Vì sao hàng chục đại gia miền Tây đổ xô về Khánh Hải (Cà Mau) xây nhà mồ tiền tỉ?

Ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải (thuộc huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) mấy năm nay rộ lên cơn sốt đất. Nhiều người không quản ngại đường xa tìm về đây, bỏ ra hàng tỉ đồng để sở hữu khu đất rộng lớn, rồi dựng lên đó những khu nhà mồ nguy nga, tráng lệ lên tới hàng tỉ đồng.

Nhiều lăng mộ tiền tỉ ở ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải nhìn chẳng khác gì những ngôi nhà dành cho người quý tộc thời xưa.

Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng 1 năm qua, hàng chục đại gia vẫn tìm đến, cạnh tranh nhau mua đất, rồi tìm mọi cách “lách luật” xây bằng được lăng mộ cho gia tộc hay cho chính bản thân mình. Tại sao hiện tượng này lại xảy ra trong khi khu vực xung quanh mảnh đất trống bỏ hoang hóa chẳng ai thèm ngó tới?

Nhiều lăng mộ tiền tỉ tiếp tục mọc lên

Con đường dẫn vào xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời dài khoảng 3km nhưng có tới gần 10 khu lăng mộ hoàng tráng được xây dựng. Theo nhẩm tính của ông Phạm Ngọc Giàu - người dân ở ấp Trùm Thuận A, ngoài những khu mộ vốn “nổi tiếng” về độ hoành tráng như Trần Đỗ Gia Mộ, Nguyễn Lê Gia Mộ, Trần Đăng Gia Mộ…, hơn 1 năm qua đã có khoảng chục khu mộ tiếp tục được xây dựng. “Điều đó tạo lên cơn sốt thực sự trên địa bàn, nhiều người tìm đến hỏi mua những mảnh đất có vị thế đắc địa. Cả những người hiếu kỳ, nghe tin địa phương có nhiều lăng mộ trị giá bằng cả một tòa lâu đài cũng tìm đến chứng kiến tận mắt, rồi giới thầu xây dựng, cánh thợ xây ở khắp nơi cũng tìm về để tham khảo….”, ông Giàu nói.

Một trong những lăng mộ mới được xây dựng hoàng tráng nhất là “Nguyễn Nguyền Gia Mộ” rộng gần 200m2, nằm ngay mặt tiền trục đường chính dẫn vào trụ sở UBND xã Khánh Hải. Theo quan sát của PV, lăng mộ này chỉ có duy nhất ngôi mộ của một người phụ nữ, bên cạnh còn xây sẵn một cái huyệt chờ sẵn cho ai đó sẽ nằm yên nghỉ tại đây, xung quanh lăng được gia chủ xây kín cổng cao tường. Để tạo địa thế cho khu mộ, gia chủ còn dùng dây xích giăng xung quanh như thể đó là một khuôn viên “bất khả xâm phạm”. Ông Giàu cho biết: “Ban đầu, ông ấy - gia chủ khu Nguyễn Nguyền Gia Mộ - mua đất ở xã bên, đào móng xây mộ rồi, nhưng một hôm qua khu đất này thấy mê mẩn nên thay đổi quyết định”.

Chị Phạm Thị Bé, sống ngay bên cạnh khu mộ hoành tráng này, kể: “Nghe đâu, chủ nhân của nó là một đại gia thủy sản ở thị trấn Sông Đốc nhưng sống ở Kiên Giang. Khu mộ này ông ta xây lên cho người vợ quá cố đồng thời cũng chuẩn bị sẵn một chỗ cho mình để yên tâm lúc nhắm mắt sẽ được ở bên cạnh vợ. Nghe đâu tiền xây mộ khiến gia chủ tiêu tốn hết gần 3 tỉ đồng”. Chị Bé cho biết thêm: “Nghe số tiền ai cũng bất ngờ vì nó quá lớn với những người dân quanh năm chân lấm tay bùn, chỉ biết tới cây lúa, nuôi con lợn con gà như ở xã Khánh Hải này. Nhưng khi nhìn vào cái cách xây dựng mà gia chủ lăng mộ yêu cầu thì điều đó cũng không có gì là lạ”.

