Agribank tiếp sức phát triển xoài Cao Lãnh

Nhằm giúp bà con nông dân vùng trồng xoài Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có thêm nguồn lực để đầu tư bài bản cho loại cây trồng đặc sản của địa phương, những năm gần đây, Agribank Chi nhánh TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã ưu tiên giải ngân nguồn vốn, theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về 'Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn'. Nhờ vậy các địa phương có điều kiện triển khai đến nơi đến chốn đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, góp phần đưa thương hiệu xoài Cao Lãnh ngày càng vươn xa.

“Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, tổng diện tích trồng xoài của Đồng Tháp với hơn 12.000 ha xoài, gồm 3 giống chủ lực: xoài cát chu, xoài tượng da xanh và xoài cát Hòa Lộc.

Thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh có diện tích trồng xoài trên 7.500 ha, chiếm gần 63% tổng diện tích xoài toàn tỉnh. Nhờ được đầu tư về nhiều mặt, nên việc sản xuất, làm ăn của bà con nông dân ở đây ngày càng thuận lợi.

Có dịp chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lê Thành Nhân - Chủ nhiệm Nhân Tân Hội quán (thuộc xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Gia đình ông Nhân có thâm niên trồng xoài ở vùng Cao Lãnh này và là 1 trong 21 hộ trồng xoài đạt chuẩn GlobalGAP.

Vườn xoài của gia đình ông Lê Thành Nhân là 1 trong 21 hộ trồng xoài đạt chuẩn GlobalGAP.

Vườn xoài của gia đình ông Lê Thành Nhân là 1 trong 21 hộ trồng xoài đạt chuẩn GlobalGAP.

Đầu năm 2020, được địa phương vận động xây dựng hội quán kết hợp với làm du lịch cộng đồng, ông và một số hộ dân ở đây đã mạnh dạn đăng ký thực hiện. Giải thích lý do mạnh dạn chọn hướng đi mới này, ông Nhân cho biết: Nếu nhà vườn chuyên tâm trồng xoài thì chỉ bán được có trái xoài. Nhưng nếu biết kết hợp mở cửa đón khách tham quan vườn xoài thì mình sẽ bán được nhiều thứ, ví dụ như cơm, nước; phát triển các dịch vụ du lịch như ngủ, nghỉ và các dịch vụ đi kèm khác nữa.

"Nếu nhiều hộ trong hội quán cùng đồng lòng xây dựng và phát triển mô hình kết hợp này, thì trong một tương lai không xa, thu nhập của mọi người sẽ khá hơn, quê hương mình sẽ khởi sắc hơn" - ông Nhân nói.

Tân Nhân Hội quán hiện có 32 thành viên, diện tích đất trồng xoài khoảng 15 ha, gồm 3 giống xoài chủ lực: cát chu, tượng da xanh và xoài Ngọc Vân. Ngoài vườn xoài của gia đình ông Nhân đã được chứng nhận GlobalGAP, một số vườn đã có chứng nhận VietGAP, số còn lại cũng đang sản xuất theo hướng VietGAP.

Agribank tiếp sức phát triển xoài Cao Lãnh

Để có được kết quả đáng phấn khởi này là cả một quá trình phấn đấu và dồn nhiều tâm sức của các nhà vườn. Ngoài nguồn đầu tư cải tạo vườn, chuyển đổi phương thức sản xuất sạch hơn, nhà vườn còn phải có kinh phí để thực hiện một số yêu cầu cơ bản khác, như: xây dựng thương hiệu, làm bao bì mẫu mã, quảng bá, kết nối tiêu thụ...

Thấu hiểu điều này, Agribank luôn có mặt kịp thời và đồng hành trên từng bước đường phát triển của nhà nông. Trong tổng dư nợ 1.377 tỷ đồng, Agribank dành để cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ với số tiền 463 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 33,62%. Trong đó cho vay vùng trồng xoài là 40 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ các hộ mua bán, kinh doanh xoài là 63 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh TP. Cao Lãnh, cho biết Agribank luôn bám sát các đề án phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, cây xoài là thế mạnh của địa phương, nên Agribank Chi nhánh TP. Cao Lãnh ưu tiên đầu tư tín dụng cho hộ trồng xoài, nhất là mô hình xoài kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Sứ mệnh phục vụ “Tam nông”

Gần 35 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn khẳng định vai trò tiên phong, chủ lực trong cung ứng nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong tổng số gần 1,4 triệu tỷ đồng dư nợ Agribank cho vay nền kinh tế, vốn đầu tư cho “Tam nông” chiếm tỷ trọng khoảng 65% và cao nhất toàn hệ thống tổ chức tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Với việc triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn Agribank đã và đang vươn tới mọi miền Tổ quốc, tạo điều kiện để mọi người dân, đặc biệt là bà con nông dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận nguồn vốn chính thức phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Chủ nhiệm Nhân Tân Hội quán cho biết, đa số nông dân ở đây đi vay vốn ở Agribank. Đây là ngân hàng của nhà nông, thủ tục dễ dàng mà lãi suất cũng tương đối.

Ông Phạm Thanh Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây, cho biết thêm, tiếp cận được nguồn vốn của Agribank, nhiều nhà vườn có điều kiện phát triển mở rộng quy mô và cải tạo giống. Trái xoài nhờ vậy mà chất lượng hơn, bán có giá hơn, thu nhập của người dân cũng sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận.

Từ thành công của những mô hình kinh tế kết hợp, hiện nay chính quyền địa phương và các ngành hữu quan tiếp tục vận động nông dân chuyển các cây trồng kém hiệu quả sang làm vườn chuyên canh, kết hợp chăn nuôi, phù hợp định hướng nông nghiệp đô thị, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh (trong đó cây xoài, nguồn thu từ xoài là kinh tế chủ lực của địa phương).

Sự năng động của bà con nông dân trong chuyển đổi các mô hình kinh tế phù hợp, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo về mọi mặt, cùng với sự hỗ trợ về vốn của Agribank - đây chính là những điều kiện cần và đủ để xoài Cao Lãnh - 1 trong 5 cây trồng chủ lực của Đồng Tháp tiếp tục được quan tâm, chăm bồi, đem đến cho đời nhiều trái sai, quả ngọt, xứng với danh vị đệ nhất xoài ngon Cao Lãnh.

Agribank - Top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2021

Năm 2021, mặc dù hoạt động trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, song Agribank vẫn duy trì hoạt động hiệu quả, đứng trong TOP 10 danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (V.1000) năm 2021.

Từ năm 2016 đến nay, đây là năm thứ 6 liên tiếp Agribank thuộc Top đầu trong danh sách V.1000. Bảng xếp hạng năm 2021 tiếp tục là sự ghi nhận của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp của Agribank vào ngân sách quốc gia.

Năm 2021 là năm Agribank thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của tổ chức tín dụng nhà nước trong việc điều chỉnh giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Gần 3,2 triệu khách hàng được Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền lãi đã được giảm là hơn 5.600 tỷ đồng, đứng đầu các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Cùng đó, Agribank tăng cường các ứng dụng thanh toán trên nền tảng công nghệ số, miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước. Triển khai nhiều chương trình tín dụng có quy mô lớn với lãi suất ưu đãi dành cho mọi thành phần kinh tế, tập trung 5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng gồm: nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao; tích cực triển khai hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Minh Khương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/agribank-tiep-suc-phat-trien-xoai-cao-lanh-115408-115408.html