Xem lại những điều cấm vô lý

- Cần đặt câu hỏi: Đảng quan niệm thế nào về “đơn, thư tố cáo tập thể”, đấy là nguồn thông tin hữu ích để chống tham nhũng, tiêu cực, hay là việc làm xấu xa, cần đả phá?

LTS: Thông qua một chuyện có thật "cười ra nước mắt" xảy ra ở một khu chung cư của Hà Nội, TS Đặng Đức Đạm, nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng kiến nghị Bộ Chính trị cho đánh giá một cách nghiêm túc việc thực hiện Quy định số 115-QĐ/TW ngày 07/12/2007 những năm qua. Theo ông, Quy định này của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm đã hạn chế một số quyền của đảng viên, mà quyền và nghĩa vụ cơ bản của đảng viên phải được quy định trong Điều lệ Đảng, cho nên những nội dung trong Quy định số 115 là những vấn đề thuộc tầm Đại hội. VietNamNet giới thiệu bài viết này như một góc nhìn riêng cần tham khảo. Về nguyên tắc, nếu vì yêu cầu cấp bách, Bộ Chính trị cần đưa ra những quy định hạn chế quyền của đảng viên thì việc đó phải được báo cáo Hội nghị Ban chấp hành Trung ương gần nhất cho ý kiến, và Ban Chấp hành Trung ương phải báo cáo với Đại hội Đảng gần nhất xem xét quyết định. Thực tế thi hành hơn 2 năm qua cho thấy Quy định số 115 bộc lộ nhiều bất hợp lý và gây không ít vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc. Lẫn lộn tư cách đảng viên với tư cách công dân Một là, lẫn lộn tư cách của đảng viên với tư cách của công dân. Là đảng viên trước hết phải là công dân gương mẫu, nhất là trong chấp hành pháp luật; những điều “trái quy định của pháp luật” thì công dân không được làm và đảng viên đương nhiên cũng không được làm. Trong Quy định số 115 có đến 9 chỗ cấm đảng viên làm những việc“trái quy định của pháp luật”; đấy là những việc mà công dân bình thường cũng không được làm, huống chi đảng viên là công dân ưu tú, chả nhẽ còn phải cần có quy định cấm? Quy định như thế không những là thừa, không cần thiết, mà còn có thể dẫn đến những suy luận tai hại theo kiểu: Thế ra những điều “trái quy định của pháp luật” mà không nhắc đến trong Quy định 115 thì đảng viên vẫn được làm chăng? Trong Quy định số 115 còn có 3 điểm cấm đảng viên không được làm những việc “trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Thiết nghĩ, chỉ cần việc đó hoặc là “trái quy định của Đảng”, hoặc là “trái pháp luật của Nhà nước” thôi thì đương nhiên đảng viên đã không được phép làm rồi; huống hồ ở đây vừa “trái quy định của Đảng”, lại vừa “trái pháp luật của Nhà nước” mà vẫn còn phải đưa vào quy định riêng để cấm nữa thì không biết sẽ phải cấm bao nhiêu lần cho đủ? Lẫn lộn đảng viên - công chức Hai là, lẫn lộn tư cách của đảng viên với tư cách của công chức. Khác với công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Cho nên quy định như ở điểm 1 là đảng viên không được “làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm” vừa thừa lại vừa sai. Thừa là vì những điều pháp luật không cho phép công dân làm thì đương nhiên đảng viên cũng không được làm, hà tất còn phải quy định thêm là cấm (như đã đề cập ở trên). Sai là vì những điều mà công chức không được làm chưa chắc đảng viên không phải công chức đã bị cấm. Ví dụ, Luật Cán bộ, công chức năm 2009 quy định tại điều 18 là cán bộ, công chức không được “tham gia đình công”; nhưng đối với đảng viên là người làm công ăn lương trong các doanh nghiệp thì tham gia đình công lại là một quyền bất khả xâm phạm để đấu tranh với “giới chủ” và bảo vệ quyền lợi chính đáng của “giới thợ”, nhất là trong kinh tế thị trường. Ba là, nhiều chỗ quy định không rõ ràng, gây tùy tiện trong áp dụng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đánh giá đảng viên. Đáng chú ý là từ năm 2007 đến