Xác định đúng vai trò, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận

QĐND - Trong quá trình đấu tranh cách mạng, lý luận có vai trò hết sức quan trọng. V.I Lê-nin từng khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng” và “chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói, bài viết sâu sắc, khẳng định vai trò rất quan trọng của “lý luận chân chính”, nhất là trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” và “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.

Nhận rõ tầm quan trọng của công tác lý luận, trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội, các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta đã thường xuyên đánh giá những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của công tác nghiên cứu lý luận, đồng thời xác định rõ phương hướng của công tác nghiên cứu lý luận trong thời gian tiếp theo.

1. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh vai trò của công tác nghiên cứu lý luận. Trong Đề mục XV-về xây dựng Đảng, Dự thảo Báo cáo Chính trị đánh giá: “Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng cao”. “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được đẩy mạnh hơn. Trong nhiệm kỳ đã tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992; tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới và tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII về công tác lý luận”. Những thành tựu đạt được của công tác nghiên cứu lý luận đã góp phần quan trọng vào “những thành quả quan trọng” của 5 năm qua và “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” của 30 năm đổi mới như Đảng ta đã đánh giá trong Dự thảo Báo cáo Chính trị.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của công tác nghiên cứu lý luận. Trong phần “Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016), dự thảo đã chỉ rõ: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa giải đáp được kịp thời một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới” và “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ”. Trong phần đánh giá chung về công tác xây dựng Đảng 5 năm qua, Dự thảo Báo cáo Chính trị đã thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới”.

Như vậy, có thể thấy, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, Đảng ta rất quan tâm đến công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, khẳng định vai trò quan trọng của công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trong việc góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một trong những bài học quan trọng được rút ra qua 30 năm đổi mới đất nước, như Dự thảo Báo cáo Chính trị đã khái quát là: “… coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra”.

2. Về phương hướng, nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận trong thời gian tới, Dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Qua nghiên cứu Dự thảo văn kiện, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và thực tiễn” vào sau cụm từ “lý luận”; bổ sung thêm cụm từ “bổ sung” sau cụm từ “hoạch định”, bổ sung thêm cụm từ “hoàn thiện” sau cụm từ “phát triển”. Theo đó, đề nghị diễn đạt lại mệnh đề trên như sau: “Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định, bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Việc bổ sung thêm cụm từ “và thực tiễn” để khẳng định rõ hơn những cơ sở khoa học cả lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc bổ sung thêm các cụm từ “bổ sung”, “hoàn thiện” sẽ diễn đạt đầy đủ hơn trong quá trình xác định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật là một quá trình vừa hoạch định, phát triển, vừa bổ sung, hoàn thiện.

3. Để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận trong thời gian tới, Dự thảo Báo cáo Chính trị đã xác định: “Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng; đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là những chuyên gia đầu ngành, nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới”.

Theo tôi, cần diễn đạt rõ hơn mệnh đề này để xác định rõ đâu là yêu cầu, đâu là giải pháp. Theo đó, nên chuyển cụm từ “nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới” lên sau cụm từ “Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận”. Như vậy, về phương hướng, nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận trong thời gian tới sẽ được diễn đạt đầy đủ như sau: “Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định, bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng; đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là những chuyên gia đầu ngành”.

Về các giải pháp đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, ngoài những giải pháp đã đề cập trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, tôi đề nghị bổ sung thêm một số giải pháp cụ thể như sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác nghiên cứu lý luận. Củng cố, kiện toàn và quan tâm thỏa đáng đến các cơ quan nghiên cứu lý luận. Bồi dưỡng và phát triển lực lượng làm công tác nghiên cứu lý luận. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng các chuyên gia đầu ngành, có chính sách hợp lý để trọng dụng nhân tài. Đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu lý luận, chú trọng nghiên cứu những nội dung cấp thiết do thực tiễn đặt ra. Xây dựng và thực hiện quy chế vận dụng, ứng dụng kết quả nghiên cứu lý luận vào thực tiễn. Đẩy mạnh công tác tổng kết lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Chủ động và tích cực đấu tranh trên mặt trận lý luận, bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chinh-tri/xac-dinh-dung-vai-tro-day-manh-cong-tac-nghien-cuu-ly-luan/382227.html