Theo bà Bé, để xây được lăng mộ tráng lệ, chủ nhân “Nguyễn Nguyền Gia Mộ” đã thuê nhóm thợ có trình độ chuyên xây lăng tẩm ở tận Thừa Thiên - Huế đến ăn ở trên địa bàn gần 4 tháng trời mới hoàn thành. “Phần móng của ngôi mộ được gia chủ đổ toàn bêtông cốt thép, loại đá ốp lát cũng nhập từ nước ngoài về. Việc trạm khắc những hoa văn họa tiết thì thuê hẳn một nhóm thợ chuyên biệt khác làm trong vòng 2 tháng. Ngày xây mộ, nhóm thợ ấy hay sang nhà tôi trò chuyện bảo rằng tiền công mỗi ngày được 1 triệu đồng, chủ bao ăn ở và sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Chỉ cần mình làm đẹp, kiên cố là được chứ tiền bạc không thành vấn đề với gia chủ, nếu làm tốt thì còn có thưởng”, bà Bé nhớ lại.

Bên cạnh việc xây mộ mới, những ngôi mộ cũ có giá tiền tỉ tại ấp Trùm Thuận A, xã Khánh Hải 1 năm vừa qua cũng có nhiều sự thay đổi khi gia chủ tiếp tục tu sửa để mộ luôn mới so với ngôi bên cạnh. Nói là tu sửa chứ số tiền các chủ lăng mộ phải bỏ ra để nâng cấp cũng lên tới hàng trăm triệu đồng. Như ngôi “Trần Đặng Gia Mộ” do một đại gia ở thị trấn Sông Đốc làm chủ, năm qua đã bỏ tới gần 300 triệu đồng để tu sửa lại lăng mộ cho gia đình. “Riêng tiền mua sơn lăn lại đã tiêu tốn khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều viên đá trong lăng bị vỡ, xước cũng được gia chủ thay lại hoàn toàn. Khi hoàn tất, ngôi mộ trông chẳng khác gì xây mới”, ông Phạm Văn Dương, 43 tuổi, một người thợ xây dựng trên địa bàn, kể về việc tu sửa ngôi “Trần Đặng Gia Mộ”.

Tìm hiểu nguyên nhân

Nhiều ngôi mộ lớn liên tiếp được xây dựng ở ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải đã tạo ra khung cảnh đối lập khi ngay bên cạnh đó là những ngôi nhà lụp xụp nơi những người sống đang phải từng ngày mưu sinh trong đó. Chứng kiến các đại gia tìm về bỏ cả đống tiền xây “nhà” cho người đã khuất, người dân trên địa bàn chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “Họ có tiền nên muốn làm gì thì làm, mình chỉ dám ước mơ thôi!”. Dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn việc tạo dựng những lăng mộ tiền tỉ nhưng các đại gia ở khắp nơi vẫn tìm về xây dựng.

Lý giải nguyên nhân này, chuyên gia phong thủy Phạm Công Tuấn (ngụ tại TP.Cà Mau) cho rằng: “Trong kiến thức phong thủy, mộ phần yêu cầu rất khắt khe, yêu cầu hình thế đất xây mộ phải đạt nhiều yếu tố. Thứ nhất là ngăn được khí tụ. Thứ hai khu đất phải kín, không quá lộ nhưng phải không bí mà khí phải tán theo gió. Thứ ba phải vuông cân, nếu đặt nghiêng lệch khí uế sẽ phát sinh. Thứ tư là thế đất phải có hình vòng cung, khí tụ và lưu thông trong huyệt, đất ẩm. Nếu đất xây mộ có đầy đủ các yếu tố đó thì là cát, huyệt cát thì nhân sẽ cát. Thông thường, an táng ở trên thế đất phình, cheo leo, lộ lồi, nham nhở, tản mạn, tàn tạ đều mang lại hung họa khôn lường cho đời sau. Chiếu theo những điều này thì vùng đất xã Khánh Hải được coi là một trong những nơi có phong thủy thông thoáng vào bậc nhất ở miền Tây Nam Bộ, khi ở đây gần biển lại có vùng đất cao, không mấy khi bị ngập mỗi khi tới mùa nước nổi hay thủy triều dâng”.

Ông Tuấn phân tích thêm: “Những vùng đất gần biển thì mạch nước thông thoáng, không bị tắc nghẽn. Trong phong thủy, việc an táng người mất tại nơi mạch nước tắc nghẽn là điều tối kị, vì con cháu sẽ bị bệnh tật hay tuyệt tự. Ngoài ra, xã Khánh Hải cũng là vùng đất khá yên bình với thành phần người dân chủ yếu là người nông dân, mảnh đất ít xáo trộn. Nếu an táng ở khu đất công cộng thì phần âm trạch dễ bị nhiễu, con cháu dễ xa vào hư hỏng…”.

