'Ai dao kéo Hậu Lộc đi'

Hòa vào âm thanh của cuộc sống, những tiếng rao quen thuộc được phát qua chiếc loa của người bán dao kéo 'dạo' nhắc mọi người nhớ tới một sản phẩm truyền thống của làng nghề rèn ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc.

Đình thờ tổ nghề rèn nằm ngay trung tâm làng Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa

Lớn lên cùng tiếng đe, tiếng búa leng keng

Làng rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa từ xa xưa nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng,… mà ít có vùng nào sánh được. Nghề rèn Tiến Lộc là làng nghề có lịch sử hàng trăm năm được cha truyền con nối, âm thầm bền bỉ phát triền mà không hề bị mai một.

Bước trên đường làng nghe văng vẳng khắp xóm là tiếng đe và tiếng búa leng keng. Có lẽ cũng bởi vậy những người dân nơi đây đã gắn bó và trưởng thành từ âm thanh quen thuộc đó. Trước đây, nghề rèn ở Tiến Lộc được coi là nghề phụ, tranh thủ làm lúc nông nhàn khi chưa kịp đến thời vụ. Người thợ rèn các loại công cụ, như: Dao, cuốc, liềm... để trao đổi lấy lương thực, thực phẩm và các vật dụng khác. Vì vậy mà từ nghề phụ này cũng đã tạo ra một cuộc sống sung túc cho những người thợ làng nghề.

Theo báo cáo, xã Tiến Lộc có 3/5 làng có nghề rèn truyền thống gồm làng Ngọ, làng Sơn và làng Bùi. Hiện nay, nghề rèn cũng đã được phát triển rộng ra hai làng còn lại là làng Xuân Hội và làng Thị Trang, với hơn 1.500 hộ/2.700 hộ tham gia, chiếm hơn 50% số hộ trong xã. Chưa kể các hộ đi làm ăn xa, mang nghề rèn đi khắp muôn nơi sinh sống, lập nghiệp trên mọi miền đất nước.

Thời gian gần đây, khi đến thôn Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc mọi người sẽ ngỡ ngàng với sự thay da đổi thịt chóng mặt của làng nghề, con đường làng được trải rộng hơn, những ngôi nhà nhỏ tiêu điều được thay thế bằng những căn nhà hai, ba tầng khang trang đẹp đẽ, người dân cũng ấm no đầy đủ hơn.

Làm việc trong thời tiết nắng nóng là một điều không dễ với mỗi người làm nghề

Nghề truyền thống...

Theo chia sẻ của người dân nơi đây, để tạo ra một con dao vừa bền vừa sắc bén, những người thợ thường sử dụng 2 loại kim loại: Sắt non (có tính chất mềm, dẻo dai) để làm thân dao và thép (có độ cứng cao) để làm phần lưỡi dao. Công đoạn kết hợp 2 loại này chia ra làm nhiều công đoạn nhỏ. Sau đó tới mài, công đoạn này sẽ tạo hình dao. Người thợ rèn sẽ mài theo 4 mặt dao rồi cuối cùng là tới lắp cán.

Những năm về trước, các công đoạn đều được làm thủ công và đòi hỏi nhiều sức người. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, máy móc dần dần được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ không còn vất vả như xưa. Các hộ đã tự trang bị cho mình các loại máy móc để giải phóng sức lao động như máy mài, máy cán thép, búa máy, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phay...

Đây cũng là phương pháp sản xuất theo hướng hiện đại tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa ngành nghề, từ đó phát triển làng nghề rèn Tiến Lộc ngày càng bền vững, tạo dựng thương hiệu riêng của một làng rèn truyền thống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các công đoạn đều được thay thế bởi máy móc, có những công đoạn vẫn đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo tay lành nghề của người thợ mới có thể làm ra một sản phẩm tốt, chất lượng.

Đối với những người lành nghề trong làng, họ đã quá quen thuộc với ánh lửa lò than với tiếng mài tiếng búa. Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa, vật rèn vào lò nung đang ở trạng thái nào, độ phát sáng ra sao, tôi vào lúc nào, ủ như thế nào bởi chỉ cần tôi thép già hay non một chút là sản phẩm sẽ không đạt chất lượng.

Anh Mạnh - người con của làng nghề chia sẻ, điều khiến anh băn khoăn trăn trở là làm sao chất lượng mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều đạt yêu cầu của khách hàng, xứng đáng với danh tiếng làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay. Bởi vậy, quan điểm lấy chất lượng làm đầu đã trở thành luật “bất thành văn” của làng.

