Ấn Độ: Mô hình 'tập nghề' và kinh nghiệm về đào tạo, phát triển kỹ năng

Ở Ấn Độ, các chương trình tập nghề được triển khai tại các trường trung học phổ thông như một phần của chương trình giáo dục. Thí dụ, học sinh lớp 10 phổ thông sau 2 năm học nghề có thể nhận chứng chỉ kỹ thuật viên nghề.

Ấn Độ có quy mô dân số 1,4 tỷ người. Dự kiến đến năm 2047, Ấn Độ vẫn giữ được lợi thế dân số trẻ dù dân số trên toàn thế giới trở nên già hóa. Lực lượng lao động Ấn Độ (từ 15 đến 59 tuổi) khoảng 870 triệu người, chiếm 62% quy mô dân số.

Chính phủ Ấn Độ ước tính đến năm 2030, lực lượng lao động Ấn Độ tăng lên trên 1 tỷ người. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, trong một thập kỷ tới, 25% lực lượng lao động toàn cầu sẽ đến từ Ấn Độ, đóng góp tăng trưởng khoảng 15% GDP toàn cầu.

Mô hình tập nghề của Ấn Độ

Theo kinh nghiệm của Ấn Độ, khái niệm “tập nghề” (apprenticeships) đề cập đến các chương trình đào tạo kết hợp giữa giáo dục nghề tại nhà trường và đào tạo tại nơi làm việc có sự giám sát chặt chẽ của lao động lành nghề (skilled workers), nghệ nhân (craftman) hoặc người có trình độ chuyên môn (professional).

Đây là hình thức vừa làm vừa học, người học nghề có thu nhập tối thiểu khi tham gia các chương trình tập nghề, có thể nhận được các văn bằng đào tạo.

Sinh viên viện đào tạo kỹ thuật Toyota - Ấn Độ thực hành lắp ráp ô tô (Ảnh: T.G)

Tập nghề và phát triển kỹ năng Ấn Độ đang gặp nhiều thách thức về: Cơ cấu việc làm thay đổi, chức năng nhiều công việc, việc làm bị thu hẹp, đào tạo thực hành hạn chế; sự tham gia của doanh nghiệp, đào tạo dựa theo nhu cầu hạn chế;

Các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo thiếu nguồn lực và trang thiết bị; phát triển kỹ năng vẫn là lựa chọn thứ hai của người dân; phát triển kỹ năng không gắn kết với giáo dục đại học.

Chính phủ Ấn Độ đã tập trung ưu tiên hoàn thiện về khung trình độ quốc gia và thể chế, chính sách.

Ấn Độ trong nhiều năm đã triển khai cùng lúc hai khung trình độ: Khung trình độ giáo dục nghề quốc gia (National Vocational Education Qualification Framework) do Bộ Phát triển nhân lực xây dựng và triển khai; Khung trình độ nghề quốc gia (National Vocational Qualification Framework) do Bộ Lao động và Việc làm xây dựng triển khai.

Nhận thấy việc cùng lúc tồn tại hai khung trình độ trong hệ thống giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề tạo ra nhiều thách thức, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập cơ quan liên hai Bộ để nghiên cứu, hợp nhất hai khung thành một khung trình độ quốc gia duy nhất: Khung trình độ kỹ năng quốc gia (National Skills Qualification Framework).

Chính phủ Ấn Độ thành lập Bộ Phát triển kỹ năng và Khởi nghiệp và giao Bộ này nhiệm vụ phát triển và triển khai Khung trình độ kỹ năng quốc gia.

Khung là cơ sở để chuẩn hóa các trình độ văn bằng, chứng chỉ đào tạo trong nước (phát triển các tiêu chuẩn nghề, thiết kế chương trình đào tạo, đào tạo và đánh giá, cấp văn bằng, chứng chỉ) và dịch chuyển lao động có kỹ năng ra thị trường lao động quốc tế.

