Ai là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam, qua đời năm 106 tuổi?

Đi du học Pháp từ năm 15 tuổi, nữ sinh Việt tốt nghiệp xuất sắc Đại học Y khoa Paris rồi trở thành bác sĩ sản. Bà làm việc tại cả Pháp và Việt Nam, mất năm 106 tuổi.

1. Ai được ghi nhận là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam?

Henriette Bùi Quang Chiêu
Mạc Thị Phúc
Đặng Thùy Trâm

Chính xác

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8/9/1906 tại Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn. Bà xuất thân trong một gia đình tri thức và giàu có thời bấy giờ. Ngay từ nhỏ, bà đã luôn có thành tích học tập nổi trội, thi vượt cấp trước các bạn 2 năm. Khi 15 tuổi, bà được đưa sang Pháp du học.

Năm 1927, bà vào học tại Đại học Y khoa Paris. Sự hiện diện của một nữ sinh Việt tại trường đại học danh tiếng của Pháp là sự kiện gây chấn động thời bấy giờ.

Năm 1932, bà tốt nghiệp và đi thực tập, chuyên chữa trị các bệnh của phụ nữ và trẻ em.

2. Trong gia đình bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu có ai làm bác sĩ?

Cha
Mẹ
Anh trai

Chính xác

Cha của bác sĩ Henriette là ông Bùi Quang Chiêu - một nhân vật có thế lực thời đó. Ông là kỹ sư canh nông và chủ báo La Tribune Indochinoise. Mẹ của bà là con một bác sĩ Đông y và là người buôn bán địa ốc giàu bậc nhất.

Anh của bác sĩ Henriette là Louis Bùi Quang Chiêu - bác sĩ nổi tiếng chuyên về bệnh ho lao. Cảm phục anh trai, bác sĩ Henriette luôn ấp ủ ước mơ làm bác sĩ. Khi bà sang Pháp du học được 1 năm thì nhận tin mẹ mất vì bệnh lao phổi. Sự kiện đau buồn càng thôi thúc bà quyết tâm học hành chăm chỉ hơn.

Bức hình chụp gia đình ông Bùi Quang Chiêu năm 1921 tai Phú Nhuận. Bà Henriette đứng thứ 2 từ trái sang.

3. Bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu biết mấy thứ tiếng?

3
5
7

Chính xác

Sau 7 năm miệt mài học tập, bà Henriette Bùi Quang Chiêu tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris loại xuất sắc. Bản luận án được Hội đồng giám khảo khen ngợi và tặng thưởng huy chương. Từ đây, bà Henriette bắt đầu sự nghiệp làm bác sĩ sản.

Không chỉ giỏi chuyên môn, bà Henriette còn biết 7 ngoại ngữ, bao gồm: tiếng Pháp, Trung, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Latin.

4. Bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu từng làm việc tại nước nào?

Việt Nam, Pháp
Việt Nam, Nhật
Việt Nam, Pháp, Nhật

Chính xác

Năm 1935, bà Henriette về nước lấy chồng là ông Vương Quang Nhường, Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của Việt Nam. Thời gian này, bà nhậm chức Trưởng khoa Hộ sinh cho một bệnh viện sản ở Chợ Lớn.

Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được 2 năm vì bà Henriette rất bận rộn công việc, thường xuyên phải ra khỏi nhà vào đêm hôm để đi cứu người. Sau đổ vỡ, bà tái giá với bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích.

Năm 1961, bà sang Pháp sinh sống và mở phòng mạch riêng. Năm 1970, bà Henriette về nước, tình nguyện làm việc không lương tại Bệnh viện Phú Thọ. Năm 1971, bà sang Pháp tiếp tục làm nghề y đến năm 1976.

5. Bác sĩ Henriette Bùi đã hiến tặng tài sản gì cho đất nước?

Biệt thự
Bệnh viện tư
Tiền vàng

Chính xác

Bác sĩ Henriette Bùi đã hiến tặng biệt thự tư gia ở số 28 đường Testard (nay là Võ Văn Tần) làm cơ sở cho trường Đại học Y khoa thuộc viện Đại học Sài Gòn, nay là bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM.

Bà mất vào ngày 27/4/2012 tại Paris, thọ 106 tuổi. Theo di nguyện của bà, tro cốt của bà được đưa về Việt Nam, một phần được dòng tộc họ Bùi lưu giữ, phần còn lại an táng cạnh mộ chồng là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích tại Bến Tre.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ai-la-nu-bac-si-dau-tien-cua-viet-nam-qua-doi-nam-106-tuoi-2241012.html