nay, trong hướng dẫn kiểm điểm chất lượng đảng viên hàng năm của các cấp ủy Đảng đều có nội dung kiểm điểm việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm, coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng đảng viên. Vì nó quan trọng như vậy, mà lại không được xác định rõ ràng, chính xác, nên trong thực tế dễ dẫn đến (và đã dẫn đến) những “quy chụp” ảnh hưởng đến đánh giá tư cách đảng viên. Ví dụ, điểm 1 của Quy định số 115 cấm đảng viên không được “nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng”. Lẽ ra phải quy định cụ thể là nói trái nhưng với mục đích, động cơ xấu mới cấm; chứ khi góp ý xây dựng để sửa đổi Điều lệ Đảng, sửa đổi Cương lĩnh của Đảng, sửa đổi các quy định (cũ đã lỗi thời) của Đảng chẳng hạn mà cũng cấm “nói trái” thì đảng viên nào còn dám góp ý nữa. Nếu thực hiện một cách nghiêm túc và chính xác quy định này thì những đảng viên nào kiến nghị sửa đổi Điều lệ, Cương lĩnh, quy định của Đảng trong đợt này, đến cuối năm làm kiểm điểm đảng viên chắc chắn sẽ bị coi là vi phạm điểm 1 trong 19 điều không được làm. Hành chính hóa công tác Đảng Bốn là, có những điều cấm vô lý, cần xem lại một cách nghiêm túc. Xin kể một câu chuyện có thật mà “cười ra nước mắt”. Tại một khu chung cư ở Hà Nội, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng nhà. Ở tầng trệt có một hộ kinh doanh ăn uống gây ô nhiễm mà bà con nói mãi không sửa. Chờ họp nhà thì lâu, mấy người rủ nhau viết mấy dòng phản ảnh tình trạng đó với trưởng nhà (đồng thời là bí thư chi bộ), đề nghị trưởng nhà có giải pháp can thiệp. Thế là đến cuộc họp chi bộ, bí thư chính thức tuyên bố rằng trong chi bộ có đảng viên vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, cụ thể là đã “viết, ký tên tập thể vào đơn, thư tố cáo”. Trớ trêu thay, một việc tưởng là được hoan nghênh hóa ra lại bị phê phán. Cứ chiếu theo Quy định số 115 thì đúng là đảng viên đó đã vi phạm quy định “viết, ký tên tập thể vào đơn, thư tố cáo”; nhưng trong trường hợp cụ thể này thì có nên cấm hay cần khuyến khích đảng viên phản ánh với Đảng những vấn đề họ phát hiện? Chẳng lẽ phản ánh bằng miệng thì hoan nghênh, còn phản ánh bằng cách viết (cùng với một số người khác nữa) thì cấm hay sao? Đành rằng về lý thuyết thì đảng viên có kênh sinh hoạt Đảng để phản ánh và tố cáo; nhưng một thực trạng được thừa nhận rộng rãi hiện nay là việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực thông qua tổ chức Đảng là rất hạn chế, thế mà lại buộc đảng viên chỉ được tố cáo theo kênh này thì có hợp lý không? Suy nghĩ sâu hơn, cần đặt ra câu hỏi: Đảng ta quan niệm thế nào về “đơn, thư tố cáo tập thể”, đấy là nguồn thông tin hữu ích để chống tham nhũng, tiêu cực, hay đấy là việc làm xấu xa, cần đả phá? Trả lời được dứt khoát câu hỏi này mới có thể xem xét nên cấm hay không cấm việc đảng viên “viết, ký tên tập thể vào đơn, thư tố cáo”. Có thể thấy, Quy định số 115 là điển hình của tình trạng hành chính hóa công tác Đảng. Để làm được dù một việc thôi trong 19 điều cấm đó, Đảng đã phải sử dụng các công cụ chủ yếu của mình là công tác giáo dục, vận động đảng viên cũng như công tác tổ chức một cách khéo léo và kiên trì thì mới mong đạt được kết quả; huống hồ ở đây muốn thực hiện một lúc bằng ấy điều cấm mà chỉ bằng một văn bản thì thật là ảo tưởng. Vì vậy, xin kiến nghị Bộ Chính trị cho đánh giá một cách nghiêm túc việc thực hiện Quy định số 115 trong những năm qua, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương để Ban Chấp hành Trung ương báo cáo Đại hội XI sắp tới quyết định. Đặng Đức Đạm ,

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201010/Xem-lai-nhung-dieu-cam-vo-ly-943581/