Luật về đào tạo nghề được ban hành từ năm 1961, được sửa đổi lần đầu tiên vào năm 1973, lần hai vào năm 1986 nhằm bổ sung việc đào tạo văn bằng kỹ sư (Diploma Engineers) với tư cách là đào tạo nghề kỹ thuật viên (Technician Apprentices), bổ sung chương trình đào tạo 10+2 (dạy nghề 2 năm cho đối tượng đang học lớp 10 phổ thông) để đạt được trình độ kỹ thuật viên nghề.

Luật được sửa đổi gần đây nhất vào năm 2008 hướng tới nhiều đối tượng ở tầng lớp “lạc hậu”.

Ở Ấn Độ, các chương trình tập nghề được triển khai tại các trường trung học phổ thông như một phần của chương trình giáo dục. Thí dụ, học sinh lớp 10 phổ thông sau 2 năm học nghề có thể nhận chứng chỉ kỹ thuật viên nghề.

Tập nghề và phát triển kỹ năng được triển khai mạnh mẽ tại các viện đa ngành thuộc giáo dục đại học, các viện đào tạo nghề và nhà cung cấp dịch vụ đào tạo, các trung tâm phát triển kỹ năng.

Chính phủ Ấn Độ hình thành và phát triển hệ sinh thái phát triển kỹ năng nhằm thúc đẩy tập nghề phát triển.

Hệ sinh thái được xác định là mở, bao gồm các nội dung cốt lõi: Tiêu chuẩn hóa (bao gồm các chuẩn chung, khung trình độ kỹ năng quốc gia, trên 45000 khóa đào tạo kỹ năng được phê duyệt); triển khai các khóa đào tạo kỹ năng (quy mô 61,5 triệu người); kết nối doanh nghiệp (37 hội đồng kỹ năng ngành);

Đánh giá nhu cầu (các ủy ban kỹ năng cấp huyện triển khai 576 kế hoạch phát triển kỹ năn,; các nghiên cứu về kỹ năng thiếu hụt); chuyển dịch lao động quốc tế (11 MOU với các quốc gia G20, các trung tâm kỹ năng quốc tế); khung chính sách thống nhất (Luật đào tạo nghề).

Hội đồng kỹ năng ngành (sector skill councils) được coi là “trái tim” của hệ sinh thái phát triển kỹ năng của Ấn Độ.

Chính phủ Ấn độ đã hình thành và triển khai hoạt động 37 hội đồng kỹ năng ngành ở khắp các lĩnh vực kinh tế, là mô hình tổ chức phi lợi nhuận, được Chính phủ hỗ trợ kinh phí ban đầu để hoạt động, đại diện cho doanh nghiệp và được doanh nghiệp dẫn dắt.

Tùy theo các lĩnh vực, chức năng của mỗi hội đồng có sự khác biệt nhưng về cơ bản đảm bảo các chức năng chính: xác định nhu cầu phát triển kỹ năng; xây dựng kế hoạch phát triển kỹ năng thuộc lĩnh vực liên quan; phát triển các tiêu chuẩn kỹ năng/năng lực theo khung trình độ kỹ năng quốc gia;

Chuẩn hóa quy trình công nhận, đánh giá, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo khung trình độ kỹ năng quốc gia; đánh giá, cấp chứng chỉ dựa trên năng lực theo các tiêu chuẩn nghề quốc gia được tích hợp, truyền tải trong đào tạo;

Hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng người đào tạo đạt chuẩn quy định; thúc đẩy việc phát triển của các viện đào tạo xuất sắc.

Các sáng kiến của Chính phủ nhằm thiết kế hệ thống đào tạo nghề, phát triển kỹ năng hiệu lực, hiệu quả

Theo kinh nghiệm của Ấn Độ, để thiết kế hệ thống đào tạo nghề và phát triển kỹ năng hiệu lực, hiệu quả trước hết cần xác định được các thách thức chính đối với hệ thống.

Để khắc phục và tháo gỡ những thách thức, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai các sáng kiến trên phương diện chính sách, cơ cấu tổ chức và huy động nguồn lực nhằm thiết kế hệ thống hiệu lực.

