Xuân về lại nhớ Trường Sa

QĐND - Mỗi khi Xuân về, chúng tôi lại bồi hồi nhớ về một chuyến công tác ra thăm quân và dân sống trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Gần nửa tháng trên con tàu HQ 996, đoàn đã đến thăm gần hai chục điểm đảo. Chia tay với Trường Sa mà trong mỗi chúng tôi luôn in đậm về hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ngày đêm phải vượt qua bao khó khăn, vất vả thậm chí cả hy sinh dũng cảm để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

QĐND - Mỗi khi Xuân về, chúng tôi lại bồi hồi nhớ về một chuyến công tác ra thăm quân và dân sống trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Gần nửa tháng trên con tàu HQ 996, đoàn đã đến thăm gần hai chục điểm đảo. Chia tay với Trường Sa mà trong mỗi chúng tôi luôn in đậm về hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ngày đêm phải vượt qua bao khó khăn, vất vả thậm chí cả hy sinh dũng cảm để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng, từ lâu luôn là điểm đến mơ ước của nhiều người Việt Nam. Dù đã được chuẩn bị kỹ từ trước nhưng nhiều người, nhất là chị em vẫn bị say sóng, phải nằm dài trên giường, có trường hợp còn phải truyền nước... Việc cập bến để đưa người, hàng lên các đảo cũng không dễ dàng. Chỉ ở đảo Trường Sa Lớn và một vài đảo nổi thì tàu HQ 996 mới có thể cập vào cầu cảng, còn các đảo khác, nhất là các đảo chìm thì tàu phải neo ngoài thềm san hô cách đảo vài trăm đến hàng nghìn mét, thả 2 ca-nô kéo xuồng có sức chở 25 người/xuồng/chuyến để vào đảo. Nhiều nơi, do sóng to nên ca-nô phải rất khó khăn mới cập được vào đảo. Cảm động nhất là khi đoàn lên đảo An Bang, do sóng lớn có lúc trùm qua cả xuồng nên ca-nô chỉ kéo xuồng đến gần bờ là phải tháo dây kéo để hàng chục cán bộ, chiến sĩ bơi ra đón lấy dây, kéo xuồng gần lên bãi cát...

Các nghệ sĩ ra tận trận địa hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Sau một ngày, hai đêm xuất phát từ cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, con tàu HQ 996 mới đưa đoàn chúng tôi đến được với đảo Trường Sa Lớn. Ôi, Trường Sa - hai tiếng sao mà thân thương đến thế. Nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ trên đảo chúng tôi được biết, hằng ngày, ngoài việc tập luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu thì thời gian anh em dành để chăm sóc, bảo dưỡng vũ khí, khí tài là rất quan trọng thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống, công tác của các bộ, chiến sĩ và các lực lượng cùng một số hộ dân trên đảo, chúng tôi ai nấy đều rất cảm động và khâm phục. Trước phong ba, bão táp, ảnh hưởng của hơi nước biển nhưng màu xanh của cây cối trên đảo vẫn vươn lên hiên ngang như thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt, minh chứng cho sự kiên cường của cả một dân tộc có bề dày truyền thống chế ngự thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và các bộ ngành, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước mà hiện nay tại tất cả các đảo (kể cả đảo chìm và nhà giàn đều đã có phong điện (điện gió) và hệ thống pin mặt trời, nên việc dùng ti vi cũng không còn là xa xỉ nữa. Các trạm thu phát sóng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có ở khắp nơi trên quần đảo, nên việc sinh hoạt học tập, rèn luyện của anh em đã được cải thiện hơn trước nhiều, giúp họ luôn cảm thấy đất liền gần với mình hơn. Nước ngọt cơ bản đã được bảo đảm, nhất là ở các đảo chìm nhờ hệ thống các bể ngầm và túi nhựa chứa nước nên hãn hữu lắm một vài đảo chìm mới cần phải chở nước từ đảo khác đến trong mùa khô. Ở đảo Trường Sa Lớn và một số đảo nổi còn có diện tích để trồng cây, rau, chăn nuôi và chỗ tập luyện thể thao nên cuộc sống của anh em cũng đỡ vất vả hơn. Trái lại, tại các “đảo chìm”, do hạn chế về mặt bằng nên hầu như mọi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều giới hạn trong phạm vi những căn phòng của tòa nhà đảo, nên ảnh hưởng nhiều đến rèn luyện thể lực, trong khi máy tập đa năng có hạn, nhanh xuống cấp do ảnh hưởng của môi trường nước biển mặc dù anh em rất chịu khó bảo quản. Về thực phẩm sinh hoạt hằng ngày, nhìn chung các đảo được bảo đảm khá tốt, nhất là thịt, cá (thịt chủ yếu được đưa từ đất liền ra, trừ một số ít trên đảo nổi có đất rộng có thể đưa lợn sống ra nuôi để mổ dần trong thời gian ngắn). Tuy nhiên, việc cung cấp rau xanh gặp nhiều khó khăn do xa đất liền, nhất là khi mưa bão, biển động, sóng lớn. Vì vậy, nhiều khi anh em chủ yếu phải ăn củ, quả, tự làm giá đỗ, chế biến đậu phụ… và tự trồng rau nhưng cũng rất khó khăn, nhất là ở các đảo chìm, khi mà sóng biển thường xuyên hắt nước biển lên khiến rau chết hàng loạt. Một khó khăn nữa là việc xử lý chất thải rắn trên các đảo, đặc biệt là đảo chìm vì nước biển khó làm phân hủy và sóng biển luôn có xu hướng đẩy chất thải rắn vào đảo, do đó yêu cầu bảo vệ môi trường biển nói chung và trên các đảo nói riêng là rất quan trọng.

