Ai tìm ra tia X?

Vào năm 1895, trong quá trình nghiên cứu, Röntgen đã tìm hiểu một loại năng lượng bức xạ mới truyền qua các vật thể rắn và tạo ra ánh sáng bí ẩn.

Wilhelm Conrad Röntgen (1845 – 1923) và tấm ảnh X quang đầu tiên của nhân loại.

Wilhelm Conrad Röntgen là người đầu tiên được trao giải Nobel Vật lý “để ghi nhận sự đóng góp phi thường của ông khi khám phá ra những tia đáng chú ý mà sau này được đặt theo tên ông”. Phát hiện quan trọng này là dải bước sóng bức xạ thường được gọi là tia X hay tia Röntgen.

Đường đến giải Nobel

Röntgen là con của một thương gia buôn vải người Đức. Ông sinh năm 1845 tại Vương quốc Phổ và lớn lên ở Hà Lan. Ở tuổi 20, ông bị đuổi khỏi Trường Kỹ thuật Utrecht vì bị buộc tội vẽ tranh biếm họa về một giáo viên, mặc dù ông cho là mình bị oan. Không thể theo học đại học ở Hà Lan do vụ kỷ luật này nên ông đăng ký thi vào Học viện Bách khoa Liên bang ở Thụy Sĩ và theo học ngành cơ khí.

Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Zurich, Röntgen chuyển đến Pháp làm giảng viên Đại học Strasbourg. Sau đó, ông tiếp tục giảng dạy tại một số trường đại học Đức và sinh sống tại đây.

Vào năm 1895, trong quá trình nghiên cứu, Röntgen đã tìm hiểu một loại năng lượng bức xạ mới truyền qua các vật thể rắn và tạo ra ánh sáng bí ẩn. Cuối năm đó, ông viết một bài báo khoa học và dùng chữ X để biểu thị cho bước sóng này. Nó cũng giống như X trong các phương trình toán học để biểu diễn một biến số chưa biết.

Ngay sau khi bài báo ra đời, ông đã tạo ra hình ảnh X-quang bàn tay của vợ mình. Đây được xem là hình ảnh X quang đầu tiên được sử dụng để chụp ảnh xương người. Phát hiện mới này đã gây chấn động trong giới khoa học và có hơn một nghìn bài báo đã viết về nó trong năm 1896.

Cũng vào năm 1896, Alfred Nobel qua đời, di chúc để lại tài sản của mình cho những người đã phục vụ nhân loại tốt nhất trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Röntgen được trao giải Nobel Vật lý đầu tiên vào năm 1901 nhờ công trình khám phá tia X.

Röntgen đã kết hôn và sống với Anna Bertha Ludwig trong 47 năm, cho đến khi bà qua đời vào năm 1919 ở tuổi 80. Trước đó, năm 1866, họ gặp nhau ở Zürich ở quán cà phê Zum Grünen Glas của cha Anna và mãi đến ngày 7/7/1872 mới kết hôn tại Apeldoorn (Hà Lan). Sự kéo dài thời gian này là do cha của Röntgen không chấp nhận sự chênh lệch tuổi tác giữa hai người (bà hơn ông 6 tuổi), cũng như xuất thân khiêm tốn của Anna.

Hai người sống với nhau không có con. Vào năm 1887, họ nhận nuôi Josephine Bertha Ludwig, khi đó mới 6 tuổi, con gái người anh trai duy nhất của bà Anna. Röntgen qua đời vào ngày 10/2/1923, tại Munich (Đức) do ung thư đại trực tràng, để lại di chúc yêu cầu tiêu hủy mọi thư từ cá nhân và khoa học của ông.

Lợi ích và nguy hại của tia X

Bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch của Röntgen tại Bảo tàng Deutsches ở Munich, Đức.

Trong vòng một tháng kể từ khi khám phá của Röntgen được công bố, hàng chục nhà khoa học trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã nỗ lực tái tạo kết quả của ông.

Alan Archibald Campbell-Swinton, một kỹ sư điện ở Scotland, là người đầu tiên sau Röntgen tạo được hình ảnh từ tia X. Bác sĩ người Anh, John Hall-Edwards, là người đầu tiên sử dụng tia X cho mục đích y học.

Ông đã chụp X-quang tay một người đàn ông bị kim đâm vào tháng 1/1896 và dùng ảnh này phục vụ cho ca phẫu thuật. Ngoài ra, ông cũng là người đầu tiên chụp cột sống con người bằng tia X.

Trong những năm đầu, thành tựu này mang cảm giác phấn khích khắp nơi và công chúng chưa hề biết đến mối nguy hiểm tiềm tàng của tia X. Cho đến khi nhà khoa học người Georgia, Ivan Romanovich Tarkhanov, tuyên bố chúng có những tác động nguy hiểm lên những sinh vật mà ông thí nghiệm như ếch và côn trùng, người ta mới bắt đầu giật mình.

Năm 1896, Thomas Edison đã phát minh ra Vitascope, thiết bị cho phép mọi người xem tia X trong thời gian thực. Nhưng rồi ông đã từ bỏ việc nghiên cứu này khi người cộng sự là Clarence Dally phát triển những khối u ác tính ở tay, sau khi chụp ảnh rộng rãi bằng tia X.

Vào khoảng thời gian cái chết đầu tiên được ghi nhận do tia X gây ra, nhà vật lý Mihajlo Pupin đã phát triển một công nghệ mới giúp giảm thời gian phơi sáng của mỗi hình ảnh từ một giờ xuống còn vài phút. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học đã ghi nhận những hậu quả đáng lo ngại khác như bỏng rụng tóc, ung thư, thậm chí vô sinh, có liên quan đến tia X.

Nhà khoa học Elizabeth Fleischman đã làm việc nhiều với tia X và cuối cùng nhận ra rằng, những tổn thương mà cô đang gặp phải, chẳng hạn như vết bỏng trên tay, là do bức xạ. Cô ủng hộ việc sử dụng các tấm chắn bảo vệ làm bằng thủy tinh và kim loại. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư đã xâm nhập vào cánh tay và vào phổi của Fleischman và cô qua đời vào năm 1905 khi chỉ 38 tuổi.

Mặc dù không phải là người giàu có nhưng Röntgen đã tặng toàn bộ số tiền 50 nghìn krona của giải Nobel cho Trường Đại học Würzburg, nơi ông nhận bằng Tiến sĩ Y khoa danh dự, để phục vụ cho việc nghiên cứu. Röntgen chưa bao giờ xin cấp bằng sáng chế cho tia X hoặc bất kỳ khám phá nào khác của ông, bởi vì ông cho rằng các thành tựu khoa học nên được dành cho tất cả mọi người.

Theo Historydefined

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ai-tim-ra-tia-x-post677374.html