Âm nhạc Việt Nam trên đĩa hát một thời

Tỉ mỉ khảo cứu dựa vào tư liệu rời rạc như báo chí, danh bạ, danh mục và 'tư liệu sống', TS. Jason Gibbs - nhà nghiên cứu dành 3 thập kỷ tìm hiểu âm nhạc Việt Nam, đã cho thấy phần nào quá trình phát triển của đĩa hát tại Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX.

Thông tin thú vị về đĩa hát đầu thế kỷ XX

“Năm 2017 một người bạn mời tôi tham gia chương trình tìm hiểu sự phát triển của âm thanh trên đĩa và công nghệ đĩa ở châu Á, trong đó có Việt Nam, vốn không có nhiều thông tin về vấn đề này” - TS. Jason Gibbs (Thư viện Công cộng San Francisco, Mỹ) chia sẻ về lý do ông quan tâm đến đĩa hát tại Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Qua nhiều thời kỳ có thể thấy, sản phẩm văn hóa đại chúng không được lưu trữ một cách hệ thống. Để tìm hiểu về địa hạt văn hóa này, nhà nghiên cứu phải dựa vào tư liệu rời rạc như báo chí, danh bạ, danh mục và những "tư liệu sống" (người từng sống trong giai đoạn được nghiên cứu) để định vị một thời xa lạ với ngày nay.

Một đĩa hát nhạc truyền thống Việt Nam. Ảnh: Jason Gibbs

TS. Jason Gibbs đã khảo cứu về công nghiệp đĩa than 78 vòng ở Việt Nam, là loại đĩa hát thịnh hành thập niên 1930 - 1950. Đã có hàng trăm đĩa nhạc Việt thời gian này, song số hiện còn tản mát và thiếu phương tiện nghe được.

Theo khảo cứu của ông, những thập kỷ đầu thế kỷ XX, đã có nhiều hãng đĩa như Asia, Beka, Bửu Tháp/ Victor, Phathé, Odéon… sản xuất đĩa hát. Nhiều mục quảng cáo các hãng đĩa như Beka Records trên Phụ nữ Tân Văn năm 1929; Hà Thành Ngọ Báo năm 1931... cho thấy nhiều thông tin thú vị về các đĩa hát thời kỳ ấy.

“Mục đích của các hãng có thể không hẳn là bán đĩa, mà là bán máy nghe nhạc. Có quảng cáo ghi đĩa cũ có thể đổi đĩa mới được, có nghĩa rằng, đĩa này có thể nghe vài chục lần là hỏng, hoặc, họ có thể phá đĩa này và sản xuất đĩa mới. Đó là lý do đĩa thời kỳ này còn lại hiếm, vì họ không có nhu cầu giữ lại. Qua nghiên cứu cũng nhận thấy thời kỳ đó, người ta hát và thu âm không có micro, hạn chế về chất lượng âm thanh...” - TS. Jason Gibbs cho biết.

Chẳng hạn, đến Việt Nam 1909, 1 năm sau hãng Odéon đã sản xuất đĩa, và đã sản xuất hàng trăm đĩa sau đó. Về thể loại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được các hãng thu âm và đưa vào các đĩa hát như: cải lương, vọng cổ, hát chèo, hát bội, tuồng, ca Huế, ca nhạc tài tử, hát ả đào, chầu văn, xẩm… bên cạnh số ít đĩa thu nhạc phương Tây. Thời kỳ sau, trên một số đĩa còn ghi theo tên của các gánh hát cải lương, vọng cổ... Điều đó cho thấy nhu cầu và thị hiếu người nghe thời kỳ này.