Để có một con dao ra đời phải trải qua nhiều công đoạn và yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ rèn rất cao

Hiện nay, toàn xã Tiến Lộc có 6 tổ hợp máy cán rút thép; 6 cơ sở sản xuất chế tạo các loại máy phục vụ nghề rèn, cơ khí và nông nghiệp; trên 20 xưởng sản xuất bánh lồng, cày bừa máy, bu lông, ốc vít; trên 50 đại lý cung cấp nguyên liệu than, sắt; trên 20 đại lý bao tiêu sản phẩm; hàng trăm xưởng lớn nhỏ sản xuất các loại cuốc, xẻng, dao, liềm...; trên 300 máy búa, trên 300 máy đột dập các loại, hàng chục máy tiện, phay, bào, hàng nghìn máy móc phổ thông phục vụ rèn, cơ khí khác...

Từ sự phát triển của các loại máy móc đã kéo theo sự thay đổi về hình thức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, chuyển dần từ hình thức tự lập sang liên kết sản xuất. Từ nghề rèn đã tạo thuận lợi cho dịch vụ, thương mại phát triển mạnh mẽ. Làng nghề là nơi trung tâm giao thương hàng hóa, nghề rèn Tiến Lộc bao đời nay vẫn được duy trì và phát triển tốt, tạo nên danh tiếng cho sản phẩm truyền thống.

Giữ lửa nghề rèn

Làm việc trong môi trường tiếng ồn là vấn đề ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của những người thợ rèn

Những sản phẩm xuất ra thị trường bền đẹp là thế, tuy nhiên, vấn đề đặt ra của làng nghề hiện nay vẫn là môi trường tiếng ồn, đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân và việc học hành của con trẻ. Vì là nghề đặc thù, nghề nuôi sống cả gia đình mà không cấm được tiếng đe, tiếng búa nhức óc, đinh tai.

Thợ rèn suốt ngày phải tiếp xúc với bụi than, sắt rất độc hại. Ngoài không khí ô nhiễm, lẫn tiếng ồn thì việc phải ngồi cạnh lò rèn trong những ngày hè nóng bức cũng là một cực hình. Bệnh nghề nghiệp ở đây chủ yếu là đau dạ dày do ngồi nhiều và bệnh phổi do ảnh hưởng khói bụi.

Làng rèn Tiến Lộc đến nay hầu hết vẫn được hoạt động chủ yếu dưới hình thức hộ gia đình nhỏ lẻ. Điều thú vị khi đến Tiến Lộc, đó là mỗi hộ gia đình trong làng đều sản xuất những mặt hàng khác nhau, du khách có thể tham quan, đi vòng quanh làng để tìm hiểu và tham quan được rất nhiều sản phẩm khác nhau, khá mới lạ và độc đáo.

Ngoài ra, còn có thể mua các sản phẩm đem về sử dụng, giá cả không quá đắt mà chất lượng luôn đảm bảo. Hoặc du khách có thể tự tay làm một con dao hay chiếc búa dưới sự hướng dẫn của những người thợ lành nghề.

Sản phẩm của làng rèn Xứ Thanh xuất hiện ở nhiều nơi

Các con dao khi thành phẩm sẽ được bọc nilong cẩn thận trước khi xuất ra thị trường

Sản phẩm nghề rèn giờ đây không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc đã vươn đến hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và sang tận các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan...

Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ trong xã, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ. Đối với chủ thợ và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn từ 500 - 1 triệu đồng/ngày.

Nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển làng nghề truyền thống, các cấp chính quyền và ngành chức năng ở Hậu Lộc, Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mở rộng sản xuất và đầu tư máy móc thiết bị. Mỗi ngày khu làng nghề có thể làm ra hàng vạn sản phẩm. Ngoài ra, UBND xã Tiến Lộc đã thành lập Hiệp hội làng nghề, với sự tham gia tích cực của những người thợ lành nghề trong làng, họ cùng nhau giúp đỡ trau dồi và học hỏi kinh nghiệm.

Mặc dù, phát triển du lịch kết hợp làng nghề vẫn là một bài toán khó nhưng đó cũng là một tiềm năng đang và sẽ phát triển giống như ánh lửa lò than tại làng rèn vẫn luôn luôn đỏ lửa. Được biết, trong nhiệm kỳ 2000 - 2025, xã Tiến Lộc sẽ đưa thương hiệu làng nghề thêm một tầm cao mới, hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ai-dao-keo-hau-loc-di-post142470.html