Ấm tình đồng đội nơi Đất Mũi

Năm 1963, trên chiến trường cực Nam của Tổ quốc, Lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã chủ động tiến công địch và giành thắng lợi vang dội trong những trận đánh liên tiếp trên một địa bàn không rộng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Từ đó cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975, quân dân Cà Mau lập nên nhiều chiến công đầy tự hào.

Mảnh đất rạng rỡ chiến công hẳn là nơi sâu nặng tình nghĩa quân dân, thủy chung, ấm áp tình đồng đội. Gần 15 năm qua, bằng sự thôi thúc của những người từng vào sinh ra tử, Hội Cựu chiến binh huyện Cái Nước (Cà Mau) nhất quyết làm những việc để ấm lòng người ngã xuống, mà bắt đầu từ mâm cơm cúng đồng đội vào ngày 27 - 7 hằng năm.

Người khởi xướng mâm cơm cúng đồng đội

Một trong những người đi đầu, khởi xướng cho phong trào này là cựu chiến binh Trương Văn Tam, ngụ tại ấp Hưng Thành, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước. Để chuẩn bị ngày Lễ kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ năm nay, như thường lệ ông Tam lại ra trụ sở văn hóa ấp, tự tay chuẩn bị mọi thứ. Theo suy nghĩ của ông Tam, đây là một ngày hết sức đặc biệt.

Tháng 2-1968, ông Tam cùng với 5 thanh niên trong ấp Hưng Thành tham gia đội biệt động thị xã Cà Mau. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhiều đồng đội ông đã mãi mãi nằm xuống. Đã hơn 50 năm, nhưng ký ức về một thời bom, đạn, tình đồng chí, đồng đội vẫn vẹn nguyên trong ông. Ngày 27-7-2006 lần đầu tiên ông Tam đã làm mâm cơm cúng đồng đội ngay tại gia đình mình. Và từ ngày Thương binh - Liệt sĩ năm sau, việc cúng cơm đồng đội được thực hiện tại nhà văn hóa ấp, với sự thành tâm hưởng ứng của các cựu chiến binh khác.

 Cựu chiến binh huyện Cái Nước (Cà Mau) bên mâm cơm cúng đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ảnh chụp tháng 7-2020.

Cựu chiến binh huyện Cái Nước (Cà Mau) bên mâm cơm cúng đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ảnh chụp tháng 7-2020.

Lúc đầu mâm cơm cũng đơn giản, sau đó mỗi người đóng góp một ít, nên ngày càng đầy đủ, ấm cúng; đạm bạc mà thành tâm. “Mình còn sống thì phải nhớ đến công ơn của anh em đã hy sinh giành độc lập cho dân tộc, cốt làm sao để đồng đội đã nằm xuống vẫn biết rằng mình vẫn nhớ đến ơn họ. Mâm cơm cúng ở gia đình không nhân rộng ra được nên tui mới đem ra nhà văn hóa ấp, qua đây còn mời được các gia đình liệt sĩ, đồng chí đồng đội, thế hệ trẻ đến dự, giúp họ hiểu việc làm ý nghĩa của mình”,ông Trương Văn Tam bùi ngùi nhớ lại.

Lan tỏa phong trào

Quả là điều gì hợp đạo lý dù không ra lệnh người ta vẫn cứ làm, như người xưa đã nói. Mâm cơm cúng đồng đội sau đó đã lan rộng thành phong trào trong huyện Cái Nước, nơi mạnh nhất phải kể đến Hội Cựu chiến binh xã Hòa Mỹ.

Hòa Mỹ có 7 ấp, với hơn 340 hội viên Cựu chiến binh.Trong các cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, Hòa Mỹ có 114 người con đã anh dũng hy sinh. Với tâm nguyện tri ân, tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội, gần đến ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, các hội viên Cựu chiến binh lại quây quần, cùng nhau bàn bạc thống nhất chuyện cúng cơm, làm sao để mâm cơm được tươm tất. Chung tay, góp sức làm nên mâm cơm là tấm lòng, là tình cảm thiêng liêng dành cho những người đã khuất.

Bà Nguyễn Thị Kim Em,Cựu chiến binh ấp Thị Tường B, xã Hòa Mỹ, cho biết: Mâm cơm cúng đồng đội rất đơn giản, ai có gì góp nấy và hoàn toàn tự nguyện. Tất cả đều thể hiện sự nhiệt thành, tùy điều kiện mà có thể góp tiền, hoặc sản vật của chính gia đình mình. Được gặp nhau trong không khí đầm ấm này, các hội viên thường nhắc nhớ những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội. Đây còn là câu chuyện thực tế, sinh động để giáo dục các thế hệ lớn lên trong hòa bình biết nhớ ơn, biết sống xứng đáng với những hy sinh không gì bù đắp nổi của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do dân tộc.

 Cựu chiến binh ấp Thị Tường B bên mâm cơm tri ân đồng đội. Ảnh chụp tháng 7-2020.

Cựu chiến binh ấp Thị Tường B bên mâm cơm tri ân đồng đội. Ảnh chụp tháng 7-2020.

