Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân

ND - Khi mới thành lập (2-1930), Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc "Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập", thiết lập chính quyền công nông "để đi tới xã hội cộng sản". Mục tiêu giành độc lập dân tộc và giành chính quyền về tay nhân dân thống nhất với nhau trong sự nghiệp cách mạng giải phóng giai cấp và dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Trải qua 15 năm đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Một Nhà nước cách mạng kiểu mới đã ra đời ở Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là người sáng lập Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, đã nêu rõ mục đích và bản chất của Nhà nước Việt Nam mới không phải là cơ quan cai trị dân, mà là để phục vụ nhân dân. Chúng ta phải hiểu rằng, "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân". Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Những năm tháng đầu tiên chính quyền Nhà nước đã tổ chức lực lượng toàn dân tham gia sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chế độ mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống mới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa lớn lao của thành quả giành độc lập, giành chính quyền, nhưng "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Người cũng đã sớm đề ra những chủ trương để loại trừ những thói xấu, sự hư hỏng của một số cán bộ trong bộ máy chính quyền như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, vác mặt làm quan cách mạng làm cho dân khinh, dân ghét. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức, động viên sức mạnh toàn dân tộc, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền bắc và đưa miền bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội với những thành quả to lớn, tỏ rõ sức mạnh của chế độ và Nhà nước xã hội chủ nghĩa hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của hậu phương lớn miền bắc đối với tiền tuyến lớn miền nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với xây dựng, củng cố Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, Đảng lãnh đạo xây dựng Mặt trận Dân tộc Giải phóng và chính quyền cách mạng ở vùng giải phóng miền nam, xây dựng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, góp phần xứng đáng đưa cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đến toàn thắng. Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động, quản lý của Nhà nước phù hợp cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý mới, quán triệt bài học lấy dân làm gốc. Gần 25 năm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Nhà nước đã được xây dựng và củng cố vững mạnh gắn với xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị. Ngày càng làm rõ và thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội, xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, chăm lo cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và đẩy mạnh quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế; không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thành quả lớn và có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc đổi mới là Nhà nước đã chăm lo quản lý và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (1996), vượt qua khủng hoảng tài chính, kinh tế ở khu vực (1997-1998) và đang thành công trong khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Cuộc sống đã khẳng định vai trò to lớn của Nhà nước Việt Nam trong quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, Nhà nước chú trọng thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu được thực hiện trong hai năm vừa qua chứng tỏ tính ưu việt của Nhà nước ta. Chúng ta đã giảm tỷ lệ hộ đói nghèo năm 1993 là 58% xuống còn 12,3% năm 2009. Nhà nước thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 từ năm 1998, hỗ trợ hơn 1.700 xã nghèo xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Từ năm 2004, thực hiện Chương trình 134 hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo về đất canh tác, đất và nhà ở, nước sạch. Hiện nay đang thực hiện chương trình 30a xóa nghèo bền vững cho 62 huyện nghèo nhất. Liên Hợp quốc và các nước đánh giá Việt Nam là một nước xóa đói, giảm nghèo thành công, thực hiện tốt 8 mục tiêu thiên niên kỷ Liên Hợp quốc đề ra năm 2000. Các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng nhận định rằng: Chỉ có chính quyền của dân, do dân, vì dân mới có thể xóa đói, giảm nghèo thành công như Việt Nam. Cũng cần thấy rằng, trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, Nhà nước ta đã tỏ rõ bản lĩnh, năng lực tổ chức, quản lý năng động, linh hoạt nên đã giữ được tăng trưởng khá trong khi nhiều nước và nền kinh tế đang còn suy giảm; ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống các tầng lớp nhân dân. Các chính sách xã hội, cứu trợ xã hội được thực hiện tốt hơn. Chính quyền các cấp phối hợp các tổ chức mặt trận, đoàn thể trong hệ thống chính trị hướng dẫn nhân dân, nhất là các hộ, các vùng, địa phương nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước tự vươn lên để thoát nghèo. Cứu trợ, hỗ trợ chứ không phải ban phát, làm sao để những người nghèo, hộ nghèo không thụ động, ỷ lại mà phải biết chủ động phát triển kinh tế để thoát nghèo. Biết động viên sức dân để làm lợi cho dân như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở những thành tựu về xây dựng Nhà nước và những gì Nhà nước đã làm được và chưa làm được suốt 65 năm qua, Nhà nước còn phải tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện để thật sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện dân chủ từ cơ sở, mọi công việc, chính quyền cần bàn bạc với dân phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, sáng kiến của nhân dân. Đổi mới thể chế bầu cử để nhân dân bầu ra những đại biểu của mình thật sự có đức, có tài, thật sự vì dân, vì quê hương, đất nước. Chính quyền phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Chính sách, chủ trương, biện pháp nào mà dân cho là không đúng, không phù hợp thì cùng với nhân dân thảo luận để sửa đổi. Đương nhiên, dân chủ phải gắn liền với kỷ cương, kỷ luật, pháp luật, với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước, chức năng, nhiệm vụ và đội ngũ công chức. Pháp luật là thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương Nghị quyết của Đảng, đồng thời thể hiện ý chí, lợi ích và quyền lực của nhân dân. Quốc hội là do dân bầu ra, phải thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề lớn của đất nước và giám sát tối cao, vì cuộc sống của nhân dân. Chính phủ và chính quyền các cấp hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp, đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia bao gồm thể chế hành chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức và tài chính công. Chú trọng xây dựng bộ máy tư pháp và cải cách tư pháp. Nắm vững quan điểm của Đảng: quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước vững mạnh, đồng thời kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác. Nhà nước chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm lực lượng nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới; bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định và phá hoại sự nghiệp xây dựng đất nước và cuộc sống của nhân dân. Nhà nước tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống nhân dân. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã có chương trình và tổ chức các chiến dịch diệt "giặc đói", "giặc dốt". Dù phải trải qua kháng chiến lâu dài, Nhà nước đã nỗ lực phấn đấu để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Trong công cuộc đổi mới, Nhà nước đã đặc biệt coi trọng việc không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Đến năm 2009, hơn 94% số người Việt Nam biết chữ và cũng tỷ lệ như vậy những người trong độ tuổi đi học được đến trường học; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 72,8 tuổi. Chất lượng cuộc sống của nhân dân chính là một thước đo hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân. PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=166657&sub=130&top=37