Âm thanh của sự im lặng

“Hoài, sao quần áo lại để lung tung thế này? Ở đâu ra cái thói bừa bãi thế? Giống ai mà càng ngày càng luộm thuộm thế không biết!”.

Tuấn vừa đi làm về đã quát con chỉ vì con bé vừa đi học về chưa kịp cất cái áo khoác. Hạnh biết Tuấn không chỉ bảo con, mà câu nói đó nhằm vào cô. Đã từ lâu lắm rồi, cô hoàn toàn câm lặng trước những cuộc chiến mà Tuấn khơi mào, tất cả bắt nguồn từ những chuyện rất nhỏ trong cuộc sống. Ví như, Tuấn luôn coi công việc bừa bộn, không ngăn nắp của vợ là “bệnh” khó chữa, cho nên Tuấn không còn cách nào khác là nhằm vào những đứa con để bắn mũi tên vào mẹ chúng.

Ảnh minh họa.

Hạnh với Tuấn đã có khoảng thời gian sống hạnh phúc bên nhau, ban đầu những bất đồng có thể bỏ qua bởi tình yêu còn đủ mặn nồng để chỉnh sửa và tha thứ. Nhưng càng ngày, Hạnh càng muốn buông xuôi, cô cảm thấy chỉ mình cô luôn đi trên một con đường để chỉnh cái hạnh phúc gia đình đi về cho đúng hướng, còn Tuấn thì vẫn cứ làm theo những gì anh ta thích, anh ta muốn, không mảy may muốn cùng cô vun vén sao cho vẹn toàn.

Ban đầu, Hạnh góp ý, sau rồi khi tái diễn, Hạnh giận dỗi. Hạnh không phải là người phụ nữ thích to tiếng, cho nên cô âm thầm giận dỗi. Giận dỗi lâu, Hạnh cảm thấy mệt mỏi, cô học cách buông. Chỉ cần buông, cô sẽ không phải khó chịu vì những gì Tuấn làm, thậm chí cô sẽ không phải lo lắng cho Tuấn nữa. Điều này khiến Hạnh dần dần cảm thấy có Tuấn cũng như không có, buồn vui của cô chỉ còn phụ thuộc vào công việc và những đứa trẻ. Cuộc sống ái ân cũng đi vào lạnh nhạt rồi mất hẳn.

Tuấn thì dường như không chấp nhận được điều đó, anh ta vẫn muốn làm những thứ mình thích như nhậu nhẹt, chơi bời, coi thiên hạ là nhà, gia đình là quán trọ, nhưng lại không muốn vợ dửng dưng với mình. Thái độ buông bỏ của Hạnh khiến Tuấn không can tâm. Tuấn thấy Hạnh là cái gai trong mắt, nhưng lại bực tức khi nghĩ Hạnh đã có người đàn ông nào khác bên ngoài cho nên không màng đến chồng. Tuấn kiếm chuyện để cãi cọ với Hạnh nhưng Hạnh chỉ lẳng lặng làm những việc cần thiết trong gia đình, hoàn toàn không phản ứng với thái độ của Tuấn.

Hạnh càng im lặng, Tuấn càng ức chế. Tuấn không biết trút những sự bực tức lên ai nên anh ta trút lên những đứa con, chủ yếu là để Hạnh phản ứng lại. Quả nhiên đúng như vậy, Hạnh có thể chịu đựng tất cả nhưng khi ai đó động đến các con là cô xù lông xù cánh như con chim mẹ bảo vệ chim con. Khi Hạnh bênh con cũng là lúc Tuấn kiếm cớ để mạt sát, gây sự, thậm chí còn đánh Hạnh để hả cơn tức giận.

Nhiều lần như thế, Hạnh lại học cách thích nghi. Cô bắt đầu làm mọi thứ chu toàn hơn để Tuấn bớt kiếm cớ gây chuyện, hoặc dù Tuấn nói gì, nhằm vào cô hay vào con, cô cũng im lặng, hoặc là đưa con đi ra ngoài một lát, hoặc đưa con vào phòng đóng cửa học bài. Nhiều lúc cô cảm thấy cay đắng vì luôn phải tính cách bảo vệ con cái khỏi bố đẻ của chúng.

Cuộc chiến không có nguồn gốc rõ ràng nhưng nó vẫn cứ âm thầm tiếp diễn mà cả hai không thể nào đi đến một thỏa hiệp. Giá như Hạnh có thể lên tiếng, cãi cọ, đập phá hoặc làm cái gì đó để chấm dứt nó thì có phải tốt hơn không? Nhưng cô không dám, cô sợ đổ vỡ, sợ những đứa trẻ phải chứng kiến những cuộc đụng độ long trời lở đất, mà kết quả chỉ làm chúng tổn thương và sợ hãi. Còn Tuấn thì không bao giờ hiểu ra được, sự lỳ lợm của vợ suất phát từ những lần cố điều chỉnh con thuyền gia đình đi đúng hướng nhưng thất bại. Cả hai không ai còn muốn nỗ lực để thay đổi, nhưng cũng không dám làm gì để đập đi làm lại từ đầu. Chính vì vậy, họ tiếp tục sống trong những cơn sóng ngầm dưới đáy con thuyền mỏng. Tiếng gầm gào âm thầm của nó còn ghê gớm hơn cả tiếng ầm ào của cơn bão lớn, đó là âm thanh đáng sợ của sự im lặng.

Họ đều biết, ở ngoài kia, xung quanh họ có những cặp vợ chồng ngày nào cũng cãi nhau nhưng đêm đến họ vẫn nằm chung một chiếc giường và trò chuyện với nhau sau “cơn bão”. Còn với họ, sự im lặng chính là những đòn tra tấn hoàn hảo.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/am-thanh-cua-su-im-lang-46067.html