Về Hải Phòng đi lễ đầu năm

Đã từ lâu, Hải Phòng được coi là mảnh đất linh thiêng với những ngôi chùa hàng trăm năm lịch sử, những điểm du lịch tâm linh độc đáo, ý nghĩa.

Về Hải Phòng, quý độc giả không nên bỏ lỡ những địa chỉ tâm linh nhân dịp đầu xuân Bính Thân 2016.

Ảnh minh họa.

Đến Đền Trạng Trình cầu tài

Ngày 07/1 vừa qua, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo) đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Đây là một món quà lớn dành cho người dân Vĩnh Bảo nói riêng và người dân Hải Phòng nói chung đúng dịp kỷ niệm 430 năm Ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà chính trị, triết học, nhà giáo dục, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, văn hóa nước ta thế kỷ XVI.

Khu di tích Trạng Trình là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của Hải Phòng được xếp hạng sau Quần đảo Cát Bà. Khu di tích bao gồm 9 hạng mục chính: Tháp bút Kình Thiên, Đền thờ Trạng Trình, nhà trưng bày, phần mộ các cụ thân sinh Trạng Trình, Am Bạch Vân, tượng Trạng Trình, Hồ Bán Nguyệt, Chùa Song Mai, Nhà Tổ của chùa có tượng thờ bà Minh Nguyệt, bia và quán Trung Tân.

Trong đó, nổi bật nhất là tượng Trạng Trình cao 5,7m, nặng 8,5 tấn bằng chất liệu đá Granit đúc, sừng sững, uy nghiêm tại Quảng trường khu di tích.

Đền Trạng Trình được xem là điểm đến cho nhiều học sinh, sinh viên, sĩ tử tại Hải Phòng và các vùng lân cận để cầu tài, cầu tiến bộ trước những kỳ thi, sự kiện quan trọng.

Chùa Dư Hàng - Trung tâm Phật giáo Hải Phòng nhiều thế kỷ

Chùa Dư Hàng (Phúc Lâm Tự) tọa lạc tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, có nguồn gốc từ thời Tiền Lê (980 - 1009), được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1986.

Chùa Hàng không chỉ là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng mà còn được nhiều phật tử miền Bắc biết tới bởi vị trụ trì tài giỏi là Thượng tọa Thích Quảng Tùng.

Chùa Hàng có kiến trúc kiểu chữ “đinh”, hai bên là nhà tổ, đằng trước có tam quan rất đẹp. Qua tam quan sẽ tới tòa Phật điện 7 gian với những hàng cột lim lớn đã ngả màu.

Bên trong tòa Phật điện được trang trí bởi nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son thếp vàng rực rỡ.

Gian tiền đường của tòa Phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc nổi trên cửa võng với nhiều mảng đề tài quen thuộc mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: mai điểu, ngũ phúc, rồng mây… gửi gắm ước muốn “mưa thuận, gió hòa, cỏ cây tươi tốt” của người dân.

Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật cổ có giá trị với tạo hình chuẩn xác và kỹ thuật tinh xảo như: bộ Tam thế, tòa Cửu long - Thích ca sơ sinh, hộ thiện, trừ ác, bộ tượng “Thập điện minh vương”, tượng Hộ Pháp, tượng Trúc Lâm Tam Tổ...

Đền Nghè - điểm tâm linh tín ngưỡng quan trọng nhất Hải Phòng

Phong tục đi lễ đền Nghè đầu năm của người Hải Phòng.

Đền Nghè (phường An Biên, quận Lê Chân) là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng từ năm 1986 thờ Nữ tướng Lê Chân - vị tướng giỏi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Bà Lê Chân quê gốc ở Đông Triều, Quảng Ninh, vì nợ nước, thù nhà, bà rời bỏ quê hương, khai khẩn vùng đất mới lập nên ấp An Biên - chính là Hải Phòng ngày nay.

Sau nhiều lần tu bổ, sửa chữa, Đền Nghè hiện nay vẫn giữ được phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX bao gồm: tam quan, tòa bái đường, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá và tòa tứ phủ.

Tòa bái đường gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 16 cột lim, kê trên 16 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ. Chính giữa nóc nhà bái đường đắp nổi hàng chữ Hán lớn “An Biên cổ miếu”. Hậu cung gồm 3 gian, xây cao hơn nhà bái đường với thiết kế kiểu 2 tầng mái.

