Xô bồ trong lễ hội văn hóa đầu năm mới: Sự xuống cấp của các giá trị đạo đức?

(NB&CL) - Câu chuyện về những xô bồ trong lễ hội văn hóa đầu năm mới còn đang nóng hổi, khi những người có trách nhiệm đang đau đầu đi tìm hướng giải quyết cho những hành vi phản văn hóa, phản tín ngưỡng ngày một dày thêm theo cấp số nhân thì lại có thêm những hình ảnh gây sốc, như kiệu bay đâm vỡ kính xe ô tô và biển người ngồi trước cổng chùa dâng sao giải hạn.

“Cướp lộc hoa tre” trong lễ hội đền Gióng

Lòng tham và cuồng vọng cá nhân vào lễ hội

Vụ tranh cướp “lộc hoa tre” đầy bạo lực trong lễ hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) khiến dư luận xôn xao vẫn còn chưa kịp lắng thì xã hội lại một phen bức xúc khi xem clip ghi lại hình ảnh chiếc kiệu được cho là rước Thánh đâm nát kính ô tô của một phụ nữ, mặc cho người này quỳ lạy liên hồi. Xem clip, người ta thấy những phu kiệu của làng, toàn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, đang khiêng một cái kiệu. Nghe một tiếng còi, họ chạy từ xa lấy đà, rồi dùng sức mạnh lao kiệu vào kính sau của một chiếc ô tô, khiến kính vỡ tan tành, trong tiếng cười, tiếng reo hò cổ vũ của không ít người. Điều lạ lùng là lời lý giải đó của họ được khá nhiều người dự hội tin theo. Một sự lý giải thật quái đản. Chiếc xe là tài sản của một người cụ thể, đâu phải “lộc” mà tranh cướp? Xem clip, thấy họ chẳng bị chi phối bởi một vị thánh thần nào cả, mà bị chi phối bởi một hiệu còi. Thần thánh nào lại nghe theo hiệu lệnh bằng tiếng còi của một người trần gian? Vả lại thần thánh đâu có thù ghét gì chủ xe mà điều khiển đám thanh niên đang khiêng mình kia phải lao kiệu vào xe? Rõ ràng đây là hành vi lợi dụng lễ hội, lợi dụng một hành vi văn hóa (khiêng kiệu trong lễ hội) để thực hiện một hành vi vô văn hóa, một hành vi vi phạm pháp luật, mà vi phạm pháp luật một cách có tổ chức (dùng còi điều khiển) của một nhóm người trong lễ hội, sau đó đổ lỗi cho thần thánh để phủi tay trước hậu quả do hành vi của mình gây ra. Với việc “cướp lộc hoa tre” trong lễ hội đền Gióng, Ban tổ chức và UBND huyện Sóc Sơn còn có chỗ để thanh minh, rằng việc “cướp” đó là một tập tục có từ hàng trăm năm nay của lễ hội. Nhưng với việc lao kiệu vào kính sau của chiếc ô tô này, thì dù có thanh minh cách nào, Ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương cũng không thể phủ nhận: Hành vi của những người khiêng kiệu đã cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự.

Đằng sau lễ hội là gì? Lẽ ra phải là niềm vui, sự thỏa mãn đời sống tinh thần. Không ai lại đi tổ chức lễ hội để rồi rước về những bất hạnh, đau đớn, buồn tủi, mất mát cả. Lễ phải trọng, hội phải vui, ngày xưa đã thế, nay vẫn phải thế.

Là gì nữa? Mở rộng ra, đào sâu hơn, đó là hình ảnh của một nền văn hóa, vẻ đẹp của một dân tộc, dấu ấn của một quốc gia. Trên thế giới, nhiều khi người ta biết đến, nhắc đến nước này nước khác bằng lễ hội, thông qua lễ hội, như lễ hội Carnival ở Brazil chẳng hạn.

