Việc hai nhà báo bị hành hung tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang: Đợi câu trả lời từ lãnh đạo tỉnh Hưng Yên

Ngót nửa tháng kể từ khi xảy ra việc hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị hành hung tại buổi cưỡng chế thu hồi 5,8 ha đất của 166 hộ dân tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên giờ mới chính thức được công bố.

Vậy, nguyên nhân nào khiến vụ việc nóng bỏng như vậy lại chậm công bố? Thông tin này có đúng như báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên với Thủ tướng Chính phủ trước đó hay không? Việc hai nhà báo xác nhận bị hành hung tựa câu trả lời xác đáng vì sao người dân hoài nghi cả phát ngôn và hành xử của chính quyền tỉnh này…

Chưa hết bàng hoàng, nhà báo Hán Phi Long cho biết: Nhận sự điều động của cấp trên, anh và nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng Phóng viên Thời sự chính trị - Kinh tế về xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nắm tình hình vụ cưỡng chế thu hồi đất của 166 hộ dân. Chúng tôi về tới hiện trường khoảng 9 giờ, là thời điểm cao trào của vụ cưỡng chế. Vòng qua các đường chính, thấy rất đông người dân và lực lượng cưỡng chế đang trấn nhiều ngả đường, liền cất xe mô-tô vào một ngõ nhỏ rồi ra con đường cuối thôn đứng quan sát.

Lúc đó, một bên là “hàng rào” của lực lượng cưỡng chế ngăn không cho người dân tiến ra đồng, một bên là người dân hướng ra cánh đồng ngập ngừng nửa lùi, nửa tiến. Thấy vậy, tôi lấy máy ảnh ra đứng trên tường bao sân của một công trình đang xây dựng (được biết là Nhà văn hóa) định chụp một số kiểu làm tư liệu. Rất nhanh, một nhóm cảnh sát từ nghĩa trang liệt sĩ trèo tường tiến về phía tôi. Một người trong số họ chửi: “ĐM, thằng kia là thằng nào mà vào đây chụp ảnh?”. Cảm thấy sự nguy hiểm với mình, tôi đáp to hai lần: “Tôi là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam”. Chừng như câu hỏi không cần sự trả lời, nhóm người này xốc nách tôi kéo sát vào chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Nhìn thái độ và ánh mắt của họ, tôi thật sự lo lắng nên nói to hơn: “Tôi là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có gì các anh để tôi giải thích, sao lại lôi tôi?”. Sự kêu cứu của tôi không làm giảm sự hung hãn của những người này. Mấy công an viên và một số người mặc thường phục lao vào đấm đá tôi và chửi tục: “ĐM mày, giải thích con mẹ mày à? Đấm chết con mẹ mày đi!”... Một người giật máy ảnh tôi đang cầm. Rất nhiều công an và người mặc thường phục dùng dùi cui đánh, đấm, đạp vào mặt, vào người tôi. Người đau, máu chảy xuôi trên áo, tôi choáng váng, chỉ kịp nghe lời hô hoán của cụ già đứng gần đó “Sao đánh người vô cớ thế, đánh chết người ta à!”. Thấy vậy, anh Năm chạy lại phía tôi, hô hoán: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo, không được đánh…”. Nhưng mọi lời nói đều vô ích.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (trái) và Nhà báo Hán Phi Long.

Thấy tôi gục xuống mép tường rào, nhóm người này bỏ mặc tôi lao về phía anh Năm. Trong lúc hỗn loạn đó, tôi được một cụ già chỉ dẫn vào trạm xá xã sơ cứu, lau rửa vết rách trên môi. Ít phút sau, gọi điện cho anh Năm không được, tôi lo cho anh quá liền lao ra chỗ nhóm công an viên và cảnh sát cơ động đang đứng. Không thấy anh Năm đâu, tôi gặp người đeo quân hàm Thượng tá, trình Thẻ Nhà báo và hỏi: “Chúng tôi là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về đây nắm tình hình, vừa bị công an đánh, giờ không biết đồng chí Ngọc Năm, Trưởng phòng của tôi đâu. Anh có thể liên hệ ra phía ngoài hỏi giúp”. Thái độ lạnh tanh, viên Thượng tá đáp: “Đang thế này thì chịu, không giải quyết gì cả”.

