'Ai sẽ chăm con khi tôi ra đi?' - câu hỏi ám ảnh bác sĩ chống Covid-19

Không hiếm bác sĩ ở New York giằng xé giữa việc cứu người và đảm bảo an toàn cho gia đình. Do đặc thù công việc, rủi ro có thể xảy đến bất cứ khi nào họ tiếp xúc với người bệnh.

Vài đêm trước, sau khi con trai Nolan 18 tháng tuổi đã ngủ, bác sĩ Adam Hill và Neena Budhraja ngồi xuống sofa phòng khách trong căn hộ của họ ở Brooklyn (New York, Mỹ).

Sẵn bút và giấy trong tay, họ cùng bàn luận một vấn đề không ai muốn nhắc tới: Ai sẽ là người chăm sóc cho con trai họ nếu cả hai cùng ra đi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Adam (37 tuổi), làm việc tại một phòng cấp cứu tại bệnh viện Elmhurst ở quận Queens. Vợ anh, Neena (39 tuổi) đảm nhận chức trợ lý cho một phòng cấp cứu tại Trung tâm Y tế và Sức khỏe Tâm thần tại Brooklyn.

Cả hai nơi đôi vợ chồng làm việc đều là những bệnh viện công của thành phố đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân mắc virus corona chủng mới.

Vừa chống dịch vừa chăm sóc con

Trong một tháng qua, ranh giới giữa ngày và đêm trở nên mờ nhạt với Adam và Neena. Những người nhiễm mới nhập viện liên tiếp. Hành lang bệnh viện không lúc nào vắng bóng những bóng người chạy đi. Thiết bị bảo hộ cạn kiệt dần.

Đại dịch đang gây sức ép khổng lồ lên hệ thống y tế của nước Mỹ. Và trong số lượng người tử vong vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, ít nhất 26 nhân viên y tế ở New York đã ra đi.

Trước khi có dịch, hai vợ chồng thường dẫn người con trai đi dạo công viên vào cuối tuần.

Nhiều y bác sĩ đã có con cái buộc phải sống riêng biệt hay chuyển đến nơi khác để giữ an toàn cho những người khác trong nhà. Nhưng với Adam và Neena, họ không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục làm việc và quay về chăm sóc con trai, dù mối rủi ro ai cũng thấy rõ.

Adam và Neena kết hôn vào năm 2017. Trước khi dịch bệnh xảy đến, cả hai có cuộc sống khá dư dả nhờ công việc trong ngành Y.

Cũng do đặc thù công việc, cặp vợ chồng đều hiểu những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào khi họ tiếp xúc với người bệnh. Một bệnh nhân say rượu từng hành hung Adam. Còn Neena, vào tháng thứ bốn của thai kỳ, từng bị bắn đờm của người nhiễm HIV vào mắt khi đang lắp đặt nội khí quản. Cô phải sử dụng thuốc để phòng ngừa HIV trong một tháng sau đó.

Nolan, con trai của họ, sinh non 3 tháng, với lá phổi được chẩn đoán là yếu, có nguy cơ nhiễm trùng cao. Lo sợ cho sức khỏe của con, cặp vợ chồng mới chỉ bắt đầu đưa con trai ra ngoài sân chơi gần đây. Sau đó, virus xuất hiện và gia đình lần nữa buộc phải giữ Nolan ở trong nhà.

Môi trường làm việc bỗng đầy rẫy nguy hiểm: Phòng cấp cứu chật chội, thiếu phòng cách ly, hàng dài người chờ xếp hàng đến lượt nhập viện.

Cho đến đầu tháng trước, cặp vợ chồng vẫn có thói quen như nhiều bậc cha mẹ bận rộn khác: Luân phiên chăm sóc con vào những ngày một trong hai bận. Khi cả hai đều ở nhà, họ sẽ đưa Nolan vào xe đẩy và đi dạo công viên.

Chỉ mới đây thôi, nhưng cả hai đều cảm thấy quãng thời gian đó dường như đã xảy ra rất lâu.

Giằng xé giữa gia đình và sứ mệnh cứu người

Đầu tháng 3, Adam cảm nhận có điều gì bất ổn khi nhiều bệnh nhân nam ở độ tuổi 30-40 nhập viện với những biểu hiện giống nhau như sốt, khó thở. Vài tuần trước, anh thấy “số lượng khá đông nhưng tình hình vẫn khả quan, các y bác sĩ sẽ vượt qua”.

Nhưng cho đến hiện tại, mọi thứ đã xấu đi đến mức ai cũng trở nên kiệt sức, mệt mỏi.

Một người đồng nghiệp của Adam đã qua đời vào tuần qua. Neena cũng chứng kiến câu chuyện tương tự với người đồng nghiệp lâu năm. Không lâu trước đó, người đồng nghiệp vẫn còn nói với Neena về nỗi sợ bản thân dễ mang virus về nhà và khiến gia đình bị nhiễm theo.