Mùa xuân, tháng giêng, xứ ta nhiều lễ hội. Trong số gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ khác nhau trên khắp vùng miền cả nước kể từ đầu năm đến cuối năm thì hầu hết dồn vào tháng giêng. Tháng giêng là tháng ăn chơi, cũng chả trách được. Nhiều lễ hội đáng lý ra phải nhiều niềm vui. Nhưng “vui là vui gượng kẻo mà” bởi một thực tế buồn rõ rành rành: lễ hội ngày càng nhiều thì sự xuống cấp càng ghê gớm. Đông người thì phát sinh chuyện này chuyện nọ, đó là điều không tránh khỏi. Nhưng đi liền với lễ hội là bạo lực, chen chúc tranh giành, hung hăng cướp giật, đổ máu thương tích.Ở cái nơi lẽ ra có nhiều văn hóa nhất thì lại xảy ra vô vàn hành vi, biểu hiện vô văn hóa. Đánh nhau, cướp giật, hành động côn đồ, phỉ báng tiền nhân thần thánh, trắng trợn bộc lộ những thỏa mãn tầm thường, hiếu sát... làm sao gọi là văn hóa được.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hơn 6.200 người bị thương phải nhập viện do đánh nhau trong mấy ngày tết vừa qua trên cả nước, trong đó 3 ngày từ 28 - 30 tết gồm 700 ca, tiếp đến ngày mùng 2 và 3 tết vọt lên có hơn 930 ca, tổng cộng đã có 15 người chết trong 4 ngày đầu xuân, liệu những con số ấy đủ để chúng ta giật mình chưa. Tôi xin nói thẳng, chưa có tết nào lại buồn như thế, gây lo ngại như thế. Cứ theo đà này rồi có ngày tỷ lệ tử vong trong lễ hội, trong ngày tết sẽ cao chẳng kém gì tai nạn giao thông. Lúc ấy kỷ lục tổ chức Guinness họ ghi nhận, muốn can lại, phỏng có được chăng? Nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại trước mối nguy không xa ấy. Họ chỉ ra nhiều nguyên nhân, nhiều lý do, nào là do giáo dục trong nhà trường, nào là vai trò của các tổ chức đoàn thể, nào là rượu bia... Nguy nhất là cái ác không nằm ngoài vùng phủ sóng đạo đức nữa, nó đã xâm nhập mạnh mẽ, tiềm ẩn ngày càng nhiều, càng dai, càng chắc trong từng tế bào, giọt máu con người lúc này. Không phải là một bộ phận không nhỏ mà là một phần quá lớn trong dân chúng đang bị cái ác tấn công dưới đủ hình thức và họ không đủ khả năng miễn nhiễm, chống chọi.

Rước kiệu "bay" đâm vỡ kính ô tô?

Trách nhiệm của quản lý văn hóa và chính quyền

Cộng hưởng với các tiêu cực nêu trên từ ý thức người dự hội còn có phần lỗi trách nhiệm không nhỏ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền các cấp ở địa phương. Dư luận hằng năm đều bức xúc với các tiêu cực tồn tại những năm qua ở các lễ hội lớn, dài ngày, nhưng dường như việc giải quyết vẫn không mấy tiến triển. Phải nói thẳng, để diễn ra những tiêu cực, phản cảm ở các lễ hội là do sự buông lỏng, yếu kém không kiên quyết trong công tác quản lý.

Công tác tổ chức quản lý lễ hội cần có sự phân cấp quản lý minh bạch rõ ràng; thống nhất trong xác định chủ thể quản lý, bởi có nơi thì do chính quyền, có nơi lại do ngành văn hóa hoặc ban quản lý di tích, thủ từ... Cơ chế quản lý, quy mô tổ chức cũng phải được xác định thống nhất. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội không những thuộc trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa mà còn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc vận động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị nhân văn của lễ hội đối với cá nhân và cộng đồng. Công tác kiểm tra,xử lý vi phạm cần phải tiến hành một cách thường xuyên, kiên quyết và triệt để, bên cạnh việc sắp xếp, chấn chỉnh lại các hoạt động dịch vụ đã bộc lộ những hạn chế, tiêu cực, nhất là các lễ hội dài ngày. Siết chặt công tác quản lý tài chính và nguồn thu từ lễ hội, khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích. Thiết nghĩ, diện mạo văn hóa của lễ hội chỉ có thể trở nên gần gũi với truyền thống khi người tổ chức, quản lý lễ hội và người tham gia lễ hội thật sự am hiểu về giá trị, ý nghĩa của lễ hội, từ đó điều chỉnh hành vi và có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội.

