Vàng miếng bị “chê”

Tuần qua, có thời điểm giá vàng thế giới cán mức 1.260 USD/ounce, tăng 100 USD so với ngày 7-2 (29 Tết). Sau đó, giá vàng hạ nhiệt và kết thúc tuần giao dịch ở mức 1.238 USD/ounce.

Tại Việt Nam, giá vàng miếng SJC ngày 14-2 (mùng 7 tháng giêng) vọt lên 34,4 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với trước Tết. Tuy nhiên, giới kinh doanh vàng lại không muốn thu mua vàng miếng. Biểu hiện rõ nhất là họ đưa ra giá mua vào 33,4 triệu đồng, thấp hơn giá bán ra đến 1 triệu đồng/lượng.

Dự báo thị trường vàng sẽ sôi động trong ngày Thần tài (mùng 10 tháng giêng, tức 17-2) Ảnh: Hoàng Triều

Theo một số chủ tiệm vàng, trước Tết, nhiều người đã mua vàng miếng tại mức giá 33,4 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng thế giới tăng mạnh kéo giá vàng trong nước tăng theo. Trong khi đó, người dân chỉ mua vàng nhẫn, nữ trang còn các ngân hàng, doanh nghiệp lớn nghỉ Tết, không giao dịch. Nếu các doanh nghiệp tăng giá mua vàng miếng tương ứng với đà tăng giá của thế giới thì người đang nắm giữ vàng miếng sẽ bán ra. Khi đó, doanh nghiệp thu mua vàng có thể ôm hàng vì không biết bán lại cho ai.

Do giá vàng tăng nên trong 2 ngày 13 và 14-2, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng tập trung bán nhẫn, nữ trang. Đặc biệt, vào ngày Thần tài (mùng 10 tháng giêng, tức 17-2), người dân thường đổ xô mua các sản phẩm vàng nhỏ để lấy hên, sẽ là cơ hội cho giới kinh doanh bán vàng nhẫn và nữ trang.

Những người chuyên môn nhận định giá vàng đi lên là do tuần qua, giới đầu tư tài chính quốc tế bán tháo cổ phiếu, dồn vốn vào vàng. Cụ thể, chứng khoán châu Âu đỏ sàn khi chỉ số Stoxx Europe - tập hợp 600 cổ phiếu hàng đầu châu Âu- bốc hơi 4% giá trị chỉ trong một ngày giao dịch. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng mất tới 4% trong một phiên giao dịch. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones cũng giảm tới 1,47%.

Thy Thơ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/vang-mieng-bi-che-2016021421542752.htm