AI giúp học sinh bản địa ở Brazil viết tiếng mẹ đẻ

Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các ngôn ngữ có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó có ngôn ngữ Guarani Mbya của người bản địa Guarani, Brazil.

Với khoảng 17.000 người sử dụng nhưng tiếng Guarani Mbya được UNESCO xếp vào loại ngôn ngữ dễ bị tổn thương. Bởi dù được sử dụng rộng rãi nhưng tiếng Guarani Mbya lại bị hạn chế sử dụng giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh: freepik

Sử dụng AI để bảo tồn tiếng mẹ đẻ

Các thanh thiếu niên thuộc người bản địa Guarani, Brazil sống trong một cộng đồng cách thành phố Sao Paulo 2 giờ đồng hồ. Họ nói thông thạo cả tiếng Bồ Đào Nha và tiếng mẹ đẻ của mình - ngôn ngữ Guarani Mbya.

Tuy nhiên, khi nói đến chữ viết thì những thanh thiếu niên này chỉ biết sử dụng tiếng Bồ Đào Nha vì đây là ngôn ngữ đầu tiên họ được dạy viết. Điều này khiến ngôn ngữ Guarani Mbya ở dạng viết có nguy cơ biến mất.

Nhưng kể từ tháng 3/2023, để cải thiện khả năng viết tiếng Guarani Mbya, nhóm thanh thiếu niên này đã sử dụng ứng dụng "Trợ lý ngôn ngữ". Cơ chế hoạt động của ứng dụng này tương tự như tính năng tự động sửa lỗi và gợi ý văn bản trên điện thoại di động, giúp họ xây dựng các câu mà họ bắt đầu tự viết.

Theo đó, ứng dụng này là một phần của dự án do Tập đoàn IBM, Mỹ tài trợ nhằm tạo ra các công cụ AI có thể giúp bảo tồn và mở rộng việc sử dụng ngôn ngữ bản địa ở Brazil.

Khoảng 20 thanh thiếu niên của 7 ngôi làng với khoảng 3.000 cư dân đã tập hợp lại với nhau để tạo nên một lớp trung học duy nhất. Họ dùng máy tính xách tay và áp dụng ứng dụng "Trợ lý ngôn ngữ" nhằm xây dựng một kỹ năng quan trọng. Từ đó giúp toàn bộ cộng đồng của mình viết thành thạo ngôn ngữ bản địa trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Claudio Pinhanez, chuyên gia AI tại IBM và là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học São Paulo, việc sử dụng ứng dụng công nghệ của nhóm thanh thiếu niên trên đã có những tín hiệu đáng mừng.

"Vào cuối học kỳ, chúng tôi thấy các em bắt đầu có thể tự viết được những câu tiếng Guarani Mbya dài hơn. Tiến bộ mà họ đạt được thật đáng kinh ngạc", ông Pinhanez nói.

Học sinh Guarani sử dụng AI để học cách viết ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ảnh: IBM

Trao quyền kỹ thuật số cho ngôn ngữ dễ bị tổn thương

Trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ tồn tại trên thế giới, khoảng 1/5 được cho là có nguy cơ tuyệt chủng. Liên Hợp Quốc ước tính một nửa trong số này, phần lớn là ngôn ngữ bản địa sẽ tuyệt chủng hoặc gần như tuyệt chủng vào năm 2100.

Do đó, tổ chức này tuyên bố giai đoạn 2022-2032 là Thập kỷ quốc tế về ngôn ngữ bản địa. Trong giai đoạn này sẽ tăng cường nguồn lực, hỗ trợ và nhận thức về việc bảo vệ ngôn ngữ bản địa. Đồng thời thừa nhận vai trò đặc biệt của công nghệ trong việc bảo tồn ngôn ngữ bản địa hay còn gọi là "trao quyền kỹ thuật số" .

"Tài liệu và sức sống của ngôn ngữ bản địa có đặc tính độc đáo sẽ thúc đẩy AI trở nên tốt hơn đồng thời về mặt công nghệ và đạo đức" - theo Tiến sĩ Pinhanez. Ảnh: IBM

Phấn khích trước cách thanh thiếu niên Guarani sử dụng công nghệ để cải thiện kỹ năng viết ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, Tiến sĩ Pinhanez và nhóm của ông hiện có kế hoạch phát triển chatbot từ một ứng dụng chỉ sử dụng được trên máy tính thành ứng dụng có thể tải xuống điện thoại di động - tương tự như phần mềm WhatsApp của Meta.

Đồng thời, ông Pinhanez mong muốn cung cấp công cụ này như một nguồn tài nguyên miễn phí cho các cộng đồng bản địa khác và nhấn mạnh đây hoàn toàn là một sáng kiến phi lợi nhuận.

"Thanh thiếu niên coi việc viết lách là một cách để hòa nhập cộng đồng và để có thể kể câu chuyện của chính mình theo cách ổn định hơn chỉ là lời nói. Được biết, giới trẻ ở vùng Guarani rất quan tâm đến máy tính và tham gia vào mạng xã hội. Nhưng họ cần cải thiện khả năng viết bằng tiếng mẹ đẻ và đây là lúc chúng tôi cần trợ giúp họ", Tiến sĩ Pinhanez cho hay.

Tận dụng công nghệ đồng thời bảo vệ văn hóa

Tiến sĩ Drea Burbank - người được đào tạo về sức khỏe bản địa và có kinh nghiệm làm việc với các cộng đồng bản địa ở Mỹ và Canada cho biết, việc nắm bắt công nghệ và mong muốn bảo vệ văn hóa cũng như ngôn ngữ thường mâu thuẫn trong các cộng đồng bản địa.

Tiến sĩ Drea Burbank lấy ví dụ, bà đang đặc biệt tìm kiếm các đối tác để giúp tạo giao diện ngân hàng bằng ngôn ngữ bản địa, được hỗ trợ bởi mật khẩu nhận dạng giọng nói. Tuy nhiên, Tiến sĩ Drea Burbank lo ngại rằng, việc thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ cản trở khả năng của các cộng đồng này trong việc đồng ý và quản lý việc sử dụng các công cụ ngôn ngữ AI một cách hợp lý.

"Chúng ta đang nói về những cộng đồng mà ngay cả việc bật điện thoại hay nhấn mật khẩu cũng là một rào cản. Rất khó để những người dân của cộng đồng này tiếp cận với các công nghệ mới", Tiến sĩ Drea Burbank cho biết.

Mặt khác, cố vấn Gaba Caiga của tổ chức Savimbo - một tổ chức giúp nông dân bản địa nhỏ và cộng đồng bản địa ở Amazon bán tín dụng carbon và đa dạng sinh học lại cảm thấy các công cụ AI để bảo tồn ngôn ngữ bản địa có thể mang lại lợi ích kép trong việc mở rộng kiến thức về môi trường và tính bền vững, vì phần lớn kiến thức đó gắn liền với ngôn ngữ.

Nguồn: Reasons to be Cheerful

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ai-giup-hoc-sinh-ban-dia-o-brazil-viet-tieng-me-de-179231111123926617.htm