Âm ỉ nạn tảo hôn ở miền núi Vân Canh

C.Minh

(Cadn.com.vn) - Những năm qua, nạn tảo hôn vẫn âm ỉ diễn ra tại H. Vân Canh (Bình Định), đáng ngại hơn, số trường hợp tảo hôn năm sau luôn cao hơn năm trước.

Theo thống kê của ngành chức năng huyện, 5 năm qua, tại các địa phương trong huyện xảy ra hơn 170 vụ tảo hôn, trong đó nhiều nhất là các xã Canh Hòa, Canh Liên và Canh Hiệp; trong đó, tại xã Canh Hiệp, có trường hợp trẻ em gái mới 14, 15 tuổi đã kết hôn.

Qua tìm hiểu được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn, một trong số đó là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu; những hủ tục như hứa hôn, cưỡng ép hôn vẫn còn tồn tại. Ở hầu hết các địa phương xảy ra tảo hôn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức cũng là nguyên nhân dẫn đến tảo hôn.

Mặt khác, xảy ra nạn tảo hôn còn có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể. Nhiều trường hợp, địa phương biết việc kết hôn của các đôi "vợ chồng non" là vi phạm pháp luật nhưng không cương quyết ngăn chặn. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, chuyên trách dân số xã Canh Hiệp, cho biết: Tình trạng nam, nữ mới 15, 16 tuổi đã lấy vợ, lấy chồng diễn ra khá phổ biến tại địa phương. Hình ảnh các em gái mới 16 - 17 tuổi nhưng đã "tay bồng tay bế" trở nên quen thuộc tại các thôn, làng của xã. Thực trạng tỷ lệ tảo hôn năm sau cao hơn năm trước đã và đang gây nhiều hệ lụy xấu; đồng thời, đặt ra cho ngành chức năng huyện nhiều thách thức cần sớm có biện pháp tháo gỡ. Sau khi cưới nhau, nhiều đôi vợ chồng "nhí" chưa thể sống tự lập vì tuổi còn quá trẻ. Nhiều trường hợp khi ra ở riêng, không sống được với nhau dẫn đến ly hôn, gây khó khăn cho gia đình và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, con cái của những cặp vợ chồng này thường ốm yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, thậm chí mắc các dị tật. Ngoài ra, trẻ không được đăng ký khai sinh kịp thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các cháu.

Được biết, Trung tâm DS-KHHGĐ H. Vân Canh, các ngành chức năng của huyện và các địa phương thường xuyên truyền thông về nâng cao chất lượng dân số; bình đẳng giới; phòng, chống tảo hôn; giáo dục, tư vấn sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa như mong muốn bởi nhận thức về hậu quả của tảo hôn trong phần lớn người dân còn hạn chế; mặt khác, khó khăn, hạn chế về kinh phí cũng góp phần làm công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Bà Trần Thị May, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Hòa, nhìn nhận: lối nghĩ lấy vợ, lấy chồng sớm đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào; bà con không nhận thức được hậu quả mà nạn tảo hôn để lại nên việc tuyên truyền, vận động họ từ bỏ là bài toán khó đối với chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Trung tâm DS-KHHGĐ H. Vân Canh đã lập đề án nâng cao chất lượng dân số, phòng, chống nạn tảo hôn; đề án cũng đã được lãnh đạo huyện xem xét thông qua; nhưng đến tháng 9-2016 chưa có kinh phí nên không thể triển khai thực hiện. Khó khăn về kinh phí cũng khiến công tác thu thập, thống kê các trường hợp trẻ vị thành niên, thanh niên kết hôn sớm gặp nhiều khó khăn; như năm 2016, do không có kinh phí nên chưa thể thực hiện công tác này.

Để từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, lãnh đạo H. Vân Canh và ngành chức năng của huyện cần tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số; các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; đồng thời kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí, hỗ trợ kinh phí để cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương hoạt động trong công tác phòng, chống và ngăn chặn nạn tảo hôn.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_155576_am-i-na-n-ta-o-hon-o-mie-n-nu-i-van-canh.aspx