Xây dựng chính quyền đô thị: Nên để các thành phố tự chọn mô hình

Theo dự thảo đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị”, Bộ Nội vụ đưa ra 3 phương án tương ứng với 3 mô hình xây dựng chính quyền đô thị. Góp ý kiến về dự thảo này, nhiều địa phương cho rằng, không nên áp đặt mô hình chính quyền đô thị cho từng đô thị, nên để các thành phố tự lựa chọn mô hình phát triển.

Ba phương án tổ chức mô hình chính quyền đô thị Bộ Nội vụ soạn thảo được trình bày với lãnh đạo các địa phương tại Hội thảo “Về đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị” diễn ra từ ngày 24-25/12 ở TP.HCM.

Các huyện vùng ven sẽ được nhập vào thành phố vệ tinh của TP.HCM - Ảnh IT

Cụ thể, phương án 1, tổ chức chính quyền đô thị gồm hai cấp hoàn chỉnh, có cả HĐND và UBND. Trong đó, khu vực nội thành, nội thị của các đô thị không tổ chức cấp chính quyền ở quận, phường. Khu vực ngoại thành, ngoại thị không tổ chức cấp chính quyền ở huyện, mà chỉ tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh ở xã, thị trấn. Mặt khác, ở quận, huyện, phường cũng không tổ chức UBND mà chỉ tổ chức ban đại diện hành chính.

Trường hợp riêng đối với Hà Nội và TP.HCM, thì xây dựng chính quyền đô thị theo mô hình chùm đô thị, trong đó có đô thị lõi và các đô thị trực thuộc.

Phương án 2, không tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc đô thị. Mỗi đô thị chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc, kể cả nội thành, nội thị và ngoại thành, ngoại thị.

Phương án 3, tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình thị trưởng. Cơ quan hành chính của đô thị là Tòa thị chính, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng. Người đứng đầu là thị trưởng, do dân bầu. Thị trưởng lãnh đạo mọi hoạt động của bộ máy hành chính thành phố và chịu trách nhiệm cá nhân trước người dân.

Theo ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: “Nên xây dựng một số tiêu chí để các thành phố tự đối chiếu mình lọt vào khung tiêu chí thành phố loại nào và từ đó tự thực hiện chính quyền đô thị chứ không nên xây dựng mô hình chính quyền đô thị riêng cho từng thành phố như: Hà Nội, TP.HCM hay Hải Phòng”.

Ngoài ra, ông Trí cũng cho rằng, khi xây dựng đề án chính quyền đô thị, phải xác định đề án có đủ tác động nội hàm vào việc sửa đổi Hiến pháp. Bởi nếu chỉ là đề án thí điểm thì việc thực hiện xây dựng chính quyền đô thị chưa kiên quyết. Phải đưa vào Hiến pháp, có luật định để mỗi thành phố thực hiện một cách triệt để.

Còn theo TS Đặng Quốc Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nên xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ của ba cấp hành chính là: tỉnh, quận - huyện và phường – xã. Rồi từ đó tổ chức bộ máy chính quyền đô thị cho phù hợp với từng địa phương.

“Ta không nên áp dụng một cách máy móc đề án cho cả nước mà áp dụng dành cho một số đô thị đã có hệ thống, bộ máy hoàn chỉnh như TP.HCM và Đà Nẵng”, ông Tiến nói.

Ông Tiến còn đề xuất, TP.HCM nên thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo phương án 3, để đến năm 2020 có thể triển khai mô hình này trên cả nước trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ TP.HCM.

Về việc xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM, ông Trí cho biết, phương hướng của TP.HCM là phát triển theo một chuỗi các đô thị. Gồm có 4 đô thị vệ tinh theo 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, nằm trong một thành phố lớn có trung tâm thành phố.

Theo đó, 13 quận, huyện cũ được giữ lại, trực thuộc thành phố lớn. Các huyện vùng ven như: Bình Chánh, Nhà Bè… sẽ được nhập vào thành phố vệ tinh.

Mỗi thành phố vệ tinh tự tổ chức HĐND và UBND riêng. Sẽ giảm bớt phần can thiệp của các sở ngành ở trên xuống đối với 4 thành phố này. Các sở vụ chuyển về 4 thành phố để chủ động giải quyết các thủ tục hành chính.

Duy Nguyên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Thoi-su/Xay-dung-chinh-quyen-do-thi-Nen-de-cac-thanh-pho-tu-chon-mo-hinh/47664.info