Trong quá trình khảo cứu, TS. Jason Gibbs cũng tìm hiểu được rằng, các đĩa hát đang được lưu trữ tại nhiều nơi khác nhau như Viện Âm nhạc Việt Nam, Thư viện quốc gia Pháp... Trước đó, năm 2000, hãng sản xuất bộ phim The Quiet American đã mời ông hợp tác, giúp đoàn làm phim tạo không khí âm thanh của Sài Gòn những năm 1950. Viện Âm nhạc Việt Nam đã cung cấp một danh bạ đĩa hát trong kho, song thiếu phương tiện để nghe chúng. TS. Jason Gibbs đã thực hiện công việc kết nối Viện Âm nhạc gửi kho đĩa đến Australia để thu lại thành âm thanh số, tạo ra cơ sở dữ liệu quý cho việc thực hiện bộ đĩa “Longing For The Past”.

Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng nhiều thông tin chưa tìm hiểu được, nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp như: thị trường âm nhạc thời kỳ đầu thế kỷ XX, cách chọn người hát, việc thu âm, sản xuất…

Mở ra nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam

Theo TS. Trần Ngọc Hiếu, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu của TS. Jason Gibbscó sức hấp dẫn lớn, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nhưng không đi sâu về biến cố chính trị hay sự kiện lớn mà tập trung vào đời sống thường nhật, những thứ khó tìm được trong những ghi chép lịch sử lớn. Việc nghiên cứu về đĩa hát cũng là câu chuyện hay, bởi đĩa hát có khi số phận còn mong manh hơn phim, nhất là ở thời kỳ đầu, các đĩa hát được sản xuất nhiều nhưng ít quan tâm tới bảo quản nên bị mai một, không phục chế được...

Qua các tư liệu, tài liệu lưu trữ có thể mở ra nghiên cứu âm nhạc Việt đầu thế kỷ XX. Nguồn: hoinhacsi.vn

“Ở Việt Nam không nhiều người chú ý nghiên cứu về lịch sử giải trí. Đĩa hát sản xuất những thập kỷ đầu thế kỷ XX chủ yếu về âm nhạc cổ truyền như tài tử, hát bội, chèo..., còn tân nhạc không nhiều. Trước đó, mọi người đi xem trực tiếp các hình thái giải trí truyền thống này ở sân đình, đi theo gánh hát, tới xóm ả đào. Nhờ công nghệ thu thanh, thay vì phải đi tới các không gian khác, các hình thức giải trí đã được mang vào không gian riêng tư của từng gia đình” - TS. Trần Ngọc Hiếu nhận định.

PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, TS. Jason Gibbs đã tìm về “khảo cổ học” văn hóa thông qua những thứ rất nhỏ. Đĩa hát nói cho chúng ta nhiều thứ hơn, là khởi đầu của ngành công nghiệp âm nhạc. Nhưng còn vượt ra khỏi công nghiệp âm nhạc, phát minh ra máy hát và đĩa hát đã là cuộc cách mạng làm biến đổi đời sống văn hóa xã hội. Đĩa nhạc cũng phản ánh nhiều thứ, từ quan hệ Pháp - Việt, tính dân tộc, sự phát triển của công nghệ, đặc tính giới, tính thẩm mỹ, nhận thức của người dân ở nước thuộc địa, ý niệm của người Việt về dân tộc... Nghiên cứu của TS. Jason Gibbs giúp mọi người hình dung rõ hơn về âm nhạc Việt Nam từ thế kỷ XX trở lại đây.

Có điều kiện khảo sát các tài liệu lưu trữ âm thanh, TS. Vũ Thị Minh Hương, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước cho biết, có hàng nghìn địa chỉ tài liệu lưu trữ âm thanh ở Pháp, trong đó có cả Thư viện Quốc gia Pháp đã số hóa, có hàng nghìn tài liệu liên quan đến Việt Nam chưa từng được công bố. Tại Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II cũng đang quản lý khối tài liệu gồm nhiều đĩa hát khác nhau... có thể mở ra nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc tại Việt Nam thế kỷ XX.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/am-nhac-viet-nam-tren-dia-hat-mot-thoi-i357141/