Mục đích chính của việc thiết kế là làm tăng tối đa cơ hội tiếp cận các dịch vụ về phát triển kỹ năng cho người dân và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp.

Để tăng cơ hội tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, mạng lưới liên kết hệ thống các cơ sở đào tạo nghề ở các cấp từ trung ương tới cấp huyện được hình thành dựa trên nền tảng công nghệ số về kỹ năng (Skill India Digital Platform).

Đây là sáng kiến ứng dụng chuyển đổi số của Ấn Độ trong đào tạo nghề.

Ủy ban kỹ năng cấp huyện có vai trò quan trọng về thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin nhu cầu lao động, nhu cầu đào tạo tại địa phương, vừa phục vụ xây dựng kế hoạch của địa phương, vừa là đầu mối cung cấp thông tin về nhu cầu lao động, việc làm, đào tạo cho chính quyền bang và hệ thống quốc gia.

Các kế hoạch về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng của Ủy ban kỹ năng cấp huyện được gắn kết, thống nhất với kế hoạch cấp bang, cấp quốc gia.

Tích hợp phát triển kỹ năng với hệ thống giáo dục đào tạo: hình thành khung tín chỉ quốc gia, các khóa đào tạo kỹ năng được tích hợp trong các chương trình của hệ thống giáo dục quốc dân, là một phần của Khung chương trình đào tạo quốc gia.

Triển khai các chương trình phát triển kỹ năng từ giáo dục phổ thông (bắt đầu từ lớp 9) đến hệ thống giáo dục đại học.

Nâng cao năng lực và tăng cường trang thiết bị cho hệ thống các viện đào tạo nghề (Industrial Training Institutes) thông qua cơ chế hợp tác công tư. Hình thành các viện quốc gia đào tạo giáo viên và đánh giá viên.

Hình thành các “Skill Hub” trong các viện đào tạo nghề và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ AI để tư vấn lựa chọn việc làm, ngành nghề đào tạo trên nền tảng Skill Digital Platform, nền tảng được liên kết với Cổng dịch vụ việc làm quốc gia.

Tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển kỹ năng đóng vai trò quan trọng: Cơ cấu lại quỹ phát triển kỹ năng quốc gia, hợp tác công tư, tín dụng sinh viên,..

Tạo động lực hay khát vọng học nghề đối với người dân là sáng kiến giải pháp của Chính phủ Ấn Độ. Vì vậy, cần nâng tầm “giá trị” của người lao động khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, phát triển kỹ năng.

Doanh nghiệp được Chính phủ khuyến nghị ưu tiên hơn trong tuyển dụng đối với lao động có chứng chỉ, văn bằng đào tạo theo khung trình độ kỹ năng quốc gia.

Kết nối giữa cơ quan cấp phát văn bằng, chứng chỉ với các hiệp hội nghề nghiệp để thống nhất các tiêu chí tuyển dụng với các tiêu chí về năng lực theo khung trình độ kỹ năng quốc gia.

Vai trò của doanh nghiệp quan trọng trong thiết kế hệ thống đào tạo nghề và phát triển kỹ năng của Ấn Độ. Trong các sáng kiến về mô hình đào tạo nghề, phát triển kỹ năng của Ấn Độ, doanh nghiệp luôn dẫn dắt trong các hội đồng kỹ năng nghề, hệ sinh thái phát triển kỹ năng.

Một số nhiệm vụ của doanh nghiệp là: rà soát, cập nhật, chỉnh sửa các chương trình đào tạo; đào tạo đội ngũ đào tạo viên, đánh giá viên; tuyển dụng lao động có kỹ năng và việc làm; cung cấp trang thiết bị đào tạo, đặc biệt là các nghề mới.

Ths. Vũ Bá Toản, Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN

(Trích báo cáo kết quả tham dự khóa học tại Ấn Độ, tháng 2-3/2024)

PV

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/an-do-mo-hinh-tap-nghe-va-kinh-nghiem-ve-dao-tao-phat-trien-ky-nang-20240401134815359.htm