Vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ

Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, ngược lại văn hóa góp phần xây đắp, bồi dưỡng nên nhân cách, lối sống của con người.

Xin chữ đầu xuân - nét văn hóa truyền thống của người Việt. Ảnh: Giang Nam

Phát triển con người toàn diện về tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, đạo đức, nhân cách, lối sống với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo... đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững đất nước vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ.

Lan tỏa tinh thần nhân văn

Với vị thế là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội coi việc triển khai thực hiện Chương trình 04 về "Phát triển văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" là một trong những giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa và con người Hà Nội được tạo dựng, bồi đắp qua hàng nghìn năm. Đến với khu phố cổ Hà Nội, mọi người đều có thể nhận thấy chuyện cãi vã, nói thách vốn tồn tại phổ biến trong những năm trước, đến nay gần như không còn.

Thay vào đó là nụ cười của người bán hàng làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi; là hình ảnh người dân ra đường tổng vệ sinh khu phố, bóc xóa quảng cáo rao vặt không đúng quy định vào những ngày cuối tuần... Rồi những cán bộ tổ dân phố ở quận Tây Hồ hết lòng vì việc chung, rồi những gia đình tam tứ đại đồng đường sống có trước, có sau, có trên, có dưới, những gương người tốt… được cộng đồng ghi nhận là những tấm gương để con cháu noi theo. Và có thể nhận định, đa phần cán bộ, đảng viên của Hà Nội đã gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, góp phần đưa việc cưới, việc tang trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp.

Tương tự, việc "Xây dựng văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ không chỉ góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, mà còn đưa TP Huế trở thành "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố môi trường bền vững của ASEAN", trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất khu vực" - ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL Thừa Thiên Huế chia sẻ. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiệm vụ xây dựng con người văn hóa được lồng ghép qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các phong trào thi đua… Mỗi nơi, mỗi cách làm lan tỏa những giá trị nhân văn trong lòng xã hội.

Với tấm lòng nhân ái, nghĩa tình, nhiều năm qua, những hoạt động tương thân, tương ái xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là những chuyến hàng từ thiện của các tổ chức, cá nhân từ miền xuôi gửi lên ủng hộ đồng bào miền núi còn khó khăn; là những đợt quyên góp ủng hộ người nghèo, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt... Qua các phương tiện thông tin, hằng ngày, hằng giờ chúng ta nhận thấy rõ hơn những tấm gương quả cảm, những con người biết vượt lên số phận, truyền cảm hứng sống và làm việc cho cộng đồng.

Thể hiện trách nhiệm công dân, nhiều tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các công trình di tích; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Khi Tổ quốc cần, nhiều thanh niên đã viết đơn xin đi bộ đội… Đó là những bằng chứng chân thật, sinh động khẳng định giá trị người Việt Nam tinh thần Việt Nam đã và đang được phát huy trong thời kỳ mới.

Chuẩn mực giá trị văn hóa

Ở góc độ khác, có thể thẳng thắn nhận định rằng: Việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tiến trình đổi mới và hội nhập chưa đạt mục tiêu đề ra. Sau chặng đường dài phát triển, trình độ học vấn với tỷ lệ người biết chữ từ 10 tuổi trở lên đạt hơn 90%, vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Xét chung về chỉ số phát triển giáo dục, thì Việt Nam xếp thứ 64/127 nước được đánh giá. Tương tự, trình độ nguồn nhân lực ở nước ta cũng mới đạt mức trung bình (3,39 điểm so với điểm tối đa là 6,01)… "Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn ở nước ta còn chậm, thấp so với nhu cầu phát triển xã hội; chính sách bồi dưỡng, phát triển nhân tài và nhóm nhân lực trình độ cao chưa nhất quán; yếu tố văn hóa, nhân văn, kỹ năng "mềm" tạo nên sức mạnh tinh thần của nhân lực còn nhiều hạn chế".

Đánh giá về chặng đường 30 năm đổi mới, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận: Lĩnh vực xây dựng con người còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức trong xã hội, đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Hiện tượng phai nhạt lý tưởng; lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm; sự vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong lao động, hoạt động công vụ; sự lệch lạc trong sáng tác, trình diễn, cảm thụ văn học, nghệ thuật... chưa được khắc phục.

Từ sự nhìn nhận đó, Đảng ta tiếp tục coi việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là nhiệm vụ quan trọng trong những năm tiếp theo. Thực hiện nhiệm vụ này, những giải pháp được Đảng đưa ra là "Hoàn thiện chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật…".

Như vậy, có thể thấy rằng, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa mà Đảng và nhân dân ta chung sức thực hiện trong thời kỳ xây dựng, đổi mới đất nước không nhằm ngoài mục đích hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/824630/vua-la-muc-tieu-vua-la-nhiem-vu