Ai cũng đeo khẩu trang, son môi 'ra rìa'

Sau dịch Covid-19, một số kem dưỡng, chăm sóc da tại nhà được tìm mua. Vậy sản phẩm nào bị 'ra rìa'? Đó chính là son môi.

Những nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp lớn như Sephora hay Ulta Beauty đã trở thành các thương hiệu được yêu thích nhất của tín đồ trang điểm nhờ chiến lược cho phép khách hàng dùng thử sản phẩm tại cửa hàng.

Tuy nhiên, trong thế giới hậu Covid-19, thật khó có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dùng chung một thỏi son với người khác.

Gần đây, các cửa hàng đang cố gắng thu hút khách thoát ra khỏi chế độ “ngủ đông” – tác dụng phụ của đại dịch. Giờ đây, họ phải tập làm quen với tác phong làm việc mới, đó là đảm bảo vệ sinh và khoảng cách trong khi làm việc.

Trong thời gian bị buộc đóng cửa ở Mỹ, chắc hẳn Ulta và Sephora đã nghiên cứu và tái thiết lại mô hình hoạt động trong các cửa hàng của họ.

 Sephora là một trong các thương hiệu được yêu thích nhất của tín đồ trang điểm. Ảnh: SCMP.

Sephora là một trong các thương hiệu được yêu thích nhất của tín đồ trang điểm. Ảnh: SCMP.

Trước đây, nhân viên có thể tư vấn bằng cách trực tiếp chạm vào mặt khách hàng và giúp họ trải nghiệm các sản phẩm được bày bán. Nhưng việc đó lại trở nên đáng sợ vào thời điểm này.

Làm quen với quy tắc đảm bảo vệ sinh, an toàn

Ngay sau khi lệnh tạm dừng kinh doanh được dỡ bỏ, các cửa hàng mở cửa trở lại đón khách với một diện mạo mới. Mô hình bên trong các chuỗi cửa hàng mỹ phẩm không khác biệt là mấy: khách hàng được nhắc nhở khử trùng tay, giữ khoảng cách an toàn 2 mét.

Nhân viên được theo dõi chặt chẽ và đeo khẩu trang trong suốt ca làm. Họ được kiểm tra thân nhiệt trước và sau khi giao ca.

Đối với các cửa hàng làm tóc của Ulta, khách hàng chỉ đến theo lịch đã đặt trước. Khi sử dụng dịch vụ, cả thợ làm tóc và khách đều phải đeo tấm chắn giọt bắn. Nhân viên đeo găng tay và đứng cách nhau 2 mét trong thời gian làm việc.

 Nhân viên bán mỹ phẩm được theo dõi chặt chẽ và đeo khẩu trang trong suốt ca làm. Ảnh: SCMP.

Nhân viên bán mỹ phẩm được theo dõi chặt chẽ và đeo khẩu trang trong suốt ca làm. Ảnh: SCMP.

Cho phép khách hàng dùng thử đồ trang điểm từ lâu đã là một trong những trọng điểm của các cửa hàng làm đẹp. Đó là một trải nghiệm thú vị sau ngày dài làm việc hay khi đi chơi cùng bạn bè. Thực tế mà nói, đó là cách tốt nhất để tìm đúng màu hợp với bạn.

Theo bà Wendy Liebmann, CEO của công ty tư vấn WSL Strategic Retail thì hiện nay, nhiều khách hàng cảm thấy kinh hoàng khi nghĩ về các sản phẩm dùng thử công cộng.

“Trước đây, một số người đã không thực sự thoải mái khi được gợi ý dùng thử sản phẩm. Bây giờ, điều này trở thành đặc biệt cấm kỵ vì nó mang đến rủi ro về sức khỏe”, Liebmann cho biết.

Catherine Wester, quản lý chuỗi cửa hàng quận Dallas-Fort Worth (Texas, Mỹ) của Ulta, cho biết mức độ tương tác của khách hàng với nhân viên được giới hạn trong việc nói chuyện, miễn là họ đứng cách nhau 2 mét.