Một điều rất ngạc nhiên đối với chúng tôi là tại các đảo, nhất là đảo chìm, tuy diện tích hẹp, khí hậu khắc nghiệt, khó khăn về lương thực nhưng cán bộ, chiến sĩ nuôi rất nhiều chó, thậm chí có đảo chìm nuôi khoảng 50 con chó to nhỏ, con nào cũng rất mỡ màng. Ngoài nuôi chó để cung cấp nguồn thực phẩm rất giàu giá trị dinh dưỡng thì chó còn là “người lính gác” rất hiệu quả trên đảo nhờ khả năng trời phú của nó, đồng thời cũng giúp các chiến sĩ đỡ “nhớ quê” hơn. Hỏi ra mới hay, nhiều chú chó trên đảo còn tự mình đi kiếm cá về ăn nữa.

Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang vui văn nghệ cùng anh em đoàn công tác.

Rất may mắn, trong những ngày tới thăm các đảo, đoàn của chúng tôi một lần được ăn trưa với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn và nghỉ trưa trong doanh trại của bộ đội. Bữa ăn thật cảm động, ấm áp tình quân dân và thật vui khi nhìn các anh bộ đội ăn rau còn ngon hơn ăn thịt. Tuy ở đảo nhưng trong doanh trại mọi thứ được xếp đặt ngay ngắn, sạch sẽ, ngăn nắp với giờ giấc sinh hoạt rất chính quy. Ngoài những món quà bằng hiện vật mang từ đất liền ra, lần này ra đảo, Đoàn Nghệ thuật Quân đội đã cử 11 cán bộ, diễn viên biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trên đảo, nhất là những chiến sĩ trẻ lúc đầu còn ngại ngùng nhưng ngay sau đó đã hòa lời ca, tiếng hát, nhảy múa cùng các diễn viên. Lời ca, tiếng hát của anh chị em diễn viên và thành viên đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo như làm vơi đi những khó khăn, gian khổ hằng ngày của các anh. Nhiều anh chị em nghệ sĩ đã quên cả sự say sóng, trời mưa, gió rét ra tận trận địa để hát phục vụ, động viên bộ đội. Thật may, do thời tiết khá thuận nên lần này đoàn chúng tôi đã lên được tất cả điểm đảo và nhà giàn DKI, trong khi trước đó, nhiều đoàn không thể cập vào một số đảo vì sóng lớn, đành phải chuyển hàng qua dây và hát qua loa (tức là chuyển quà từ tàu vào đảo bằng dây và bắc loa hát từ tàu vào cho bộ đội trên đảo nghe). Ra Trường Sa dường như tình đồng đội, đồng chí, càng ấm áp hơn trước sóng, gió dữ dội của biển cả…

Đã đến lúc phải xa đảo, chia tay với các anh mà hai bàn chân như không muốn bước về tàu, lòng chúng tôi vẫn bâng khuâng vì cuộc sống nơi đây tuy vẫn còn bộn bề khó khăn, gian khổ nhưng các anh vẫn trẻ trung hồn nhiên, yêu đời, nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Không xa đâu Trường Sa ơi”, câu hát như luôn nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam hướng về một phần máu thịt của Tổ quốc. Xa các anh, chúng tôi, nguyện sẽ phấn đấu công tác, học tập tốt hơn nữa để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Bài và ảnh: ĐOÀN PHÚC THỊNH - Vụ Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/228838/Default.aspx