Ai ném bom vào đoàn xe chở hàng cứu trợ của Liên Hợp Quốc?

Ngày 20.9 (giờ địa phương), Nhà Trắng tuyên bố kết luận đoàn xe chở hàng cứu trợ của LHQ đã bị máy bay Nga không kích. Trong khi đó, Moscow nói Mỹ không có đủ bằng chứng và cho rằng các xe bị bốc cháy do sự cố trên mặt đất.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ hôm 20.9 (giờ địa phương) kết luận vụ tấn công đoàn xe cứu trợ của LHQ gần thành phố Aleppo (Syria) hôm 19.9 là do máy bay Nga thực hiện. Moscow đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.

Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết thông tin tình báo Mỹ ghi nhận sự xuất hiện của 2 máy bay Sukhoi Su-24 của Nga phía trên đoàn xe lúc xảy ra vụ tấn công. Thông tin này là cơ sở để chính phủ Mỹ kết luận máy bay Nga đã tấn công đoàn xe.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ kết luận này của Mỹ và cho rằng LHQ lẫn Mỹ không có đủ chứng cứ để đưa ra cáo buộc này. Người phát ngôn nói: “Chúng tôi không dính dáng gì đến tình hình này cả”.

Phụ tá Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết Nhà Trắng ghi nhận Nga là thủ phạm trong vụ tấn công đoàn xe LHQ. Tuy nhiên, ông lại không nói máy bay Nga đã thực hiện vụ tấn công này.

Trước khi xuất hiện kết luận trên của các quan chức Mỹ, Nga đã sớm phủ nhận ý kiến ban đầu cho rằng đoàn xe LHQ bị máy bay Nga hoặc của chính phủ Syria tấn công. Phía Nga khẳng định đoàn xe bốc cháy do sự cố xảy ra trên mặt đất chứ không phải từ trên không như phía Mỹ nói.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ một số đoạn video quay cảnh vụ tấn công do một số người tự nhận là các nhà hoạt động nhân đạo ghi lại. Chúng tôi không tìm thấy chứng cứ nào cho thấy đoàn xe bị phá hủy bởi súng đạn cả”.

Ông phân tích: “Tại hiện trường không có hố bom và các xe cũng không có các dấu hiệu cho thấy bị tổn hại do bom đạn từ trên không”.

Mỹ, LHQ và tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ mô tả vụ tấn công đoàn xe là một vụ không kích. Ngay khi xảy ra vụ tấn công, Nhà Trắng và các tổ chức này đã gián tiếp đổ lỗi cho máy bay của Nga hoặc chính phủ Syria vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và tấn công vào đoàn xe từ thiện.

Nhà kho của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tại Uram al-Kubra được cho là bị không kích - Ảnh: AFP

Sau đó, LHQ lại đưa ra thông cáo có chỉnh sửa thay thế cụm từ “không kích” bằng “vụ tấn công”. Người phát ngôn về các vấn đề nhân đạo của LHQ Jens Laerke cho rằng việc thông cáo ban đầu mô tả đây là một vụ không kích có thể do lỗi soạn thảo văn bản.

Vụ tấn công phá hủy 18/31 xe tải trong lúc đoàn cứu trợ LHQ dỡ hàng tại một nhà kho của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ ở thị trấn Uram al-Kubra phía tây Aleppo.

Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tại Syria cho biết người đứng đầu văn phòng của tổ chức tại địa phương cùng khoảng 20 thường dân đã bị thiệt mạng. Sau khi xảy ra vụ tấn công, LHQ đã ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động gửi cứu trợ đến Syria.

Giới ngoại giao ra sức cứu vớt thỏa thuận ngừng bắn

Trong khi các bên đang ra sức đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công đoàn xe cứu trợ của LHQ, các quan chức ngoại giao đang cố gắng tìm giải pháp để cứu lấy thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Mỹ và Nga dàn xếp. Vụ tấn công là đòn chí mạng giáng vào thỏa thuận đang trên đà thất bại nặng nề sau khi có hiệu lực vào ngày 12.9.

Một buổi họp về tình hình Syria do 2 ngoại trưởng Nga và Mỹ chủ trì với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao đến từ 23 quốc gia đã được tổ chức tại New York hôm 20.9. Sau buổi họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa thất bại”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói với các phóng viên tại buổi họp: “Thỏa thuận ngừng bắn này có hiệu quả hay không à? Tôi không thể trả lời được câu hỏi này”. Theo nhận định của ông, tình hình chiến tranh tại Syria chắc chắn sẽ càng leo thang nếu không có thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, ông đánh giá: “Nỗ lực đàm phán Nga-Mỹ cũng đã đi đến giới hạn”.

Hội đồng Bảo an LHQ dự tính tổ chức một buổi họp cấp cao về tình hình Syria vào ngày 21.9.

Theo nhận định của hãng tin Reuters, thỏa thuận ngừng bắn tại Syria là một nỗ lực ngoại giao lớn nhất giữa Mỹ và Nga trong thời gian gần đây. Thỏa thuận có hiệu lực đúng vào lúc chính phủ Syria cùng các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đang chiếm ưu thế đáng kể nhất trong vài năm qua. Trong khi đó nhiều vùng do quân nổi dậy kiểm soát đã bị cắt đứt các tuyến tiếp tế lương thực và thuốc men.

Huỳnh Hy (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ai-nem-bom-vao-doan-xe-cho-hang-cuu-tro-cua-lien-hop-quoc-43352.html