'Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ'

Sau 1 năm 'đặt hàng' với Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền (Bát Xát), tôi mới được đơn vị ưu ái cử người dẫn đi xuống lòng đất.

Sử dụng tay tời để hỗ trợ leo dốc.

Người dẫn tôi đi tưởng lạ hóa quen, đó là Mạc Văn Tiến, Quản đốc Phân xưởng Khai thác hầm lò. Tôi đã từng gặp Tiến khi anh còn làm công nhân tại Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai. Dù đã biết nhau nhưng trước khi đi xuống lòng đất, Tiến hỏi tôi: Huyết áp của anh có thấp không? Thấy tôi ngạc nhiên, Tiến liền giải thích: Nếu huyết áp thấp thì không nên xuống dưới đó, sẽ nguy hiểm đến tính mạng đấy. Thấy tôi tự tin, Tiến liền gọi người mang đồ bảo hộ đến, nào là quần áo, mũ, đèn và ủng.

Trong lúc chờ đợi, Tiến giới thiệu qua về nơi tôi sẽ được “mục sở thị”. Đó là cửa thông gió, một trong những hạng mục của dự án khai thác mỏ đồng Vi Kẽm, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát bằng công nghệ hầm lò. Dự án rộng 155 ha, thuộc xã Cốc Mỳ, với tổng mức đầu tư hơn 490 tỷ đồng, trữ lượng quặng khai thác trên 4 triệu tấn, thời gian hoạt động 18 năm, công suất khai thác 350.000 tấn/năm. Thay vì sử dụng công nghệ khai thác lộ thiên, dự án mỏ Vi Kẽm sử dụng công nghệ khai thác hầm lò. Do vậy, từ mặt bằng sân công nghiệp chính tại cos 168 sẽ mở cặp giếng nghiêng xuống cos 30, sau đó mở các đường lò chuẩn bị tại các cos 30, 70, 110, 150 vào các thân quặng để khai thác. Tại cos 150 có một cửa thông gió ra địa hình, các đường lò của dự án đều có tiết diện 6,5 m2. “Nói thế này chắc anh không tưởng tượng được đâu, thôi mình đi thực địa để rõ hơn”, Tiến giục tôi.

Hai anh em mặc xong đồ bảo hộ là xuất phát luôn, ngoài trời nắng rát mặt, nhưng vừa vào cửa hầm, thời tiết đã khác hẳn, gió theo cửa hầm “luồn” vào, bớt đi cái oi ả. Từ cửa hầm nhìn vào, cả không gian hun hút vô định, phía trên là dãy đèn chiếu sáng giúp đôi chân người thợ thêm vững chắc. Lần đầu tiên được chui vào hầm, tôi không tránh khỏi cảm giác sợ sệt, trong khi Quản đốc Tiến phăm phăm bước đi. Vừa đợi tôi, vừa kiểm tra chuyến xe goòng chở đá từ trong lòng núi ra, Tiến động viên: Người nào lần đầu xuống hầm cũng có cảm giác như anh, chứ em ngày nào ít nhất cũng đi kiểm tra một lần nên quen rồi. Chỉ một lúc nữa là anh cũng như em thôi”. Đi khoảng hơn trăm mét, những nhánh hầm theo kiểu xương cá bắt đầu xuất hiện. Vừa đi, Tiến vừa tâm sự: Giám đốc chi nhánh yêu cầu em phải trực tiếp dẫn anh đi, nếu không anh sẽ lạc vào “mê cung” này đấy. Bây giờ đi hầm quá thuận lợi rồi, chứ ngày đầu mới mở, nước ngầm nhiều lắm, có lần khoan gặp điểm “tụ thủy”, nước ào ra, cuốn cả xe goòng ra khỏi hầm.

Rồi chúng tôi cũng đến đoạn ngầm đầu tiên. Dân mỏ gọi là ngầm, nhưng với tôi đó dốc dài, “đổ” xuống dưới, hai bên đường ray đã xây 241 bậc kiên cố, nên đi xuống cũng dễ dàng hơn. “Đi xuống thì dễ, nhưng lúc về thì không đơn giản đâu, với độ dốc lên tới 30%, anh chuẩn bị tinh thần để tý nữa còn leo nhé. Nói vậy thôi, anh không phải quá lo lắng, lát nữa trở về sẽ có cách leo dốc mà không mệt, bây giờ tạm thời em chưa phổ biến”, Tiến úp mở càng khiến tôi tò mò.

