Ám ảnh nỗi đau đuối nước

Mặc dù các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em, song, tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Đắk Lắk vẫn diễn ra khá nhức nhối. Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh này liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước khiến hàng chục trẻ em tử vong. Hầu hết các vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở nông thôn, các địa phương thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa.

Trẻ em nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thường chơi ở sông, suối, ao, hồ, dễ dẫn đến tai nạn đuối nước. Ảnh: Hoàng Lê

Trẻ em nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thường chơi ở sông, suối, ao, hồ, dễ dẫn đến tai nạn đuối nước. Ảnh: Hoàng Lê

Nhức nhối tai nạn đuối nước

Gần 1 tháng trôi qua, nhưng vợ chồng anh N.V.T. và chị N.T.L, trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa thể gượng dậy sau nỗi đau mất 3 người con cùng lúc.

Hôm đó, vào ngày 7-5, 3 cha con anh T đi cắt cỏ cho bò. Sau khi cắt cỏ xong, hai em N và H xin bố đi câu cá tại ao của một hộ dân, cách nhà khoảng 500m, còn em A phụ bố đẩy cỏ về. Phụ giúp bố xong, em A cũng xin phép đến chỗ anh để câu cá. Mãi không thấy các con về, gia đình anh T đã gọi mọi người đi tìm. Đến khoảng 20 giờ 15 phút thì thấy mấy đôi dép của 3 em trên bờ ao. Mọi người xuống ao tìm kiếm thì phát hiện cả 3 em đã tử vong dưới ao.

Ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Kuin cho biết, cả 3 em cùng là học sinh của Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin. Gia đình anh T có 5 người con, trong đó, cháu nhỏ nhất mới chỉ được 7 tháng tuổi. Tai nạn xảy ra để lại nỗi đau vô cùng lớn cho gia đình và cũng là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Trước đó hơn 1 tháng, tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra một vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 3 người con của chị N.T.A, 28 tuổi, trú tại buôn Ea Dho, xã Cư Pơng tử vong. Sự việc xảy ra vào chiều ngày 27-3, chị A không thấy các con ở nhà nên đi tìm. Khi ra đến hồ Ea Dhung Tiêng (cách nhà khoảng 200m), chị phát hiện áo quần các con trên bờ, liền hô hoán xóm giềng hỗ trợ. Khoảng 30 phút sau, người dân tìm kiếm và vớt được thi thể 3 cháu nhỏ dưới hồ nước lên bờ.

Theo thống kê của các ngành chức năng, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 12 vụ tai nạn đuối nước khiến 22 nạn nhân tử vong. Trong đó, có 6 vụ đuối nước tập thể và 6 vụ đuối nước lẻ. Đau lòng hơn, trong số các vụ đuối nước xảy ra vừa qua, có nhiều vụ đuối nước nạn nhân là anh, chị, em ruột trong một gia đình. Các nạn nhân của những vụ đuối nước nói trên hầu hết là trẻ em, học sinh.

Dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng sâu

Những ngày này, nhiều người dân xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi đưa con đến bể bơi di động của Câu lạc bộ (CLB) Vì đàn em thân yêu, trực thuộc Hội đồng đội Cư Mgar để học bơi miễn phí.

Đây là địa phương thứ 3 mà CLB tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em, học sinh thông qua bể bơi di động. Năm 2021, bể bơi di động của CLB này đã tổ chức dạy miễn phí cho 90 em ở 2 địa phương. Điều đáng mừng là, kết thúc khóa học, tất cả các em đều biết bơi và nắm được kỹ thuật an toàn dưới nước.

Thầy Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu tổ chức bể bơi di động và dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng sâu. Ảnh: Hoàng Lê

Thầy Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu tổ chức bể bơi di động và dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng sâu. Ảnh: Hoàng Lê

Từng cho con học bơi miễn phí tại CLB Vì đàn em thân yêu, chị Cao Thị Luyến, ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp xúc động nói: “Tôi có 3 người con, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi. Ở đây có rất nhiều ao, hồ, suối tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước, nhưng gia đình làm nông không có điều kiện đưa con ra trung tâm huyện học bơi. Vì vậy, mỗi lần vợ chồng tôi đi đâu xa phải nhờ người thân trông nom và dặn các con không tự ý đi chơi, đến gần ao, hồ, suối. Khi nghe tin có lớp học bơi miễn phí, tôi đăng ký cho con đi học luôn. Đến nay, các con của tôi đều đã biết bơi và được trang bị kiến thức cơ bản, kỹ năng phòng chống đuối nước”.

Thầy Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu chia sẻ: “Kỹ năng phòng, chống đuối nước của trẻ em, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế. Các em không có điều kiện tiếp xúc với các bể bơi. Trong khi đó, ở địa phương vùng sâu, vùng xa có nhiều suối, ao, hồ người dân đào để trữ nước tưới cà phê. Nếu trẻ em không có kiến thức về phòng, chống đuối nước và kỹ năng bơi lội thì rất dễ xảy ra tai nạn”.

Từ khi triển khai đến nay, bể bơi di động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân cũng như chính quyền địa phương, giáo viên tình nguyện tham gia dạy bơi cho trẻ em ngày càng đông hơn. Vì vậy, việc dạy bơi ngày càng chất lượng hơn.

“Niềm vui lớn nhất khi tổ chức bể bơi di động này là giúp cho nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn được tiếp cận với việc học bơi, trang bị những kỹ thuật an toàn về phòng chống đuối nước. Đồng thời, lan tỏa việc xây dựng bể bơi đến nhiều thôn, buôn trên địa bàn huyện” - thầy Mai Văn Chuyền khẳng định.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hiện nay, tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ xảy ra trong thời gian qua gây nhiều thương tâm, đau xót đối với các gia đình, cộng đồng và xã hội. Nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích và đuối nước của học sinh, ngành giáo dục tỉnh đã trang bị cơ sở vật chất về dạy và học bơi trong các trường học. Đến nay, đã xây dựng được 58 bể bơi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.

Hoàng Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/am-anh-noi-dau-duoi-nuoc-post451264.html