Ấn Độ 'nở rộ' ly hôn tuổi xế chiều

Không chỉ là xu lướng ở Mỹ, Anh, Australia..., nhiều cặp vợ chồng Ấn Độ cũng quyết định ly hôn dù đã bước sang tuổi xế chiều và sau hàng thập kỷ ở bên nhau.

Số cặp đôi Ấn Độ quyết định ly hôn ở tuổi xế chiều đang ngày càng gia tăng thời gian gần đây. (Nguồn: AP)

Số cặp đôi Ấn Độ quyết định ly hôn ở tuổi xế chiều đang ngày càng gia tăng thời gian gần đây. (Nguồn: AP)

Bà Arti Krishnan, 50 tuổi, một chuyên gia trong ngành du lịch ở thành phố Bangalore, bang Karnataka đã quyết định từ bỏ cuộc hôn nhân của mình sau 30 năm chung sống. Dù 2 cô con gái lớn phản đối và đứng về phía cha nhưng bà Krishnan vẫn quyết tâm chấm dứt cuộc sống cùng bà mẹ chồng thích kiểm soát và người bạn đời luôn coi trọng mẹ hơn vợ.

“Lấy chồng từ khi còn trẻ và tôi đã phải thỏa hiệp trong rất nhiều năm. Tôi thậm chí không nhận ra rằng tôi có quyền tự do lựa chọn để sống cho bản thân”, bà chia sẻ.

Trong suốt cuộc hôn nhân của mình, bà đã cố gắng “làm hài lòng tất cả mọi người” và dồn mọi tâm sức cho sự nghiệp bởi “công việc đã cho tôi một lối thoát”. Bà luôn cảm thấy mình không được tôn trọng và kiệt sức khi phải cố gắng nỗ lực để cuộc hôn nhân được hạnh phúc.

Sau khi ly hôn, bà sống một mình trong một căn hộ nhỏ “tuy không giàu nhưng bình an”.

“Tôi muốn một ngày nào đó hai con sẽ hiểu rằng, nếu chúng đang ở trong một mối quan hệ không hạnh phúc, chúng luôn có sự lựa chọn để làm điều đó tốt hơn và nếu thất bại, các con nên lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình”, bà nói.

Bà Amita Patel, 65 tuổi làm trong lĩnh vực công nghệ phần mềm ở thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ, cho biết thật “mỉa mai” trước thực tế rằng khi con cái đã lớn khôn, tài chính ổn định và các cặp vợ chồng có nhiều thời gian dành cho nhau thì nhiều cặp lại quyết định từ bỏ.

Bà đã kiên quyết ly hôn với người chồng thiếu chung thủy vào năm ngoái, sau 3 thập kỷ ở bên nhau.

Khái niệm “ly hôn bạc” hay “ly hôn xám” đề cập những cuộc chia ly khi các cặp vợ chồng đã bước sang tuổi xế chiều, thường là từ 50 tuổi trở lên. Thời gian qua, xu hướng này đang gia tăng ở một số quốc gia như Australia, Anh, Mỹ và gần đây là Ấn Độ.

Có rất nhiều lý do dẫn đến sự gia tăng các cuộc “ly hôn xám” như người dân dần có tuổi thọ cao hơn, phụ nữ ngày càng độc lập hơn về kinh tế và ít bị kỳ thị hơn khi ly hôn.

Nhiều cặp vợ chồng nhận thấy, họ giống “người bạn chung phòng hơn là một người bạn tâm giao” và nhiều trẻ em trưởng thành từ một gia đình mà bố mẹ thường xuyên cãi vã lại cảm thấy hạnh phúc hơn khi bố mẹ chia tay.

Nam diễn viên Bollywood Aamir Khan, 57 tuổi đã ly hôn gần đây sau 15 năm chung sống. (Nguồn: AFP)

Nam diễn viên Bollywood Aamir Khan, 57 tuổi đã ly hôn gần đây sau 15 năm chung sống. (Nguồn: AFP)

Không chỉ những người dân bình thường, không ít cặp nghệ sĩ nổi tiếng của Ấn Độ cũng quyết định “đường ai nấy đi” khi bước sang tuổi lên ông bà. Nam diễn viên Bollywood Aamir Khan, 57 tuổi và vợ là đạo diễn kiêm nhà sản xuất Kiran Rao, 48 tuổi, đã ly hôn gần đây sau 15 năm chung sống. Đạo diễn Priyadarshan, 65 tuổi và vợ là nữ diễn viên Lissy, 55 tuổi, cũng chính thức chia tay năm 2016.

