Về cồn Phụng nghe chuyện Đạo Dừa

Đạo Dừa và cái tên Nguyễn Thành Nam từng là hiện tượng trong xã hội miền Nam trước năm 1975. Đạo Dừa đã tự giải tán sau ngày miền Nam giải phóng.

Hiện “Nam Quốc Phật” của ông Đạo Dừa trên cồn Phụng (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre) vẫn còn khá nguyên vẹn sau gần 50 năm xây dựng, trở thành một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất tỉnh Bến Tre. Dấu tích một thời Nguyễn Thành Nam tốt nghiệp kỹ sư bên Pháp, khi về nước đã có vợ con, nhưng về sau đã “lánh hồng trần”, leo lên cao ngồi thiền hàng năm trời, chỉ uống nước dừa và ăn rau quả để sống, rồi thành lập đạo Dừa tại cồn Phụng vào năm 1963. Khu vực hành đạo của Đạo Dừa rộng khoảng 1.500m2 hiện vẫn còn khá nguyên vẹn với “Sân rồng”, nơi có 9 trụ cột làm hình 9 con rồng. Chung quanh sân là cổng chào, lối đi, những chiếc tháp cao, những mô hình núi non, hang động... Tất cả đều xây dựng trên trụ bêtông vì ngày trước nơi đây là bãi bồi ngập nước. Tại cổng vào khu vực hành đạo, Đạo Dừa cho làm một lư hương thật lớn từ những mảnh vở của đồ sành, sứ, trên ấy có in khắc ảnh và lai lịch vắn tắt của mình. Toàn bộ chiếc lư hương lớn này được đặt trên lưng Thần Kim Quy miệng ngậm lưỡi gươm thần. “Sân rồng” từng là nơi để cho hàng ngàn “đệ tử” của “Cậu Hai” quỳ cầu nguyện và nghe Đạo Dừa thuyết giáo. Chỗ ngồi thuyết giáo của Đạo Dừa tựa lưng vào tháp Cửu Trùng đài cao 9 tầng. Sau lưng Cửu Trùng đài là 2 cột bêtông lớn, cao khoảng 15m. Trên đỉnh mỗi cột là nơi Đạo Dừa ngày đêm ngồi hướng mặt ra phía biển tịnh tu. Sau gần nửa thế kỷ, các công trình vẫn còn nguyên vẹn, chưa thấy dấu hiệu hư hỏng, chứng tỏ ngày ấy những người thợ xây dựng đã làm rất kỷ, bằng những vật liệu rất tốt. Tìm về kỷ niệm Năm mới vào lớp đệ thất, tôi từng đi theo người dì đến cồn Phụng thăm chồng đang trốn quân dịch bằng cách đi “tu” theo đạo Dừa. Ngày ấy, một bộ phận không nhỏ thanh niên né tránh quân dịch bằng cách gửi thân vào những nơi tu hành. Dượng tôi hầu như không về nhà trong những năm tu hành, vì rất dễ bị bắt trên đường đi. Thỉnh thoảng dì tôi đi cồn Phụng thăm chồng. Lần ấy tôi xin dì được đi cùng để biết cồn Phụng và biết ông Đạo Dừa. Phà Rạch Miễu rời bến Mỹ Tho băng qua sông Tiền, cồn Phụng hiện ra trước mắt. Từ xa, dì đã chỉ cho tôi thấy ông Đạo Dừa đang ngồi trên đỉnh trụ bêtông cao dựng sát mép nước. Ông ngồi bất động, chân xếp bằng, lưng khom, mặt hướng về phía hạ lưu sông Tiền. Phà chạy ngang cồn Phụng, rồi chạy tiếp đến bờ nam sông Tiền, cặp vào bến Tân Thạch thuộc tỉnh Bến Tre. Tại đó có chuyến tàu chuyên dụng của đạo Dừa đưa rước khách miễn phí qua cồn Phụng. Mặt trời càng lúc càng lên cao, nắng càng gay gắt, ông Đạo Dừa vẫn ngồi như thế. Đến chiều, rồi tối, ông vẫn ngồi trên đỉnh cột. Sáng sớm thức dậy, tôi lại ra “Sân rồng” và thấy ông Đạo Dừa đã ngồi trên trụ tự bao giờ. Tôi trở lại cồn Phụng sau gần 40 năm. Tôi đã gặp được một số tín đồ từng gắn bó với “Cậu Hai” ngày trước. Ông