Khá lâu sau, tôi mới gọi điện được cho anh Năm. Chưa trả lời câu hỏi hiện đang ở đâu của tôi, anh Năm đã hỏi: “Chú thế nào, có bị bắt không?”. Tôi đáp: “Em trốn thoát rồi”. Anh Năm nói: “Anh bị công an bắt, còng tay, đang trên xe thùng về Công an huyện. Em đến ngay đó trình báo cho họ biết”.

Nghe chuyện hai đồng nghiệp kể mà chúng tôi ứa nước mắt, tự hỏi, vì sao lại thế? Không lẽ cánh nhà báo chúng tôi nguy hiểm đến vậy? Không lẽ chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngô nghê tới mức không biết cơ quan báo chí hoạt động thế nào, dưới sự chỉ đạo của ai và nhà báo có mặt ở những nơi “nước sôi lửa bỏng” để làm gì? Không lẽ lãnh đạo tỉnh Hưng Yên không biết thông tin Thủ tướng nói lời cảm ơn cơ quan truyền thông, báo chí trong buổi họp báo giải quyết vụ Tiên Lãng, Hải Phòng? Không lẽ chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên không hiểu họ được đặt biển cấm những đâu, được phép làm những gì?... Những câu hỏi đó, dù khó vẫn có thể trả lời và nhận sự cảm thông vì sự vụng về nào đó, nhưng việc công an đánh người đang thi hành công vụ là phạm luật thì không thể tha thứ!

Nhà báo Ngọc Năm và Phi Long cho biết: Tại thời điểm diễn ra vụ cưỡng chế, với lực lượng hùng hậu và kiểm soát gắt gao như vậy, việc ai đó có bất cứ sự manh động nào đều khó qua mắt lực lượng cưỡng chế. Vậy thì, việc các phóng viên xuống nắm tình hình đâu có gì khiến họ phải e ngại.

Mặc dù biết rõ chúng tôi là nhà báo, nhưng Công an huyện Văn Giang vẫn nói năng rất thô tục và hành xử thô bạo. Quả thực, chúng tôi không thể diễn tả hết tâm trạng và cắt nghĩa nổi vì sao cùng làm việc cho Nhà nước, phụng sự chế độ không hề có gì sai trái lại bị họ còng tay đưa về Viện Kiểm sát huyện Văn Giang lấy lời khai(!?). Sau đó tôi đã viết văn bản gửi một cán bộ đeo quân hàm Thiếu tá (không có phù hiệu) xưng tên là Tiến, Đội trưởng Đội Trọng án chuyển lên Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ ai đã ra lệnh bắt giữ, đánh hai nhà báo. Cuối chiều, công an đưa chúng tôi đi khám xét và họ chỉ đưa lại chúng tôi đơn thuốc chứ không có giấy tờ gì khác, đồng thời trao trả tài sản như điện thoại, máy ảnh (đã xóa hết dữ liệu trong máy) và các giấy tờ tùy thân đã thu giữ.

Ý thức được sức nóng của vụ cưỡng chế tại thời điểm đó nên hai nhà báo đã nén lòng chỉ báo cáo với cơ quan chủ quản (Đài Tiếng nói Việt Nam) và gửi đơn tới UBND, Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị giải quyết và phúc đáp kết quả giải quyết vụ việc chứ không gửi bất cứ nơi nào khác. Sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng gửi văn bản tới các cơ quan liên quan tỉnh Hưng Yên với lời đề nghị tương tự. Tiếc rằng, đến nay, sau nửa tháng diễn ra vụ cưỡng chế và non một tuần bản kiến nghị giải quyết vụ việc hành hung hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam được gửi đi nhưng các cơ quan liên quan tỉnh Hưng Yên vẫn bặt vô âm tín. Hay họ lại chờ Chính phủ chỉ đạo rồi mới giải quyết? Câu hỏi này, xin gửi về các cơ quan liên quan tỉnh Hưng Yên!

Quốc Dũng - Quang Thuận

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=7732&lang=vn&zone=8&zoneparent=0