Neena cũng có mối lo tương tự. Bệnh viện nơi cô làm việc đã ghi nhận trường hợp thứ hai bác sĩ nhiễm virus và ra đi trong lúc cố chữa trị cho bệnh nhân.

Tại bệnh viện, Neena cố gắng phòng bị, tránh lộ các phần cơ thể ra bên ngoài ít nhất có thể. Cô đeo khẩu trang N95, che chắn mặt, đội mũ và đeo găng tay. Khi ca làm việc kết thúc, Neena bắt xe buýt về nhà, tránh đi tàu vì vẫn có đông người di chuyển.

Vợ chồng bác sĩ Adam Hill và Neena Budhraja đều làm việc tại những bệnh viện đang quá tải bệnh nhân ở New York.

Về đến căn hộ, cô ném túi quần áo bẩn vào phòng giặt, nơi chúng sẽ nằm yên trong vòng 2 ngày trước khi Neena đem đi giặt. Xong xuôi đâu đấy, cô mới dám đi tắm.

Ngày Neena biết thông tin về cái chết của đồng nghiệp là điều tồi tệ nhất cho đến nay. Môi trường làm việc của cô giờ trở nên nguy hiểm: phòng cấp cứu quá chật chội, thiếu phòng cách ly, hành lang chật cứng những bệnh nhân chờ đợi được chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt.

“Bệnh viện như một chiến trường. Tất cả trở nên hỗn loạn”, cô nói.

Ngày hôm đó, trở về nhà, Neena nói với chồng về ý muốn nghỉ việc.

“Nhưng sau đó thì sao, Adam chuyển ra nơi khác sống và tôi sẽ không gặp anh ấy trong nhiều tháng? Còn anh ấy xa cách con trai cũng trong từng ấy thời gian? Điều đó không đúng”, người vợ thừa nhận.

Mặt khác, Neena bị giằng xé giữa công việc và gia đình. Nếu bỏ cuộc, cô thấy mình yếu đuối, trốn tránh nhiệm vụ đúng lúc cấp bách nhất. Nhưng mặt khác, việc duy trì công việc ở bệnh viện lại đẩy người thân vào nguy cơ lây nhiễm nguy hiểm.

“Nếu có bất cứ điều gì xảy ra với Nolan, tôi sẽ không thể tha thứ cho bản thân mình”, người mẹ vừa nói vừa khóc nghẹn lại.

Nhiều y bác sĩ ở tâm dịch New York đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất là họ nhiễm virus từ bệnh nhân và ra đi khi đang chống dịch.

Cân nhắc và tính toán

Hiện tại, cả ba thành viên đo thân nhiệt 2 lần/ngày và hy vọng vào điều tốt đẹp nhất.

Đêm đến, hai vợ chồng ngồi cùng nhau, soạn thảo sẵn di chúc và quyết định người giám hộ cho Nolan. Hàng loạt cân nhắc, tính toán được đưa ra.

Vài ngày sau đó, cặp vợ chồng trao đổi với một luật sư qua video call để tiến hành các bước xác nhận di chúc.

Trong 10 ngày qua, số bệnh nhân có chiều hướng giảm, song nỗi lo mắc virus từ người bệnh vẫn hiển hiện. Nếu nước Mỹ dừng cách ly xã hội quá sớm, một làn sóng nhiễm virus mới xuất hiện là điều các bác sĩ lo sợ.

Vài ngày trước, sau khi Neena rời đi lúc ban sáng để đi làm, Adam chuẩn bị bữa sáng cho Nolan, rồi nhìn con trai chạy nhảy khắp nhà. Trước kia, anh thường vừa uống cà phê vừa ngắm con.

“Lần này, tôi bỗng thấy mình khóc không kiểm soát được, như thể tất cả cảm xúc kìm nén bao lâu tuôn trào”, người cha thú nhận.

Ngay khi anh đang khóc, Nolan bò về phía Adam, bắt đầu gọi cha. Khoảnh khắc ấy bỗng khiến người đàn ông thêm phần mạnh mẽ.

“Nếu không có Neena và Nolan ở đây, cuộc sống của tôi sẽ còn rất khó khăn hơn bây giờ rất nhiều”, Adam nói.

Hóa trang thành lính Stormtrooper trong Star Wars để đi siêu thị Chàng trai ở Anh diện trang phục lính Stormtrooper trong loạt phim Star Wars nổi tiếng để đi mua nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Cẩn thận hơn, anh chàng còn đeo thêm khẩu trang.

Trà My
Ảnh: New York Times.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-se-cham-con-khi-toi-ra-di-cau-hoi-am-anh-bac-si-chong-covid-19-post1075754.html