Ải Biến ở Mường Lò

Trong một chuyến công tác tới thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái chúng tôi tìm gặp được ông Lò Văn Biến - Ải Biến, như cách gọi quen thuộc của người Thái - người vẫn được coi là một pho sử sống về văn hóa Thái vùng Mường Lò.

Đọc một số bài báo, thấy người ta còn phong cho ông Lò Văn Biến là “nghệ nhân”, là “báu vật nhân văn sống”. Chẳng biết thực hư thế nào? Gặp ông, trước hết là một sự ngạc nhiên. Ải Biến năm nay tám mươi chín tuổi, mái tóc dài phủ gáy bạc như cước nhưng lưng thẳng, mắt sáng, da mặt hồng hào, đi lại nhanh nhẹn như thanh niên đương sức. Và đặc biệt là một trí tuệ mẫn tiệp, một cách nói chuyện hóm hỉnh.

Nghệ nhân Lò Văn Biến (Nghĩa Lộ, Yên Bái).

Đến năm 2007, gần như động lực, ông Biến quyết định mở lớp dạy chữ Thái cổ cho bà con trong vùng, ông tự biên soạn giáo án và đích thân đứng lớp. Lớp học đầu tiên được hơn năm mươi học viên, người Thái người Kinh đủ cả (trong đó có bà Lò Thị Huân, nguyên Bí thư thị ủy Nghĩa Lộ). Kết quả thật không ngờ: ai nấy đều đọc thông viết thạo, đều vui mừng phấn khởi vì đã “đọc được chữ của ông bà để lại”. Cả một phong trào học chữ Thái cổ được hình thành và phát triển kể từ đó. Vì thế, ngoài cái tên “Ải Biến”, người Mường Lò còn gọi ông là “thầy Biến”. Nhưng ông không chỉ là “thầy Biến” đối với bà con Mường Lò.

Những năm qua, nhiều nghiên cứu sinh ngành Thái học người nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp v.v...) nghe tiếng ông đã lặn lội tìm đến Mường Lò để học hỏi, trao đổi cùng ông về chữ Thái, văn hóa Thái. Không che giấu niềm tự hào, ông chỉ cho chúng tôi thấy căn nhà sàn nhỏ ở phía góc vườn - ông ở nhà sàn lớn phía trước - bảo rằng: “Đấy, cái cậu người Nhật Bản đã ở đấy suốt mấy tháng trời để học cùng với tôi đấy”. Những kết quả nhãn tiền ấy phần nào cũng giúp cho công việc của ông hiện tại trở nên bớt khó khăn hơn. Chính quyền địa phương và một vài tổ chức hội đoàn đã đóng góp chút kinh phí để giúp ông giảng dạy. “Đủ để tôi trả tiền xăng xe đi lại” - ông bảo thế, dù phương tiện đi lại của ông thật ra chỉ là… xe đạp điện.

Nhưng thầy Biến không chỉ dạy chữ, thầy còn dạy cả múa xòe cho bà con. Nghe có vẻ lạ: xòe Thái vẫn là đặc sản của văn hóa Thái kia mà, ai cũng biết, sao lại phải dạy? Nhầm to. Xòe Thái không phải là việc đốt đống lửa ở giữa vòng người nắm tay nhau hết chụm vào rồi lại tản ra. Xòe như thế chỉ là “xòe Thái lai Kinh”, chỉ là cách vung tay vung chân để cho hả hơi men sau một chầu uống rượu túy lúy mà thôi, chẳng có gì là nghệ thuật cả.

Trong trí nhớ của nhiều ông già bà cả, Mường Lò xưa có nhiều đội xòe chuyên nghiệp, nhiều điệu xòe quyến rũ, đủ sức làm ngây ngất lòng và níu chân khách phương xa. Nhưng qua thời gian thì cứ mai một dần. Phải nhờ tới ông Biến cất công sưu tầm và truyền dạy, người Mường Lò nay mới biết đến sáu điệu xòe cổ tưởng đã thất truyền. Chúng tôi đã may mắn được thưởng thức một cuộc xòe như vậy. Và thêm một lần ngạc nhiên nữa khi nhìn ông lão bát tuần cực dẻo tay trống, say sưa giữ nhịp cho chị em Thái thướt tha váy áo múa lượn uyển chuyển trong ánh lửa bập bùng.

