Vi phạm môi trường tại khu công nghiệp ở Hưng Yên: Bó tay hay mặc kệ ?

(DĐDN) - Thiếu hệ thống xử lý chất thải, không đấu nối nước thải với hệ thống xử lý nước thải tập trung, xả thẳng ra môi trường, DN chạy theo lợi nhuận, “dửng dưng” với công tác bảo vệ môi trường… là tình trạng chung từ nhiều năm trở lại đây của không ít khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Một con mương bị ô nhiễm cạnh nhà máy tại khu công nghiệp

Toàn tỉnh hiện có 13 KCN đã được Chính phủ quy hoạch nhưng mới có 3 KCN đi vào hoạt động với tổng số 169 dự án đầu tư. Các KCN đều có các công trình xử lý nước thải tập trung với công suất trên 16.000 m3/ngày đêm và đảm bảo quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay chỉ có một số DN thực hiện đấu nối nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp vào hệ thống thu gom chung của KCN để xử lý, còn lại đều lấy lý do không đấu nối tự xử lý hoặc thải thẳng ra môi trường.

Thiếu và yếu

Tại KCN Phố Nối A, chủ đầu tư hạ tầng đã xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung giai đoạn I, công suất 3.000 m3/ngày đêm, đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các thông số đặc trưng pH, DO, TSS, COD… để theo dõi chất lượng nước thải đầu ra của hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Hiện có 77/95 dự án trong KCN đã được đấu nối thu gom nước thải vào hệ thống chung và được xử lý tại nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN.

Theo Ban quản lý KCN Hưng Yên, việc đấu nối, thu gom nước thải của các DN chưa triệt để, KCN Phố Nối A còn khoảng 16 dự án đầu tư trước khi thành lập KCN chưa được đấu nối vào hệ thống chung, một số DN còn đấu nối sai quy định, không tách riêng hệ thống nước thải và nước mưa. Kết quả quan trắc định kỳ, chất lượng môi trường nước mặt của KCN Phố Nối A trên sông Bần Vũ Xá là nơi tiếp nhận nhiều nguồn nước thải, có thông số BOD5 vượt 1,43 lần giới hạn cho phép, thông số COD cũng gần xấp xỉ giới hạn cho phép tại QCVN

Nhiều DN đang hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về BVMT.

KCN Dệt may Phố Nối, hiện tại có 11 dự án đang hoạt động với tổng lượng nước thải phát sinh vào khoảng 1.550 m3/ngày đêm, trong đó khoảng 1.500 m3/ngày đêm được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Riêng lượng nước thải sinh hoạt khoảng 50 m3/ngày đêm phát sinh trong quá trình hoạt động của 3 dự án chưa thực hiện việc đấu nối triệt để vào hệ thống thu gom chung của KCN, được các chủ dự án xử lý sơ bộ rồi xả thải ra ngoài môi trường.

Cần chế tài bắt buộc

Theo Ban Quản lý các KCN Hưng Yên, thời gian tới, Ban Quản lý sẽ thúc đẩy để hoàn thành việc đấu nối thu gom nước thải của các DN trong KCN Phố Nối A theo đúng quy định, nhất là các DN có nước thải chứa nhiều chất có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Để thực hiện dứt điểm việc đấu nối của các DN đầu tư trước vào hệ thống chung theo quy định, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT làm rõ và có chế tài bắt buộc các DN thực hiện.

Dự báo đến năm 2020, khi các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đi vào hoạt động thì nhu cầu sử dụng nước cũng như xả nước thải sẽ khoảng 280.000 m3/ngày đêm. Với mức khai thác và xả thải lớn như vậy, trong khi hệ thống tiêu, thoát nước còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu, sức chịu tải ô nhiễm môi trường kém, sẽ gây áp lực lớn về quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Xuân Hợp

Email Print

Hưng Yên, Dệt may, Khu công nghiệp, môi trường, hệ thống, đầu tư, dự án, hoạt động, quy định

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20130704040351561cat104/vi-pham-moi-truong-tai-khu-cong-nghiep-o-hung-yen-bo-tay-hay-mac-ke-.htm