, mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng quy mô, phát triển các loại hình du lịch nông thôn như nhà hàng nông gia tại một số cơ sở đã có thương hiệu: quán “Hai Lúa”, cà phê “Hương Quê”, “Hương Đồng”, “Sông Quê”, “Quê Biển”, bánh xèo “A Mật”…

Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra lợi thế cạnh tranh lành mạnh về du lịch trong vùng liên kết, thiết nghĩ thời gian tới các tỉnh cần quan tâm đầu tư có chiều sâu, trọng tâm trọng điểm để đánh thức tiềm năng, khai thác một cách có hiệu quả các thế mạnh của du lịch nông thôn.

Bảo Phương/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/an-giang-phat-trien-tiem-nang-du-lich-nong-thon-p41417.html