Xuống hết dốc, chúng tôi tiếp tục rảo bước theo đường hầm. Vừa đi, Tiến vừa giới thiệu các thiết bị lắp đặt dọc theo hầm. Sinh ra trên đất mỏ, đến khi đi công tác, tôi đã có vài chục lần đến các khai trường khai thác quặng apatit, do sử dụng công nghệ khai thác mỏ lộ thiên, nên đứng trên cao một chút là nhìn thấy hết khai trường, có lẽ vì điều này mà không còn hấp dẫn với tôi. Tuy nhiên, lần đầu tiên được trải nghiệm hầm được đầu tư quy mô mà trước đây chỉ được nghe nói đến ở vùng than Quảng Ninh, tôi ấn tượng vô cùng, được xuống lòng đất, được trải nghiệm với nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Điều ấn tượng nhất đối với tôi đó là tiếng chuông. Với những người lần đầu xuống hầm như tôi đều không khỏi giật mình khi tiếng chuông reo lên réo rắt, nhưng với những người thợ, đó là thứ âm thanh không thể thiếu và đã trở nên quen thuộc. Khi thấy tôi thắc mắc về các tiếng chuông khác nhau, Mạc Văn Tiến liền đọc 2 câu nằm lòng với mỗi người thợ: “Một dừng, hai xuống, ba lên/Một hồi sự cố, chớ quên vận hành”. Rồi Tiến giải thích rõ hơn: 1 tiếng chuông - dừng tời; 2 tiếng chuông - thả xe xuống; 3 tiếng chuông - kéo xe lên; 4 tiếng chuông - tạm dừng tời cho người đi bộ qua; 5 tiếng chuông - người đi bộ đã qua đường trục.

Kiểm tra xe goòng chở đá từ lòng núi ra cửa hầm.

Trong lúc chờ Tiến kiểm tra hệ thống cáp, tôi gặp Hồ Văn Hướng, công nhân vận hành tời trục. Hướng tâm sự: Nhiệm vụ của em là vận hành hệ thống tời trục kéo xe goòng. Do yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về an toàn nên trong suốt ca làm việc, em không rời mắt khỏi hệ thống màn hình quan sát; nếu chỉ lơ là vài giây lập tức phải trả giá đắt.

Nghe Hướng tâm sự, tôi càng cảm nhận được sự gian khổ của nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” này.

Sau 2 lần đổ “dốc”, chúng tôi có mặt tại cos 70. Nơi đây đang tập trung toàn bộ nhân lực, thiết bị để thi công xuống điểm cuối cùng - cos 30. Dù hệ thống quạt thông gió công suất lớn hoạt động liên tục nhưng đến đây, tôi mới cảm nhận được không khí và gió quý đến mức nào. Do phía trước chưa được khoan thông, không gian gói gọn trong đường lò có tiết diện 6,5 m2, lại có cả thiết bị hoạt động nên dường như không có ô xy để thở và bây giờ tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi của Tiến trước khi xuống hầm. Dẫn tôi đến trước gương lò, nước ngập đến bắp chân, Tiến cho biết: Từ đây khoan nổ, đào tiếp một ngầm nữa là đến “đích”.

Đích mà Tiến nhắc đến chính là cos 30. Hiện gương lò đang là điểm chặn, nên toàn bộ nước ngầm dồn về đây. “Ngày đầu mới đào hầm cũng vậy, nước dồn về gương lò, vừa bơm nước, vừa khoan, đào đá. Khổ nhất là lúc nhồi mìn vào các lỗ khoan, để đảm bảo an toàn, phải dừng toàn bộ hệ thống bơm, nên phải dầm mình trong nước, lúc hoàn thành nước ngập đến cổ”.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ xuống lòng đất, chúng tôi quay ra. Lúc đi thuận lợi bao nhiêu, lúc về khó khăn bấy nhiêu, bởi phải leo 2 dốc với độ dốc lên tới 30%, dài 90 m. Lúc này Tiến mới hướng dẫn tôi cách sử dụng tay tời. Đó là một đoạn ống tuýp sắt dài chừng 40 cm, một đầu hàn miếng ngoạm để bấu vào dây cáp của tời hỗ trợ, cáp sẽ kéo lên, do vậy sẽ đỡ mệt hơn. Vượt 2 dốc, đi khoảng 15 phút, chúng tôi ra đến cửa hầm. Nắng chói chang, như phản ứng tự nhiên của những người “làm việc âm phủ”, đều nhắm mắt vài chục giây, sau đó mới mở mắt để làm quen với ánh sáng tự nhiên.

Trước khi chia tay, Quản đốc Mạc Văn Tiến hẹn: Đây mới là hầm thông gió, sau này khi hệ thống hầm lò của mỏ hoàn thành, em sẽ đưa anh đi trải nghiệm. Ở nơi cửa hầm, gió mát lộng, lại thêm một chuyến xe goòng chở đá từ sâu trong lòng núi ra, mỗi chuyến xe mang theo nỗi vất vả của những người đang làm nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” ở mỏ đồng Vi Kẽm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/211246-an-com-duong-gian-lam-viec-am-phu