Ai chịu trách nhiệm về khoản lỗ 3.200 tỷ tại PVC?

Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng: với những vi phạm nghiêm trọng và khoản thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng xảy ra tại Tổng công ty PVC, dù đã về hưu nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn cần phải có trách nhiệm với vấn đề này.

Nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm

Ngày 9/7, tại khu vực cách đông đông nam đảo Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 hải lý, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90479TS cùng 5 ngư dân đã bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc mang các số hiệu 46102 và 56103 truy đuổi, đâm chìm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc điều tra và xử lý nhân viên trên hai tàu hải cảnh đã cố ý đâm chìm tàu cá Việt Nam, bỏ mặc ngư dân trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng.

Hà Nội hôm nay đã yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thỏa đáng cho ngư dân tàu cá Quảng Ngãi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm. (Xem tiếp)

Một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng cũng bị tàu Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 5/2014. Ảnh:Nguyễn Đông.

Thua lỗ hơn 3.200 tỷ: Cần xem xét trách nhiệm ông Vũ Huy Hoàng

Trao đổi với P.V chiều 12/7, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, ông đã đọc kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Từ kết luận này, ông Hương đánh giá, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, theo ông Hương, kết luận như vậy vẫn còn thiếu và chưa rõ trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh và cá nhân nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong việc để xảy ra thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.

Theo ông Hương, thứ nhất, Ủy ban Kiểm tra T.Ư chưa nêu rõ trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh về số tiền thua lỗ 3.200 tỷ đồng đến đâu? “Đây không phải đơn giản như việc thay biển xe, không phải tội chạy chức chạy quyền gì đó, mà ở đây là thất thoát 3.200 tỷ đồng. Vậy thì trách nhiệm là của ai? Trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh đến đâu? Có đến mức phải khởi tố không?”, ông Hương nêu... (Xem tiếp)

Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh: Formosa có sai phạm trong ký hợp đồng xử lý rác thải

Sáng 13/7, PV đã có cuộc trao đổi với ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh xung quanh vụ việc hàng trăm tấn rác thải rắn từ Formosa bị phát hiện chôn trong vườn nhà một người dân.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Võ Tá Đinh, qua buổi làm việc chiều ngày 12/7 giữa các cơ quan chức năng về vụ chôn rác thải của Formosa tại vườn nhà một người dân ở P.Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), qua kiểm tra hợp đồng ký kết giữa hai đơn vị là Formosa và Công ty CPXD Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh thì cả hai bên đều vi phạm hợp đồng.

Ông Đinh cho biết, trước hết về năng lực Công ty CPXD Quản lý môi trường đô thị chưa đủ chức trách, thẩm quyền để xử lý rác thải công nghiệp. Việc ông Lê Quang Hòa cho rác thải của Formosa đổ vào vườn nhà dân lại càng sai hơn. Không ai cho phép được làm điều đó. Chất thải phải được tập kết và xử lý đúng quy định, ở nơi được quy hoạch, cấp phép... (Xem tiếp)

189 tấn bùn thải của Formosa chôn lấp trái phép. Ảnh: TTO

“Hơn 100 tấn bùn thải từ Formosa chỉ chôn lấp đến bao giờ mới phân hủy?”

Liên quan đến việc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh chôn lấp chất thải từ lò luyện cốc của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thông tin mới nhất cho biết, việc ký hợp đồng vận chuyển và xử lý chất thải thông thường giữa Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh và Formosa là đúng, tuy nhiên, việc vận chuyển và xử lý hơn 100 tấn chất thải bùn khô từ đầu tháng 4 đến nay là sai.

189 tấn bùn thải công nghiệp từ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh đã được chôn lấp tại thôn Hoàng Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh trong khi đơn vị xử lý là Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh chỉ có chức năng xử lý chất thải thông thường. (Xem tiếp)

Dàn nhạc nước 200 tỷ và bài học lớn khi “bất chấp dư luận”

Công trình nhạc nước trên hồ Tam Bạc được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt có mức đầu tư lên tới 200 tỷ đồng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch được giao làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, chỉ mới sau hơn một năm đi vào hoạt động (từ tháng 5/2015), công trình này trở nên nhếch nhác vì xuống cấp trầm trọng, hoen rỉ, rêu phong. Người dân sống quanh khu vực phản ánh, từ khi được khánh thành, công trình chỉ thi thoảng mới hoạt động với những khúc nhạc quen thuộc được phát đi phát lại rất nhàm chán.

Liên quan đến dự án, ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị xem xét kỷ luật các ông Dương Anh Điền, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố; ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng vì “có nhiều khuyết điểm, vi phạm dẫn đến công trình dở dang, gây lãng phí ngân sách nhà nước và tạo dư luận xấu”. (Xem tiếp)

Loạn dịch vụ ở bệnh viện: Tiền vào túi ai?

Lấy lý do xã hội hóa, hàng loạt bãi xe ở bệnh viện trên địa bàn TP. HCM thu phí xe máy giá “cắt cổ”. Thành phố quy định bãi giữ xe ở trường học và bệnh viện phải niêm yết giá 2.000 đồng/xe/lượt vào ban ngày với xe dung tích dưới 175 phân khối và 3.000 đồng vào ban đêm.

Nhưng các bệnh viện ở TP. HCM đều xé rào. Sáng 11/7, bà Nguyễn Thị Lành, 54 tuổi ở quận 7 đi xe máy vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định thăm người thân điều trị, sau 30 phút gửi tại bãi xe bệnh viện, bà Lành lấy xe ra về thì nhân viên thu 4.000 đồng/lượt.

Mấy năm nay, bãi xe của Bệnh viện Nguyễn Trãi ở quận 5 cho một đơn vị ở ngoài vào thuê với giá hàng trăm triệu đồng/năm để kinh doanh giữ xe. Vì vậy, đơn vị “thầu” bãi xe trong bệnh viện tha hồ “làm giá” người bệnh vào đây. (Xem tiếp)

Nha Trang: Trục xuất 64 người Trung Quốc về nước

Ngày 13/7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo 6 tháng đầu năm 2016. Trả lời việc xử lý lao động Trung Quốc (TQ) trái phép ở Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay (Silent Bay) ông Trần Việt Trung, Giám đốc sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, qua kiểm tra đã xác định Công ty này có 64 người TQ lao động trái phép.

Sở đã tống đạt và thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của Tổng Cục du lịch. Đến ngày 20/7, Công ty này phải khắc phục, giải quyết toàn bộ những vấn đề tồn tại liên quan đến việc hoạt động kinh doanh trong việc khai thác thị trường khách TQ.

“Sau khi thu hồi giấy phép lữ hành quốc tế, Silent Bay không còn chức năng sử dụng lực lượng lao động theo quyền hạn trách nhiệm của mình nên Sở đã thông tin cho Công an xuất nhập cảnh đưa 64 người mà Silent Bay bảo lãnh này về nước. Đến nay việc đưa số người này về nước đang triển khai”- ông Trung nói. (Xem tiếp)

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/ai-chiu-trach-nhiem-ve-khoan-lo-3200-ty-tai-pvc-1767679.html