Việt Nam nên tận dụng sự lạc hậu về công nghệ để thành công

Khoảng cách lạc hậu về khoa học công nghệ là cơ hội để tạo ra những thành công ấn tượng trong sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Nghèo tức là còn kho kiến thức vàng cần phải học hỏi. Việt Nam đã làm được khá nhiều tuy chưa có đột biến lớn.

Đó là nhận định của PGS -TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore về sự lạc hậu trong công nghệ của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, PGS-TS Khương cũng phân tích về lợi thế lạc hậu và chỉ ra những điểm Việt Nam cần bám sát để nhanh chóng đẩy năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp cao hơn nữa vào nền kinh tế.

Khoa học công nghệ sẽ giúp tăng năng suất lao động.

Kết quả đầu tư cho KHCN

Tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) có thể được coi là một sự cải tiến hiệu quả của công nghệ sản xuất và tiến bộ công nghệ trong tăng trưởng kinh tế.

Theo tính toán của Viện Năng suất Việt Nam và Tổng cục Thống kê, sau một giai đoạn suy giảm, đặc biệt là có giá trị âm vào năm 2010, trong suốt giai đoạn 5 năm 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt mức trung bình là 28,04% và có xu hướng tăng đều qua các năm, năm sau cao hơn năm trước.

Riêng năm 2015, TFP ước tính đóng góp tới 39,92% tăng trưởng GDP, tức là gần 2/5 mức tăng của GDP.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, TFP và năng suất lao động là 2 chỉ tiêu quan trọng đối với nền kinh tế, trong đó KH&CN có tác động chủ đạo đối với tăng trưởng các yếu tố này.

Ở cấp độ nền kinh tế, TFP được đánh giá dựa trên hai chỉ số chính là tốc độ tăng TFP và tỉ trọng đóng góp của tốc độ tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế.

Ông Tuấn nhìn nhận: Con số đóng góp của TFP vào GDP cho thấy KH&CN đã góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Xu hướng gia tăng đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng GDP 5 năm qua là kết quả của những đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN trước đây, đặc biệt là nhờ những đổi mới cơ chế quản lý KH&CN trong những năm gần đây đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi và các biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đầu tư nước ngoài gia tăng trong lĩnh vực công nghệ cao.

Phải chớp thời cơ

Theo bà Roslina Md Isa - Giám đốc Ban Năng suất và Cạnh tranh, Cơ quan Năng suất Malaysia chia sẻ, lộ trình của Malaysia mất 20 năm từ giai đoạn thúc đẩy đầu tư hiệu quả lên giai đoạn kinh tế sáng tạo.

Cái yếu của Malaysia là ý thức đầu tư vào khoa học công nghệ và Hàn Quốc đi vượt bậc. Theo đó, hiện nay Malaysia chú trọng vào lõi sản phẩm. Thực tế khảo sát của nước này cho thấy, 60 – 70% doanh nghiệp Malaysia coi đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là thiết yếu cho sản xuất.

“Kế hoạch 2016 – 2020 của Malaysia trong 5 năm tới rất tham vọng và rõ ràng, Việt Nam có thể tham khảo. Trong kế hoạch này nhấn mạnh các mặt ai chịu trách nhiệm, ai kiểm soát, giám sát… thay đổi rất căn bản so với phương pháp cũ. Tất cả thành hệ thống chiến lược có tính chất quốc gia.

Trước đây người chịu trách nhiệm là người đứng đầu Chính phủ, giờ giao cho những người đứng đầu từng ngành và chú trọng vào từng lĩnh vực, ngoài dịch vụ, nông nghiệp, còn có cả xây dựng, khác với trước đây chỉ chú trọng vào sáng tạo.

Malaysia trong chiến lược thúc đẩy năng suất thời gian tới làm việc với nhiều cơ quan khác nhau trong một ràng buộc hợp đồng chặt chẽ. Khu vực kinh tế tư nhân có quan hệ chặt chẽ với giới nghiên cứu và các trường đại học. Công nghệ của các trường đại học cần gắn với thực tế, thương mại hóa được thành sản phẩm bán được trên thị trường.

PGS-TS Vũ Minh Khương cũng góp ý, trong xác định các đóng góp của TFP vào nền kinh tế Việt Nam, nên theo nguyên lý “Lợi thế lạc hậu” (Gerschenkron, 1962). Với nguyên lý này, các nước đi sau có thể khai thác khoảng cách công nghệ của mình so với thế giới để đẩy nhanh công cuộc bắt kịp.

Khoảng cách lạc hậu về khoa học công nghệ càng xa Việt Nam càng có cơ hội tạo ra được những thành công ấn tượng. Trong những năm qua, Việt Nam đã làm được khá nhiều tuy chưa có đột biến lớn”, PGS - TS Vũ Minh Khương nhận định.

TS Vũ Minh Khương dẫn ví dụ từ hãng Kodak. Trong khi Kodak còn lưỡng lự giữa việc bỏ công nghệ phim bước vào công nghệ số, thì những hãng máy ảnh mới từ không có gì đã nhanh chân “nhảy” luôn vào công nghệ số và họ thành công, còn Kodak do không kịp thời nên thất bại.

Theo đó, TS Khương gợi ý, Việt Nam có lợi thế đi sau nên chú trọng đầu tư sâu về KH&CN. Tuy nhiên, cần chú ý phải có tầm nhìn dài hạn, ví dụ 30 năm tới, KH&CN đi đến đâu, cần đạt mức trung bình tối thiểu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về công nghệ. Thúc đẩy hợp tác R&D trong tất cả các lĩnh vực.

Hải Lâm

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/viet-nam-nen-tan-dung-su-lac-hau-ve-cong-nghe-de-thanh-cong-c7a385060.html