Ngay cả tại Hong Kong, các chi nhánh của Sephora cũng kiểm tra thân nhiệt người mua hàng và yêu cầu họ khử trùng tay trước khi vào mua sắm. Một số thương hiệu làm đẹp địa phương cũng đang thực hiện các biện pháp tương tự, chẳng hạn như Sa Sa.

Tuy nhiên, ngay cả nhân viên của các hãng kinh doanh sản phẩm, dịch vụ làm đẹp cũng gặp khó khăn trong việc thích nghi với chính sách mới.

 Sau dịch Covid-19, dùng thử mỹ phẩm trở thành điều đặc biệt cấm kỵ vì nó mang đến rủi ro sức khỏe cho khách hàng. Ảnh: SCMP.

Sau dịch Covid-19, dùng thử mỹ phẩm trở thành điều đặc biệt cấm kỵ vì nó mang đến rủi ro sức khỏe cho khách hàng. Ảnh: SCMP.

Taylor Myers, 27 tuổi, đã đến một cơ sở của Ulta và thấy mọi người vẫn thử nghiệm sản phẩm trong khi nhân viên chứng kiến.

Khách hàng Kristen Tucker, 34 tuổi, cho biết cô đã chủ động đề nghị một nhân viên thử sản phẩm cho mình xem, và tin rằng điều đó hoàn toàn chấp nhận được.

Ashley Morgan, 29 tuổi, sống ở Dallas, cho biết một nhân viên của Sephora đã thử màu sắc của sản phẩm trên cánh tay của anh ta cho cô xem.

Mặc dù giúp đỡ khách hàng thử sản phẩm là một việc hữu ích, các nhân viên bán mỹ phẩm vẫn cần được huấn luyện bài bản hơn nữa. Họ phải cảm thấy thoải mái khi giải thích và yêu cầu người mua hàng chấp hành những quy định mới trong thời gian hậu Covid-19 này.

Xu hướng mua sắm thay đổi

Một trong những biến chuyển rõ rệt của ngành kinh doanh mỹ phẩm và dịch vụ làm đẹp là nhóm sản phẩm được đặt mua nhiều nhất trong thời kỳ cách ly xã hội.

Liebmann cho biết sơn móng tay và thuốc nhuộm tóc là những mặt hàng chứng kiến sự bùng nổ về doanh số.

Erin Schmidt, nhà phân tích ngành công nghiệp làm đẹp tại Coresight Research, cho biết số lượng bán ra của các sản phẩm cấp dưỡng như mặt nạ, muối tắm và kem dưỡng da - đặc biệt là cho tay khô do rửa quá nhiều - cũng tăng chóng mặt. Khi có nhiều thời gian ở nhà, mọi người đều để ý đến việc tự chăm sóc bản thân nhiều hơn.

Vậy còn sản phẩm đang bị “ra rìa” trong mùa dịch thì sao? Đó chính là son môi.

Neil Saunders, giám đốc điều hành GlobalData Retail, cho biết vì phải thường xuyên đeo khẩu trang, nhiều người dùng cho rằng không cần phải trang điểm nửa dưới khuôn mặt.

 Son môi đang trở thành sản phẩm bị “ra rìa” trong mùa dịch. Ảnh: Instagram.

Son môi đang trở thành sản phẩm bị “ra rìa” trong mùa dịch. Ảnh: Instagram.

Thay vào đó, mọi người tập trung vào việc trang điểm mắt để tạo điểm nhấn cho bộ phận duy nhất lộ ra trên khuôn mặt.

Ngày càng nhiều nhà bán lẻ bắt đầu tiếp thị loạt sản phẩm có tác dụng cho cả sức khỏe lẫn sắc đẹp, Liebmann phán đoán.

Tập trung vào các xu hướng mới nhằm giữ an toàn và hạnh phúc cho khách hàng như bán hàng trực tuyến, trải nghiệm ảo, bán các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp song song với chăm sóc sức khỏe sẽ giúp Ulta, Sephora và các nhãn hàng cùng ngành nhanh chóng phục hồi.

Và tất nhiên, những thay đổi mà lực lượng này mang đến sẽ tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Minh Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-cung-deo-khau-trang-son-moi-ra-ria-post1093455.html