Cộng đồng là chủ thể của lễ hội, muốn giữ được vai trò đó thì mỗi người tham gia phải có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần làm cho lễ hội phát triển lành mạnh. Thực tế ngày càng cho thấy bên cạnh việc tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội thì việc nâng cao ý thức người tham gia lễ hội là rất quan trọng. Đã có những lễ hội phải huy động hàng trăm người ở đủ các ban, ngành nhưng vẫn quản lý không xuể. Nếu như mỗi người dự lễ hội đều có ý thức đúng đắn, chấp hành mọi quy định thì tình hình chắc chắn đã khác hẳn, sẽ không còn thái độ ứng xử thiếu văn minh và sẽ không còn nạn đốt vàng mã, xả rác bừa bãi. Lễ hội có thể rất đông nhưng nếu mỗi người đều có ý thức thì lễ hội sẽ trở nên văn minh, trật tự và an toàn hơn. Điều này đòi hỏi bên cạnh sự nhắc nhở, tuyên truyền phải có biện pháp xử phạt hành chính kiên quyết và sự tác động của các tuyên truyền viên, tình nguyện viên. Nếu tất cả mọi người đều có ý thức xây dựng nếp sống văn minh nhất định lễ hội sẽ dần dần đi vào nền nếp, khuôn khổ, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Sự nhắc nhở thường xuyên và kiên quyết trong xử lý sẽ tạo nên ý thức và nền nếp của lễ hội. Có như vậy, các hoạt động của lễ hội mới đi vào quy củ, mang lại một không gian văn hóa trong sạch, lành mạnh cho nhân dân và du khách trẩy hội, đồng thời qua đó những tệ nạn sẽ tự khắc triệt tiêu.

Nguyên Huy

Nhận thức rõ giá trị lễ hội để ứng xử cho đúng!

Lễ hội là một phần của đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Sẽ buồn biết bao nếu thiếu cái cảm xúc đầu năm đi chợ Viềng cầu may, hay hồi hộp chờ đền Trần làm lễ Khai ấn. Cái gì chưa ổn thì chấn chỉnh, cái gì chưa hợp lý thì sửa sang chứ không thể dễ dàng vứt bỏ những nét văn hóa cộng đồng quý giá.

Lật tìm lại những nguyên nhân khiến lễ hội văn hóa ngày càng loạn thì có muôn vàn câu trả lời, nào phục dựng quá nhiều để giờ đây “khủng hoảng thừa”, nào văn hóa đạo đức cùng xuống cấp, đồng tiền trở thành thước đo chuẩn mực mới của xã hội dẫn đến nhân - nghĩa - lễ - trí - tín bị coi nhẹ. Trẻ không kính già, trò không trọng thầy... Thế nhưng, tròn 100 năm trước, năm 1915, học giả Phan Kế Bính khi viết cuốn “Việt Nam phong tục” đã nói sâu, nói kỹ về đời sống tinh thần của người Việt, đọc mà giật mình bởi: “Tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng, lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, tục dở...”. Thế mới biết, cái tục dở kia, dù đã được nhận diện vẫn cứ theo lề lối mà tồn tại, còn con người hôm nay thì cực đoan khăng khăng thuận theo “chủ thể sáng tạo”, dù cho nó có là hành vi phản văn hóa, hễ đi hội là cướp: cướp lộc, cướp ấn, cướp lương, trèo cả lên ban thờ để cướp, cả vung gậy phang nhau giữa sân đền, chen lấn xô đẩy đến ngất xỉu... cũng chỉ để cướp, để đoạt.

Quả thực nhiều lễ hội đang để lại ấn tượng xấu vì cung cách tổ chức quá kém cỏi. Sự thương mại hóa làm thiên lệch các giá trị gây phiền toái cho người tham dự. Thế nhưng, sự phê phán thái quá cũng còn nhiều điều cần nói lại. Những căn bệnh đó không phải từ lễ hội, hay từ bản chất lễ hội để đến mức người ta đòi xóa bỏ nó. Sâu xa hơn, nó xuất phát từ tâm tính thích đua chen của không ít người Việt, từ cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện (chỉ một phiên chợ, một đêm phát ấn, hà cớ gì phải đầu tư xây sửa, mà xây sửa cỡ nào cho đủ nhu cầu đột biến đó).

Bên cạnh đó, năng lực tổ chức, tư duy quản lý và dự báo của các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương cũng chưa đủ sức đưa ra giải pháp thực tiễn kịp thời, nên càng góp phần làm cho sự hỗn loạn thêm trầm trọng. Phải tách bạch nguyên nhân này, trả lại cho lễ hội ý nghĩa vốn có của nó, sự cần thiết của nó trong đời sống văn hóa và tâm linh cộng đồng, từ đó có giải pháp tổ chức tốt hơn, vui hơn, lành mạnh và an toàn hơn.

Trong sự phát triển của văn hóa, của nhu cầu tâm linh con người, mà phê phán việc “bịa ra” các nghi thức phát lương hay khai ấn cũng cần một thái độ khách quan, khoa học, am hiểu cả cái hay lẫn cái dở của sự kiện này. Quản lý văn hóa, trong đó có lễ hội cần có kiến thức chuyên môn, và cái nhìn tỉnh táo, tránh cực đoan, lúc định kiến hẹp hòi, khi thả nổi buông xuôi, mặc cho hiện tượng tín ngưỡng chen lẫn mê tín lan tràn.