Võ Thành Ca, 77 tuổi, người gốc Sài Gòn, cũng vì trốn lính mà tìm đến cồn Phụng làm tín đồ đạo Dừa và gắn bó với cù lao này suốt cả cuộc đời. Một trong những ấn tượng sâu đậm nhất mà ông Ca nhớ về “Cậu Hai” là cuộc vận động tranh cử Tổng thống chế độ Sài Gòn năm 1967. Ông Ca cho biết, sau khi đạo Dừa tự giải tán, ông tiếp tục ở lại cồn Phụng, rồi lập gia đình, mua đất cất nhà, sinh sống cho tới nay. Cách không xa nhà ông Ca là nhà bà Nguyễn Thị Hồng, người cũng từng là tín đồ đạo Dừa. Bà Hồng (năm nay ngoài 60 tuổi) đã theo cha mẹ về cồn Phụng làm “đệ tử” của “Cậu Hai” khi mới 13 – 14 tuổi. Sau khi đạo Dừa giải tán, gia đình bà mua đất tiếp tục sống trên cồn Phụng. Giờ cha mẹ bà đã mất hết, chồng bà cũng không còn, bà sống với vợ chồng đứa con trai chuyên làm nghề trồng vườn. Cùng với ông Ca, bà Hồng, trên cồn Phụng còn có 2 người nữa từng là tín đồ của đạo Dừa, đó là bà Mai Ngọc Hoa và bà Huỳnh Thị Sết. Họ là những người “đệ tử” cuối cùng của “Cậu Hai” Nguyễn Thành Nam còn lại trên cồn Phụng. Bà Hồng cho biết, sau khi đạo Dừa tự giải tán, cả ngàn tín đồ ai về nhà nấy, chỉ có những người không nhà cửa, ruộng đất mới tiếp tục sống trên cồn Phụng. Ban đầu còn khá nhiều người, về sau hầu hết vào định cư trong đất liền. Bà Hồng hàng ngày thích đi dạo quanh khu “Nam Quốc Phật” ngày trước để nhớ về những kỷ niệm buồn vui trong những năm cùng cha mẹ quỳ dưới “Sân rồng” nghe “Cậu Hai” giảng đạo. Tất cả cho du lịch Ngày nay, “Nam Quốc Phật” thường xuyên nhộn nhịp bởi khách du lịch. Tôi đến cồn Phụng vào đầu giờ chiều một ngày giữa tuần, dưới bến sông có 2 chiếc tàu du lịch đang đậu, trên bờ là khoảng 100 du khách đang tỏa ra tham quan. Người bán vé cho biết, thời gian từ 10 giờ sáng tới trưa mới là lúc khách đến tham quan đông nhất, mỗi ngày có khoảng 500 khách, ngày cao điểm (lễ, tết) có thể lên đến 1.000 khách. Trong một gian rộng ở tầng trệt của khách sạn 2 tầng được xây dựng vào thập niên 90 của thế kỷ XX, đơn vị quản lý khu du lịch cho trưng bày và giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, truyền thống tỉnh Bến Tre. Cũng trong phòng trưng bày, có một góc giới thiệu về khu du lịch đạo Dừa với cặp ngà voi lớn nhất Việt Nam do chủ một nhà thuốc ở Chợ Lớn tặng “Cậu Hai” khi ông ra vận động tranh cử Tổng thống. Người hướng dẫn du lịch đưa chúng tôi vào khu di tích qua những con đường “vành đai” nhỏ được chủ nhân của nó ngày trước đặt tên các danh nhân, danh thắng của đất nước như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Gia Long, Trạng Trình, Minh Mạng, bến Bạch Đằng... Cầu Rạch Miễu bắc ngang sông Tiền có lối rẽ xuống cồn Phụng để có thể đi đường bộ đến khu du lịch Đạo Dừa. Nhưng theo tôi, nên duy trì cách đến khu du lịch này bằng đường sông. Khu du lịch Đạo Dừa bản thân nó đã có sức hấp dẫn, nhưng chính cảnh sông nước hữu tình, mới làm cho điểm du lịch này đặc biệt thú vị. Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/ve-con-phung-nghe-chuyen-dao-dua/59080