Nét đặc sắc của kiến trúc Đền Nghè là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá với long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai... cực kỳ tinh xảo.

Hiện nay, Đền Nghè còn bảo tồn được nhiều tác phẩm điêu khắc trên đá rất có giá trị. Điển hình là tấm bia đá có kích thước lớn được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử của Nữ tướng Lê Chân.

Tại tòa hậu cung, tượng Nữ tướng ngồi trên ngai thờ, đặt trong một khám lớn sơn son thếp vàng với dáng vẻ uy nghi, đôn hậu, xinh đẹp.

Đến Chùa Đỏ ngắm tượng Thích Ca Mâu Ni bằng gỗ lớn nhất Việt Nam

Chùa Đỏ (Linh Độ Tự) là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất thành phố Hoa Phượng Đỏ. Mặc dù được bao bọc trong khu dân cư, nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Lê Lai, quận Ngô Quyền nhưng đây vẫn là địa chỉ quen thuộc với người dân Hải Phòng đến cầu tài lộc, cầu may mắn. Một trong những điểm “hút” khách nhất của Chùa Đỏ chính là kiến trúc độc đáo chưa từng có trong lịch sử kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

Chùa cao 26m cùng kiến trúc cổ diêm chồng đấu có 3 tầng 20 mái, mối liên hệ giữa Tiền đường — Trung đường và Hậu cung đã xử lí hai mái giao nhau, tạo ra sự hòa quyện giữa các khu, liên kết khéo léo các khu lại tạo ra hình khối liên kết nguy nga, hoành tráng.

Tiền đường được thiết kế với một tháp 7 tầng cao 5m, chân tháp cao 1,2m, bên trên tháp có sen, trong tòa sen có cột cờ cao 5m. Ở Trung đường có hàng “hoa chanh” được cách điệu là các lá đề kép bằng men màu xanh cổ chạy dọc nóc chùa.

Trên mỗi lá đề kép đều có biểu tượng Linh Độ Tự. Hậu cung có hai tầng mái đao, ở giữa trên nóc mái có đặt lá bồ đề như ngọn lửa bập bùng, thể hiện sự tinh khiết, trong sáng của đạo Phật, của tăng ni, phật tử hướng thiện cứu khổ, cứu nạn.

Xung quanh các tầng mái đều lắp lá đề kép, làm bằng chất liệu đặc biệt. Mặt chính chùa làm bằng đá xanh, cột được trang trí những con rồng, mang đậm sắc thái nghệ thuật thời Lý Trần.

Ở trung tâm hậu cung tôn trí pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 5,5m, bệ tòa sen cao 2,9m, gồm 500 cánh sen sơn son thếp vàng chạm khắc những hoa văn thời Trần.

Phía sau tượng là Vạn Phật thành cao 11m gồm hàng ngàn lá bồ đề ghép lại với nhau, trong đó bao gồm các vị Phật cũng sơn son thếp vàng được an tọa khắp nơi, tượng trưng cho Pháp giới vô biên màu nhiệm.

Đền Bà Đế - nơi hóa giải mọi oan khuất

Nằm ngay chân núi Độc, phường Ngọc Sơn, quận Đồ Sơn, Đền Bà Đế được nhiều người lựa chọn là điểm đến đầu năm để xin tài, xin lộc và đặc biệt cùng xin giải mọi nỗi oan khuất mà mình gặp phải.

Tương truyền, vào thế kỷ thứ XVIII, Chúa Trịnh Doanh đi thị sát trận địa, đến Đồ Sơn gặp một thôn nữ làng chài tên là Đào Thị Hương bèn đem lòng yêu mến rồi kết duyên.

Khi Chúa Trịnh về kinh đô Thăng Long, vì bận công việc chưa kịp đón nàng về cung. Nàng thiếu nữ mang thai, theo lệ làng phải chịu hình phạt cạo đầu, bôi vôi, đeo đá dìm xuống biển. Nỗi oan ức thấu trời vì chưa gặp lại được Chúa Trịnh nên linh hồn thiếu nữ hiển linh trên sông biển cứu giúp dân lành thoát hiểm.

Để tưởng nhớ người thiếu nữ ấy, người dân Đồ Sơn đã lập đền thờ dưới chân núi Độc, gọi là Đền Bà Đế. Đền từng được Vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong “Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân”.

Văn Khúc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ve-hai-phong-di-le-dau-nam-d6069.html