Suy cho cùng, giữ cho được cảm xúc “cầu được ước thấy”, mơ một năm may mắn cũng là góp phần giữ cái hồn người Việt, cái văn hóa của một dân tộc muốn xây đắp ngày mai tốt đẹp hơn, bất chấp thử thách của thời cuộc, của thế gian biến cải.

K.AN

Để văn hóa lễ hội trở nên văn minh đòi hỏi có sự vận động của cả xã hội!

Khi mùa lễ hội vừa mới bắt đầu thì dư luận đã liên tục tranh cãi về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), cảnh “ẩu đả” cướp lộc tại Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), hay chen nhau cướp “chiếu thiêng” tại lễ hội “đúc Bụt” (Vĩnh Phúc)... Hình ảnh lễ hội đầu xuân dần trở nên không đẹp mắt và bị nhìn nhận một cách sai lệch. “Trò chơi cướp cờ đâu làm bị thương đối thủ. Nhưng giờ người ta sẵn sàng vật lộn, cướp giật với nhau để kiếm một cái lộc...sẵn sàng làm người khác bị thương và mình gặt hái”, Chuyên gia tâm lý, PGS-TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã đưa ra những quan điểm thẳng thắn xung quanh vấn đề văn hóa cúng lễ và lễ hội.

Ngày xưa, bản thân chữ “cướp” là “giành lấy cho mình”. Nó thể hiện tính năng động, tính chủ động nhất định nào đó trong một kỳ dịp, một lễ hội. Nó thể hiện sự cạnh tranh, sự thi đua để thể hiện năng lực cá nhân của mình và nó có tính tích cực trong văn hóa ứng xử, văn hóa tâm linh.

Những tập tục “cướp” này được diễn ra trong một bình minh lịch sử của chúng ta khi đất chắc chắn không rộng, người chắc chắn không đông, nếu không muốn gọi là thưa, thì nó thanh bình, nhàn tản. Nên nhớ rằng những tập tục này diễn ra như một nghi thức văn hóa, một sự thỏa mãn nhiều hơn.

Lấy ví dụ như vùng Sóc Sơn hay một số vùng ngoại thành Hà Nội còn có tục cướp giò hoa tre... họ có thể vật lộn nhau, thậm chí ngã xuống ao để lấy, nhưng không theo nghĩa trục lợi, thực dụng, hay làm đau người khác.

Tuy nhiên, chuyện “cướp” bây giờ có thể nói là đúng theo kiểu “cướp giật”, bằng mọi cách để đạt tới, thậm chí làm mọi người bị thương. Nếu ai đó khắt khe có thể nói đó là sự xuống cấp của đạo đức trong việc tranh giành “sự quan tâm” của các đấng siêu nhiên, của các thế lực thần bí, cũng như của “thế giới ảo”.

Con người chúng ta “thờ phụng” một cách tuyệt đối chữ “Cướp”, và để nó diễn ra một cách trần trụi theo đúng giá trị từ nguyên nghĩa đen của nó thì là đáng buồn chứ không phải hay ho gì.

Chẳng hạn trò chơi cướp cờ đâu làm bị thương đối thủ. Nhưng giờ người ta sẵn sàng vật lộn cướp giật với nhau để kiếm một cái lộc, một cái miếng gì đó ở trong cộng đồng, trong làng, giữa các ban thờ, các nhà chùa, sẵn sàng làm người khác bị thương và mình gặt hái. Đó là cái khác biệt và cũng là sự méo mó, biến tướng và đẩy tới ý nghĩa tuyệt đối của từ “cướp”.

Chúng ta thấy, có nhiều người đi cầu quan lộc ở khắp nơi... và nó trở thành một thứ văn hóa phổ quát. Và thậm chí chúng ta có thể đặt vấn đề phải chăng có sự suy vi về tâm thế, về mặt tư tưởng, tình cảm của con người, mà đếnmức người ta sợ tất cả mọi thứ?

Còn để làm cho văn hóa tế lễ, văn hóa lễ hội trở nên văn minh hơn đòi hỏi có sự vận động văn hóa của cả một xã hội một cách rộng lớn và là câu chuyện của mỗi nhà, của mỗi nhóm xã hội, và của tất cả mọi nhóm xã hội.