Để tìm chất liệu cho cuốn sách Bỏ cuộc – Cuộc ly hôn muộn màng và bắt đầu lại xuất bản năm 2007, tác giả Deirdre Bair đã thực hiện gần 400 cuộc phỏng vấn với các cặp vợ chồng có con cái đã trưởng thành. Bà nhận thấy, đa phần phụ nữ là những người đưa ra quyết định chia tay.

Một phụ nữ ở độ tuổi 80, sau khi vượt qua và tỉnh dậy từ ca phẫu thuật đã nói với chồng rằng bà không muốn tiếp tục dành những năm cuối cuộc đời với ông. Và bà không phải là người phụ nữ duy nhất có suy nghĩ như vậy.

Dù tỷ lệ ly hôn ở Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 1% nhưng theo báo cáo Sự tiến bộ của phụ nữ thế giới 2019-2020 của Liên hợp quốc, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua.

“Những người đàn ông cũng không hạnh phúc”, ông Rakesh Batra, 64 tuổi, đến từ Mumbai, người vừa kết thúc cuộc hôn nhân 35 năm vào năm 2019 nói. Nhưng ông Batra cho biết, ông “không sợ hãi khi bước đi một mình vào những năm cuối đời” và được tự do theo đuổi sở thích của mình.

“Bạn chỉ có duy nhất một cuộc đời”, ông Batra nhắc lại câu cửa miệng của thế hệ thiên niên kỷ.

Bà Shweta Kumar, 60 tuổi, sinh sống tại Chennai, cũng đã ly hôn sau 35 năm chung sống. Bà chia sẻ, dù biết mức sống có thể bị giảm sút và có nguy cơ “bị gia đình ruồng bỏ nhưng bạn sẽ sớm nhận ra rằng bạn không muốn tiếp tục sống thêm 30-40 năm nữa trong một gia đình không hạnh phúc”.

Bà tâm sự, hai vợ chồng đã có rất nhiều cuộc cãi vã và tranh luận. “Ông ấy sống chạy theo vật chất khủng khiếp còn tôi thì lại sống nội tâm và hướng về tâm linh. Các con tôi đều ở nước ngoài và đều tôn trọng quyết định của chúng tôi. Giờ thì tôi có thể thức dậy mỗi ngày với nụ cười nở trên môi và chỉ điều đó thôi cũng đã đủ đáng giá", bà nói.

Theo Giáo sư Tâm thần học tại Trường Y Havard (Mỹ) Robert J. Waldinger, việc sống chung với xung đột thường xuyên sẽ gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

Ông đã tham gia một nghiên cứu khảo sát trên 724 người đàn ông Mỹ được phỏng vấn hàng năm về công việc, cuộc sống gia đình và sức khỏe của họ. Nghiên cứu bắt đầu vào năm 1938 và kéo dài trong 79 năm.

Trong một chương trình TED Talk năm 2015, Giáo sư Waldinger cho biết các mối quan hệ tốt đẹp “giúp mọi người hạnh phúc và khỏe mạnh hơn” và các cuộc hôn nhân có xung đột cao “hóa ra rất có hại cho sức khỏe và còn tệ hơn cả việc ly hôn”.

Bà Kamna Chhibber, chuyên gia tâm lý học tư vấn và nhà trị liệu ở thành phố Gurgaon, miền Bắc Ấn Độ, cho biết các cặp vợ chồng ngày càng nhận thức được sự cần thiết phải ưu tiên hạnh phúc cá nhân, “không giống như trước đây họ luôn chú trọng đến các chuẩn mực xã hội và những kỳ vọng từ gia đình”.

Bà phân tích, ngày càng có sự nhận thức lớn hơn rằng nếu “nhu cầu của một cá nhân liên tục không được đáp ứng hoặc họ thường xuyên ở trong môi trường xung đột, rời rạc, mất kết nối thì tốt hơn hết là nên chia tay, ngay cả khi họ đã lớn tuổi”.

(theo SCMP)

Trùng Dương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-no-ro-ly-hon-tuoi-xe-chieu-191007.html