Một chuyên gia phong thủy nổi tiếng khác ở Việt Nam là Tuấn Kiệt cũng đồng quan điểm với ông Phạm Công Tuấn. Ngoài ra, ông Kiệt còn cho biết: “Người Việt Nam thường có quan niệm trần sao âm vậy. Nhiều người không tiếc tiền xây dựng lăng mộ tiền tỉ để tạo bề thế oai phong cho bản thân người còn sống cũng như người đã khuất. Ta thấy các khu mộ bây giờ thường dùng đá để trang trí hoặc có các họa tiết rồng bay phượng múa mây vần là đều thể hiện sự tôn nghiêm nơi linh thiêng. Kích thước của ngôi mộ theo phong thủy cũng thể hiện ước muốn của gia chủ về tài chí, hưng vượng, phú quý, hỉ sự, đại cát, quý tử…”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Tuấn Anh - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Miền Tây - lại cho rằng, việc xây mộ hoàng tráng tại ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải ngoài việc chú trọng đến phong thủy thì gia chủ cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. “Người miền Tây thường có tục an táng người thân trong vùng đất của gia đình nhưng việc xây dựng hàng loạt lăng mộ bề thế thì cũng cần phải xem xét lại, cần phải quy hoạch cho hợp lý. Khu vực xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời có nền địa chất ổn định, mạch nước ngầm phong phú. Nếu xét về phong thủy, đây là vùng đất lành nhưng không phải vì thế mà được xây dựng mộ phần tràn lan như thời gian vừa qua”, TS. Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ quan điểm.

Nói về việc hàng chục ngôi mộ tiền tỉ xây dựng trên địa bàn trong năm qua, ông Phạm Thanh Quyền - trưởng ấp Trần Thuật A, xã Khánh Hải - xác nhận: “Chủ nhân của những lăng mộ này chủ yếu ở Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu… Ngôi nào ít tiền cũng có giá khoảng 800 triệu đồng, đắt nhất có ngôi lên tới gần 3 tỉ đồng. Chỉ tính riêng số tiền họ bỏ ra xây mộ ở ấp cũng ngót nghét gần 70 tỉ đồng. Mỗi khu mộ có diện tích khoảng 100 - 200m2 nhưng bên trong chỉ có khoảng 1 - 3 ngôi mộ, phần còn lại họ bày trí khuôn viên sao cho hoành tráng. Khu vực liên tục có người tìm đến hỏi mua đất xây mộ. Nắm bắt được tâm lý của những người nhiều tiền nhiều của, giá đất đã được đẩy lên cao, trung bình bây giờ 1m2 đất trên địa bàn có giá tới 20 triệu đồng. Nhưng có khi cũng chẳng có mà mua vì người dân chưa đồng ý bán, chờ người khác đến hỏi mua với giá cao hơn. Nhiều khu vực đất ở TP.Cà Mau có khi cũng chẳng đắt bằng ở đây”.

Lý giải về nguyên nhân hàng chục đại gia tìm về đây mua đất xây mộ phần, ông Quyền nói: “Theo tôi, vùng đất này giao thông có nhiều thuận lợi vì gần lộ chính của xã. Ngoài ra, khu vực nằm sâu trong đất liền lên không bị ngập hay chịu ảnh hưởng của thiên tai như vùng Sông Đốc nên nhiều người mới tìm tới xây mộ chứ không liên quan gì đến ý nghĩa tâm linh, vì đây cũng là vùng đất yên bình, không có truyền thuyết kỳ bí nào. Việc bỏ tiền tỉ xây mộ khiến cho chính quyền địa phương hết sức đau đầu và chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn cụ thể. Phần lớn những khu mộ xây trên đất vườn, ban đầu họ nói mua vì mục đích trồng cây nhưng bất chợt lại xây lăng mộ nên chúng tôi gặp khó trong việc ngăn chặn”.

Khanh Dương - khanhduong127@gmail.com

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/vi-sao-hang-chuc-dai-gia-mien-tay-do-xo-ve-khanh-hai-ca-mau-xay-nha-mo-tien-ti-512551.bld