Đôi mắt ông cứ ướt rượt lên, long lanh, như có đuôi. Đôi mắt gây ấn tượng đến nỗi, đêm hôm ấy, sau mấy chén rượu nồng bên bếp lửa nhà sàn, tôi bạo dạn hỏi ông về chuyện… yêu đương thời trẻ. Ông chỉ tủm tỉm cười, không trả lời, nhưng ra chiều đắc ý. Tò mò hỏi tiếp về tục “chọc sàn” của người Thái, chúng tôi được ông giải thích: “Các anh đừng có tưởng bở nhé. Con gái Thái đa tình nhưng không dễ dãi, không phải cứ muốn chọc là chọc lung tung thế nào cũng được đâu. Muốn tán nó, anh phải biết thổi sáo, thổi khèn bè. Thổi, trước hết là cho cha mẹ nó nghe đấy. Tiếng khèn tiếng sáo bộc lộ tâm tính của anh. Cha mẹ nó thấy hợp, để yên, thì lúc ấy anh mới được lại gần mà lấy cây sáo hoặc cây khèn mà chọc khẽ vào gầm sàn cái chỗ nó nằm, nó sẽ ra trò chuyện với anh. Bằng không, họ đuổi cổ anh liền, đừng có mong bén mảng”.

Nghệ nhân Lò Văn Biến dưới ống kính máy quay.

Về đời tư, vợ chồng ông sống với nhau đến nay đã gần sáu mươi năm, sinh được năm trai một gái. Cậu con trai út tên Lò Văn Thư, thông minh đĩnh ngộ, được ông dạy cho tất cả những gì ông biết: chữ Thái, múa xòe, chơi tính tẩu, thổi khèn bè… thì lại chẳng may gặp nạn mất sớm, khi mới ngoài hai mươi. Lá xanh rụng trước lá vàng. Khó có thể nói cho hết nỗi buồn đau trong lòng người cha. Cái chết của con khiến ông như sụp đổ, chẳng thiết làm gì nữa ngoài việc hàng ngày mang cây khèn bè ngồi bên mộ con, thổi lên những thanh âm thê lương nẫu ruột. (Nghe chuyện này, máu nghề nghiệp nổi lên, chúng tôi bạo dạn xin ông “diễn lại” để ghi hình, hy vọng sẽ có một trường đoạn làm điểm nhấn cho bộ phim. Ông đồng ý. Và đây là một hình ảnh mà có lẽ chúng tôi sẽ rất khó quên: giữa ruộng ngô rộng mênh mông, dưới bụi tre rậm, ông già tóc bạc như cước ngồi thổi khèn bên mộ con. Tiếng khèn nức nở ai oán hòa lẫn tiếng gió, tiếng tre đưa kẽo kẹt, đôi lúc cứ thít lên như tiếng khóc bị nén lại. Mắt ông ngấn lệ. Tuổi già hạt lệ như sương. Người già vốn ít khóc. Còn khóc, ắt phải buồn lắm).

Nhưng rồi thời gian trôi qua. Ông tự nhủ với lòng: không còn con để truyền lại vốn hiểu biết về văn hóa Thái thì truyền cho những người khác, cho cộng đồng. Và phải làm thật nhanh, thật gấp, vì ông đã ở tuổi xế chiều. Có lẽ, đây chính là một trong những lý do khiến Ải Biến, như chúng tôi thấy và như người Mường Lò đều công nhận, miệt mài “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, tự nguyện làm người bảo tồn, truyền dạy và phát huy những tinh hoa trong di sản văn hóa Thái vùng Mường Lò.

Cuối cùng cũng đã đến lúc chia tay Ải Biến, rời Mường Lò trong tiếng khèn bè lúc trầm lúc bổng, chúng tôi nhủ lòng sẽ còn trở lại. Để nghe ông kể chuyện. Để thấy lại hình ảnh một ông lão tóc dài trắng như cước đang gò lưng cặm cụi giữa những trang sách cũ nát, chữ viết ngoằn ngoèo như giun dế. Để thấy lại, vẫn ông lão ấy, đang dẻo tay trống giữa dập dìu váy áo của vòng xòe Mường Lò đầy quyến rũ…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ai-bien-o-muong-lo-i703199/