Ngoài việc tổ chức mâm cơm cúng đồng đội tại bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ ở UBND xã, điều đặc biệt ở xã Hòa Mỹ, là từ năm 2013 đến nay các Chi hội Hội Cựu chiến binh của 7/7 ấp đều tổ chức nghi lễ này tại các bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ ấp. Theo tâm ý của các cựu chiến binh, dựng bia ghi danh tại ấp vừa nhằm tưởng nhớ công lao to lớn các Anh hùng liệt sĩ, vừa giáo dục thế hệ trẻ và cũng thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ sớm hôm tới lui nhang khói. Công trình tuy nhỏ mà vẫn uy nghiêm, được xây dựng do sự tự nguyện đóng góp, ủng hộ của mỗi hội viên.

Nhiều năm qua, kể từ khi mâm cơm cúng đồng đội được tổ chức tại ấp nhà Thị Tường B, xã Hòa Mỹ, bà Ngô Thị Cừu đều đến dự. Chiến tranh đã lấy đi của bà gần như tất cả. Bà và chồng đều là thương binh; hai người con trai của ông bà thì người con thứ ba là thương binh, người con cả nằm lại chiến trường. Anh là Nguyễn Văn Răng - Tiểu đội trưởng Đội biệt động thị xã Cà Mau, hy sinh năm 1968. Cảm nhận được tình cảm của anh em dành cho đồng chí, đồng đội và người thân của mình, không kìm nén được cảm xúc, bà Cừu tâm sự: “Bia ghi danh tưởng niệm ở trên xã xa xôi quá, giờ về đây cúng gần nhà, sức khỏe không được tốt nhưng khi con cháu đến đón là năm nào tui cũng đến dự lễ cúng mâm cơm. Được anh em thể hiện tình cảm với đồng chí đồng đội và người thân vậy là tui ấm bụng lắm”.

Tháng 7-2013, bia ghi danh các Anh hùng Liệt sĩ ấp Rau Dừa C, xã Hòa Mỹ được xây dựng. Từ đó, cứ đều đặn 18 giờ hằng ngày, cựu chiến binh Đặng Ngọc Tĩnh lại ra thắp nhang tại đây. Tấm bia ghi danh 24 liệt sĩ của ấp, trong đó có người anh ruột và 3 người là bà con của gia đình cựu chiến binh Đặng Ngọc Tĩnh. Họ đi xa rồi mà ông cảm thấy rất gần, cùng kề vai, sát cánh bên nhau chiến đấu, may mắn được sống trong hòa bình nên ông Tĩnh càng thấu hiểu giá trị của cái nghĩa, cái tình đồng đội. “Mình được hưởng hòa bình hôm nay không thể quên ơn và nguyện làm những gì để đồng chí, đồng đội thêm phần ấm áp. Là người lính Bộ đội Cụ Hồ, tôi càng phải sống làm sao cho có trách nhiệm, tỏ lòng biết ơn thành kính với các anh linh liệt sĩ”, ông Đặng Ngọc Tĩnh rưng rưng.

Ai đến dự cũng đều chỉnh tề, tâm thế trang nghiêm. Ảnh chụp tháng 7-2020.

Ai đến dự cũng đều chỉnh tề, tâm thế trang nghiêm. Ảnh chụp tháng 7-2020.

Hình ảnh thiêng liêng, cảm động này bao giờ cũng là tâm điểm của làng quê trong ngày 27-7. Ở đâu cũng vậy; đến bất kỳ xã, ấp nào của huyện Cái Nước trong ngày này đều gặp những điểm giỗ tri ân liệt sĩ. Đã có 93/93 Chi hội Cựu chiến binh tổ chức nấu mâm cơm cúng đồng đội. Mỗi mâm cơm từ 1,5 đến 2 triệu đồng, đều do các cựu chiến binh đóng góp. Duy trì đều đặn mâm câm cúng đồng đội hằng năm còn là cách bồi dưỡng sức mạnh tinh thần của người dân địa phương. Ông Trần Hoàng Chiến, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cái Nước (Cà Mau), khẳng định: “Tinh thần tương thân tương ái, tri ân dành cho đồng chí, đồng đội mình bằng cả tấm lòng qua những việc làm cụ thể, thiết thực, từ vật chất đến tinh thần của mỗi cựu chiến binh ngày càng khẳng định vai trò tiên phong, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất ấy luôn được phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương, tô thêm bức tranh ấm đậm nghĩa tình đồng đội”.

Mỗi năm vào tháng bảy, người Cà Mau đều tìm cách để làm thêm nhiều việc cụ thể cho thương binh, liệt sĩ và gia đình. Dù biết rằng không bao giờ đủ, nhưng mọi người vẫn tự nguyện, kiên trì làm theo lương tâm và đạo lý. Mâm cơm cúng đồng đội do Hội Cựu chiến binh huyện Cái Nước khởi đầu và Hội Cựu Chiến binh Cà Mau nhân rộng, tổ chức vào ngày 27 7 là cách làm quen thuộc mà mới mẻ để nhiều người cùng tưởng nhớ bao người đã quên mình vì nghĩa lớn. Và ở đây, với những người đang sống trong hòa bình, còn có ý nghĩa sâu lắng, đó là mình được thêm phần thanh thản trong tâm niệm tri ân.

Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-13/am-tinh-dong-doi-noi-dat-mui-666641