Ấm áp nghĩa tình nơi đảo xa

(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 15/4/2012 tại xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa), đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Hải Quân tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thông Tấn xã Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp trên cả nước cùng đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đã đến thăm, làm việc và tặng quà động viên thăm hỏi quân và dân trên đảo.

(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 15/4/2012 tại xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa), đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Hải Quân tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thông Tấn xã Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp trên cả nước cùng đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đã đến thăm, làm việc và tặng quà động viên thăm hỏi quân và dân trên đảo.

>>> Song Tử Tây - Đất Mẹ giữa trùng khơi

Canh giác bên cột mốc chủ quyền

Song Tử Tây là đảo lớn trên quần đảo Trường Sa. Đảo có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng trên biển khu vực Bắc quần đảo Trường Sa; là ngư trường sôi động của ngư dân đến khai thác đánh bắt. Đảo mới hoàn thiện âu tàu đưa vào sử dụng bảo đảm 50 – 60 thuyền cá của ngư dân vào tránh gió bão và tham gia các dịch trên biển. Cái đặc biệt của Song Tử Tây so với phần lớn các đảo khác lân cận là được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn nước lợ có thể sử dụng được; rất thuận tiện cho sinh hoạt cũng như chăn nuôi, tăng gia tự cung tự cấp, bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Với những lợi thế đó, thật dễ hiểu vì sao Thượng tá Vũ Văn Cường – Chỉ huy trưởng của đảo – cho biết ngoài ý nghĩa đối với quốc phòng an ninh, Song Tử Tây còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển trong tương lai, không chỉ của riêng tỉnh Khánh Hòa.

Hai cán bộ xã kiêm nhiệm thầy giáo Đoàn Quốc Thái và Nguyễn Đình Việt

Với diện tích khá lớn cũng như điều kiện sinh sống thuận tiện, Song Tử Tây là một trong những đảo thu hút người dân ra sinh sống. Chúng tôi vào thăm các hộ dân trên đảo; mỗi gia đình sống trong một căn hộ rộng rãi với hơn 200 m2 được nhà nước đầu tư xây dựng; có đầy đủ đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, và nhất là đầy đủ điện thắp sáng thông qua hệ thống điện gió mới được lắp đặt. Có các hộ gia đình ắt có trẻ em. Tuy chưa có trường học riêng, nhưng Song Tử Tây từ lâu đã có các lớp bậc tiểu học được trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ đảm bảo cho công tác giáo dục. Có điều, tất cả các thầy giáo đều là cán bộ xã kiêm nhiệm. Anh Nguyễn Đình Việt – Phó Chủ tịch xã là 1 trong 4 cán bộ xã kiêm nhiệm thầy giáo hiện nay trên đảo; dạy lớp 4, và học sinh cũng chỉ… duy nhất một em. Anh Đoàn Quốc Thái – Bí thư Đoàn Thanh niên xã – dạy lớp 5, học sinh cũng chỉ duy nhất… 1 em. “Đông” hơn là lớp 2 của “thầy” Trần Vũ Lân (cũng Phó Chủ tịch xã kiêm nhiệm giáo viên) với 2 học sinh; lớp 3 của “thầy” Trương Xứ Long (Phó Chủ tịch MTTQ xã) cũng có 2 em. Đó là còn chưa kể vừa qua bác sĩ Tùng của bệnh xá đảo đã tự nguyện tranh thủ thời gian dạy ngày nghỉ dạy thêm tiếng môn Anh cho các cháu, tạo điều kiện để các cháu sau khi vào bờ không bị thiếu kiến thức ngoại ngữ.

Tâm sự với chúng tôi, “thầy” Việt cho biết dẫu không được đào tạo sư phạm nhưng hàng năm mỗi lần nghỉ phép vào đất liền các anh đều được Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đồng thời sách giáo khoa, tài liệu sư phạm cũng như các thiết bị dạy học… Sự cố gắng của những “nhà giáo” này thật đáng trân trọng khi mà trên xã đảo này, các anh còn biết bao công việc quan trọng khác phải lo lắng hàng ngày hàng giờ. Không phụ công các thầy, hầu như vào gia đình nào cũng tôi cũng thấy những tấm giấy khen học sinh giỏi có, xuất sắc cũng có, của các em học sinh được cha mẹ treo trang trọng nơi phòng khách. Đặc biệt hơn khi chúng tôi vào thăm gia đình anh Hồ Quyền, anh “khoe khéo” con gái lớn đã vào đất liền học lớp 6, mà là lớp chọn đàng hoàng, cho thấy dẫu các thầy giáo trên Song Tử Tây chỉ là kiêm nhiệm thật đấy, nhưng chất lượng lại khá là… “nghiêm chỉnh.

Chuẩn đô đốc Trần Đình Xuyên, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Sơn Hải thăm hỏi người dân trên đảo

Những món quà thiết thực đã được lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp trao đến tận tay các lực lượng an ninh trên đảo cũng như từng hộ gia đình. Đặc biệt Thông Tấn xã Việt Nam cũng đã trao tặng cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo tủ sách thư viện Thông tấn xã với hơn 3000 đầu sách, hơn 1000 đầu tạp chí cùng 1 số máy vi tính tích hợp thiết bị kết nối 3G. Tỉnh Khánh Hòa tặng 19 thùng hàng gồm các trang thiết bị trường học, các nhu yếu phẩm thiết yếu. Tỉnh Vĩnh Phúc với đại diện là Công ty điện lực tỉnh trao tặng 205 triệu đồng là sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên công ty bằng 1 ngày lương; ngoài ra còn có một tượng Bác Hồ bằng đồng, một tượng Trần Hưng Đạo, 5 bộ máy vi tính, 2 tủ lạnh, 240 bóng tiết kiệm điện…

Những món quà có thể không lớn, nhưng tình người thì thấm đẫm trên hòn đảo ngoài xa khơi của tổ quốc trong một ngày hè rực nắng. Quả thật như câu nói quen thuộc với mọi người dân Việt chúng ta: Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước.

Nhất Nguyên

,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/201204/Am-ap-nghia-tinh-noi-dao-xa-1960643/