AI trong thế giới nghệ thuật

Trí tuệ nhân tạo (AI – artificial intelligence) đang ngày càng trở thành một phần không thể phủ nhận trong thế giới nghệ thuật. Gần đây, một nghiên cứu của ba nhà khoa học thuộc Đại học Vienne lại góp phần khẳng định điều này(1).

Tác phẩm Theấtre D’opéra Spatial.

Để trả lời câu hỏi liệu những sáng tạo của AI có tạo cảm xúc ở con người hay không, các nhà khoa học này đã thực hiện một thí nghiệm trên 48 người, cụ thể là cho những người này xem những bức tranh trừu tượng do AI và do các họa sĩ con người sáng tạo ra. Trước khi xem tranh, những người tham gia thí nghiệm được thông báo rằng bức tranh họ xem là do AI hoặc do họa sĩ thực thụ vẽ. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ chính xác trong một nửa các trường hợp. Các nhà khoa học sau đó đề nghị 48 người nói trên đánh giá trải nghiệm bản thân. Kết quả nghiên cứu cho thấy mọi cá nhân tham gia nghiên cứu đều cảm nhận được cảm xúc và ý tưởng trong các bức tranh, kể cả trong các bức tranh do AI tạo ra.

Vậy chúng ta liệu có thể coi sáng tạo của AI là nghệ thuật?

Năm 2018, bức tranh Chân dung Edmond Belamy – tác phẩm AI đầu tiên – được đưa ra bán đấu giá tại nhà đấu giá Christie’s. Cho dù so với các bức tranh AI hiện nay thì bức tranh này còn kém xa, nhưng nó được bán với giá nửa triệu đô la Mỹ và gây tiếng vang vào thời điểm đó. Gần đây hơn, năm 2022, Jason Allen – một nghệ sĩ người Mỹ – đã được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số tại triển lãm bang Colorado (Mỹ) nhờ một bức tranh do Midjourney (phần mềm vẽ ảnh dựa trên AI) tạo ra. Bức tranh này có tên là Theấtre D’opéra Spatial, mô tả một buổi biểu diễn opera trong không gian choáng ngợp. Tác phẩm được ban giám khảo khen ngợi bởi kỹ thuật hoàn thiện điêu luyện, thể hiện trình độ nghệ thuật cao.

Cho dù gây ấn tượng, nhưng nghệ thuật AI vẫn còn thiếu thuyết phục với nhiều người. Một số chuyên gia hội họa cho rằng AI chỉ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng, vì thiếu sự sáng tạo và trí tưởng tượng của con người. Ví dụ như khi nhập prompt (lệnh miêu tả) “sự chấm dứt của một nền văn minh”, thì kết quả sẽ đều là những bức tranh khá giống nhau, mang phong cách steampunk (một phong cách lấy cảm hứng từ giai đoạn cách mạng công nghiệp tại Anh).

Rõ ràng là sáng tạo của AI bị hạn chế trong giới hạn sáng tạo của con người. Nếu như đúng là khó có thể phân biệt tác phẩm sáng tạo của nghệ sĩ “bằng xương bằng thịt” và tác phẩm sáng tạo của AI, thì cũng phải nói rằng AI không thể sáng tạo từ… con số không như con người. Công nghệ này buộc phải dựa vào các tác phẩm đã có để “lấy cảm hứng”, và “học” cách tạo ra tác phẩm mới. Đây cũng chính là luận điểm mà các nghệ sĩ đang dựa vào để phản ứng lại sáng tạo của AI, khi phải đối mặt với những “ông lớn” công nghệ.

Không chỉ vậy, AI tạo ra một số lượng lớn nội dung, hình ảnh hay âm thanh ở một tốc độ đáng kinh ngạc, nhưng chất lượng cũng phụ thuộc vào “prompt” của con người. Khó có thể coi rằng sáng tạo của AI hoàn toàn là nhờ vào… thuật toán, vì cần có sự kết hợp giữa prompt và AI để tạo ra tác phẩm. Prompt là ý tưởng của người dùng AI, và AI cung cấp năng lực mà người dùng này còn thiếu: xử lý một số lượng khổng lồ dữ liệu. Chính sự kết hợp này tạo ra tác phẩm sáng tạo của AI.

Dù thế nào, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng AI đã vượt trội con người trong một số lĩnh vực (như cờ vua, cờ vây, poker, ngôn ngữ…). Sự xuất hiện của AI trong thế giới nghệ thuật được ví như “giọt nước cuối cùng” làm tràn ly, vì giờ đây, con người phải đối diện với sự thực rằng sáng tạo không còn là đặc điểm riêng biệt của con người. Mỗi ngày chúng ta lại ngạc nhiên với những sáng tạo mới của AI, cho dù là tác phẩm hội họa, văn học, điện ảnh hay âm nhạc. Điều gây ấn tượng đối với chúng ta không chỉ là tính thẩm mỹ, trình độ hoàn thiện cao của các tác phẩm AI, mà vì cách AI sáng tạo ra chúng. Ví dụ để tạo ra một bức tranh, AI lấy dữ liệu từ hàng triệu bức tranh và chọn đường nét, sự tương quan giữa các bức tranh, để tạo ra một hình ảnh hoàn toàn mới. Đây cũng là lý do tại sao hiện nay đang có làn sóng các nghệ sĩ phản đối AI, vì vi phạm quyền tác giả.

Trong bối cảnh hiện nay, giới nghệ sĩ cảm thấy bất an trước khả năng sáng tạo của AI. Một số người dùng AI để tạo trải nghiệm mới, cảm hứng mới, trong khi một số người khác đặt câu hỏi về tương lai sáng tạo nghệ thuật của chính con người: liệu nghệ thuật của con người một ngày kia có trở nên… lỗi thời?

Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng ở bất kỳ thời điểm nào thì công nghệ mới cũng làm cho thế giới nghệ thuật bất an. Khi máy ảnh ra đời vào đầu thế kỷ 19, nhiều họa sĩ cho rằng nhiếp ảnh làm giảm giá trị của tài năng hội họa. Nhưng sự kết hợp giữa công nghệ và con người cũng mang lại những đột phá đáng kể trong nghệ thuật. Nhìn với con mắt lạc quan thì AI hoàn toàn có thể trở thành một công cụ để thúc đẩy và hoàn thiện hơn năng lực sáng tạo của con người.

Thiên Kim

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ai-trong-the-gioi-nghe-thuat/