Ăn cơm với nước tương…

1. Nhiều người trong miền Nam hẳn đều biết câu hát Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương… Hàm ý của câu hát là sáng còn tiền thì cứ ăn sang với món cơm sườn (bây giờ có thể coi là món ăn bình dân nhưng khi xưa vốn là món dành cho người rủng rỉnh một chút), chiều hết tiền thì ăn với nước tương cũng được! Đó là tâm lý hào sảng, sống thoải mái, rộng rãi, không gò bó, dè sẻn… Chúng ta thấy rõ, hai món ăn đối lập nhau: cơm sườn và nước tương. Như vậy, nước tương có thể coi là thức ăn dành cho người nghèo, là thứ rất khiêm tốn trong một bữa ăn, có thể chan vào cơm mà ăn, hoặc khá hơn thì có thêm rau luộc chấm nước tương…

Người trong Nam chắc cũng biết cụm từ có nước tương gì, với nghĩa là có đáng kể gì, không ra gì, không quan trọng gì… Chẳng hạn, một người hỏi “công việc đó của anh có tốt không?”, người kia đáp: “Không có nước tương gì anh ơi”, hàm ý là việc không tốt, không có thu nhập gì đáng kể. Hoặc, một người nói: “Mày coi chừng nó đó, coi mòi nó có võ đó nghen!”, người kia đáp: “Nó không có nước tương gì chú ơi!”, hàm ý coi thường người kia, rằng “nó” không có gì nguy hiểm đâu…

Vậy nên, chúng ta hiểu rằng nước tương là thức ăn rẻ và thuộc loại bình dân nhất trong số các thức ăn bình dân và từ đó, nó cũng mang nghĩa không tốt, không ngon, không giỏi, không đáng ngại…

2. Một bữa, tôi nằm mơ thấy ăn cơm nguội chan nước tương và ăn rất ngon lành, thậm chí còn bới thêm cơm nữa. Nhiều năm nay, bình thường tôi ăn rất ít cơm, ở nhà có khi nhiều ngày không ăn tí cơm nào. Giấc mơ đó có lẽ có liên quan đến câu chuyện về những năm gia đình nghèo khó nên chỉ có thể ăn cơm với nước tương hay muối ớt mà tôi hay kể cho các con nghe để nhắc nhở chúng phải ăn uống, chi tiêu tiết kiệm.

Hồi đó, đầu những năm 1980, gia đình tôi đi khai hoang ở một vùng đất thuộc huyện Tân Phú. Vốn liếng không có, ba tôi lại không có kinh nghiệm làm rẫy nên chọn một khoảng đất hơn 2 mẫu rất xấu, ở rất xa đường lớn. Vậy nên cả nhà làm quần quật, mới xạc cỏ thì mấy bữa cỏ đã xanh trở lại, thu hoạch nông sản xong thồ ra vựa rất vất vả mà bán lại bị ép giá… Suốt mấy năm trời, cả nhà thường xuyên ăn cơm độn với khoai mì hoặc bắp chà (loại bắp đỏ đã được chà vỡ làm ba, làm tư); thức ăn thì thường xuyên có chao, muối ớt, nước tương, khá chút thì có đậu hũ kho, cá khô, lâu lắm mới có bữa cá hoặc trứng… Mà món nào cũng làm rất mặn để… ăn được lâu! Riêng món muối ớt được “cải biên” thành món “thịt cọp”, thoạt nghe tưởng là thịt loài thú nào đó, nhưng hóa ra là do giã “cộp cộp” nên sinh ra cái tên đó. Canh, rau thì có bắp chuối, cải trời, rau càng cua, rau muống, rau dền… nấu suông hoặc với chút tép ruốc.

Còn món nước tương là loại nước tương không nhãn mác, người ta đựng trong các thùng hoặc khạp lớn, thường chiết ra bán lẻ 5 lít hoặc 1 lít chứa bằng các can nhựa. Ai cũng nghĩ nước tương phải làm từ đậu nành hoặc đậu tàu xì và về cơ bản cũng có mùi như nước tương hiện nay (vị thì kém xa!) nhưng hàm lượng đậu là bao nhiêu thì không ai có thể biết được! Loại nước tương đó được dùng để kho đậu hũ, mít non hoặc “ăn sống” bằng cách giã thêm chút tỏi ớt, có khi thêm chút đường, bột ngọt, thế là thành món ăn mỗi ngày. Có lẽ vì thói quen đó mà sau này khi ăn cơm tôi vẫn thường xuyên xịt nước tương hoặc chan nước thịt, nước cá vào cơm; có vậy ăn mới thấy ngon!

3. Loại nước tương đó lâu rồi tôi không còn thấy. Tôi không rõ người ta còn bán nó nữa không hay các loại nước tương đóng chai đã hoàn toàn thay thế… Thi thoảng, gia đình tôi có làm món bún xào hoặc mì xào, con gái tôi làm thêm chén nước tương pha tỏi ớt, chanh đường… thì thực sự rất ngon, chắc không chỉ vì tay nghề của con tôi mà còn vì bản thân nước tương đã ngon rồi!

Trong mỗi bữa ăn, khi con gái tôi rót một chút nước tương để chấm rau luộc, rau xào, tôi thường nhắc phải thực sự tiết kiệm, rót vừa đủ ăn, không để lãng phí. Mỗi lần như vậy, tôi hay kể về thời nghèo khổ ăn cơm với nước tương suông và hay đúc kết: nước tương xưa dở ồm vậy mà còn không có để ăn… Dĩ nhiên, mỗi lần như vậy thì các con tôi đều nói: “chuyện đó ba kể hoài”… Bởi thế nên tôi mới có giấc mơ như đã kể ở trên!

Chỉ nói chuyện ăn cơm với nước tương thôi mà trải qua mấy mươi năm đã thấy “một trời một vực”. Đó là sự phát triển chung của xã hội và nhờ đó từng gia đình cũng được thụ hưởng nhiều thành tựu. Đương nhiên, bên cạnh nước tương thì còn vô số thứ khác, giúp cho chất lượng cuộc sống của tuyệt đại chúng ta đã được cải thiện rõ rệt. Nhưng ý nghĩa của sự đổi thay kỳ diệu đó thì không phải ai cũng thấy, cũng nhận ra, nên với các con, tôi vẫn hay kể về thời ăn độn, thời mặc áo vá, đi chân trần… và cả chuyện ăn cơm với nước tương!

Nguyễn Minh Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/an-com-voi-nuoc-tuong-74b4e3c/