GS NGUYỄN CHÍ BỀN- NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VIỆT NAM:

"Đây là việc làm đáng xấu hổ, phải lên án mạnh mẽ. Tình trạng này nếu cứ tái diễn và ngày càng tệ hại hơn sẽ làm giảm giá trị của tự bản thân lễ hội, đồng thời khiến UNESCO nhìn nhận lại di sản mà họ đã công nhận, có thể dẫn tới tước danh hiệu", Ủy viên hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nói. Việc cướp lễ vật là bình thường “xưa đã có”, nhưng không có tình trạng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, dùng gậy tre đánh người như vừa qua. Nguyên nhân của hiện tượng trên đến từ cả 2 phía: ban tổ chức và người dân tham gia. Việc ban tổ chức trao quyền cho người bảo vệ đám rước được sử dụng gậy gộc trấn áp, đánh lại những đối tượng quá khích dẫn đến bức xúc cho đôi bên. Tại sao ban tổ chức không đổi mới mô hình tổ chức lễ hội là thông báo cho du khách biết đã có đầy đủ lễ vật cho họ mang về nhà làm lộc, để người dân có thể trật tự xếp hàng hoặc lấy lộc một cách văn minh, không cần tranh cướp? Phải thừa nhận rằng nhu cầu tín ngưỡng của người dân hiện nay rất cao, nhưng nếu anh tổ chức tốt, để mọi người yên tâm được thực hiện tín ngưỡng của mình thì sẽ không xảy ra lộn xộn, đánh nhau.

TS DÂN TỘC HỌC TRẦN HỮU SƠN, GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HÓA LÀO CAI:

Tình trạng đánh lộn trong hội Gióng (Sóc Sơn) và một số lễ hội khác như cướp phết ở Vĩnh Phúc, Hiền Quan (Phú Thọ)... là do ban tổ chức làm không tốt trách nhiệm, đồng thời không hiểu rõ ý nghĩa của nghi thức. Cướp bông tre hay cướp phết chỉ là hình thức diễn để chuyển năng lượng thiêng đến cả cộng đồng nên có năm hội phụ nữ, hội người cao tuổi chiến thắng. Cơ chế thị trường ngày nay làm người ta có suy nghĩ lấy được lễ vật về mình là sẽ được lộc cả năm. Do đó, họ ra sức tranh cướp bằng sức mạnh, vũ lực, biến hình thức diễn mang tính biểu tượng văn hóa thành hành vi bạo lực. Vì thế, để giải bài toán đánh nhau tranh cướp lễ vật này, trước hết phải giáo dục chính xác ý nghĩa của các lễ hội để người dân có nhận thức và hành vi đúng khi tham gia. Tiếp đó, phải lựa chọn ban quản lý lễ hội một cách cẩn trọng. Nếu ban tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng lộn xộn, đánh nhau, cần kỷ luật luôn hoặc cấm tổ chức lễ hội trong những năm tiếp theo cho đến khi an ninh được đảm bảo. Công an nên vào cuộc xử lý các đối tượng đánh lộn nhằm răn đe, giáo dục.

GS NGÔ ĐỨC THỊNH, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VIỆT NAM, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA:

Chuyện đánh nhau ở hội Gióng (Sóc Sơn) đã xảy ra khoảng 3-4 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là người ta kiếm cớ trả thù lẫn nhau có chủ ý chứ không phải là hành động tranh cướp lễ vật theo phong tục. Để một phong tục rất đẹp trở thành chuyện bị lợi dụng, xô xát là điều đáng tiếc. Nhưng nếu lãnh đạo chưa hiểu rõ vấn đề và muốn giấu việc xấu đi thì mâu thuẫn sẽ kéo dài và không biết đến khi nào mới được giải quyết.

TS. LÊ THỊ MINH LÝ, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG SI SẢN QUỐC GIA ĐỒNG THỜI LÀ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA (HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM)

Để lễ hội phản ánh đúng bản chất tốt đẹp truyền thống, thì chính quyền địa phương cần đổi mới phương thức tổ chức, lập kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội, lấy yếu tố truyền tải bản sắc văn hóa riêng biệt của từng dân tộc, thực hành trung thực, sinh động phong tục, tập quán cổ truyền nhằm gây ấn tượng cho những người cùng tham gia lễ hội. Để nâng cao chất lượng của việc thực hành các lễ hội thì việc đầu tiên phải hiểu giá trị của lễ hội. Nhiều người đi lễ thậm chí không biết mình lễ gì. Người đi lễ phải hiểu thần tích, không gian văn hóa, đồ thờ tự và kèm theo đó là ứng xử văn hóa phù hợp.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/11/54717/Xo-bo-trong-le-hoi-van-hoa-dau-nam-moi-Su-xuong-cap-cua-cac-gia-tri-dao-duc.html