Văn học cho thiếu nhi: Đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu

Nhân tháng hành động vì trẻ em, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi gặp mặt các nhà văn viết cho thiếu nhi để cùng trao đổi, tìm giải pháp nâng cao chất lượng các sáng tác viết cho thiếu nhi để "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu” như nhà thơ Bằng Việt đã từng chia sẻ.

Nhân tháng hành động vì trẻ em, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi gặp mặt các nhà văn viết cho thiếu nhi để cùng trao đổi, tìm giải pháp nâng cao chất lượng các sáng tác viết cho thiếu nhi để "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu” như nhà thơ Bằng Việt đã từng chia sẻ.

"Khu vườn” không yên tĩnh

Có thể nói, mảng văn học cho thiếu nhi Việt Nam bắt đầu phát triển vào những năm 50 của thế kỷ XX với các tác phẩm văn xuôi đầu tiên là Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng)… Ở mảng thơ viết cho thiếu nhi thời kỳ này có thể kể đến Chú bò tìm bạn (Phạm Hổ) và Gà mái hoa (Võ Quảng), sau đó là hàng loạt những tên tuổi khác như Trần Thanh Địch, Vũ Ngọc Bình, Định Hải, Quang Huy, Nguyễn Bùi Vợi…

Trải qua nhiều thăng trầm cùng với sự biến thiên của lịch sử, xã hội, văn học thiếu nhi ngày càng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Không dừng lại ở các giải thưởng trong nước, nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã được quốc tế vinh danh bởi những sáng tác cho thiếu nhi như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được giải thưởng Asean với tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ hay Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần được giải thưởng Peter Pan của Thụy Điển.

Cùng với sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, mảng văn học cho thiếu nhi cũng được làm phong phú, đa dạng hơn bởi các tác phẩm dịch chọn lọc từ nhiều đầu sách văn học của thế giới. Độc giả được tiếp cận với những cuốn sách có tiếng vang trên thế giới, còn người viết cũng có cơ hội học hỏi, cọ xát, thậm chí là cạnh tranh với văn học thiếu nhi quốc tế sau này.

Nói một cách hình ảnh, nếu như ví mảng văn học cho thiếu nhi là một khu vườn thì từ những hạt mầm, cây non đầu tiên được chăm sóc, vun xới, khu vườn văn học hôm nay tràn đầy màu sắc, hương thơm với trăm hoa đua nở, dễ dàng hấp dẫn các em tìm hiểu, khám phá.

Cơ hội vàng cho văn học thiếu nhi

Điều kiện sống ngày càng được cải thiện, các bậc cha mẹ, nhất là các gia đình ở thành phố, rất chú trọng đến việc phát triển về mặt thể chất và trí tuệ cho con em mình. Trong đó, nhiều người quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện cho con trẻ thông qua việc khuyến khích các em đọc sách phù hợp với lứa tuổi. Mảng văn học cho thiếu nhi vì thế, hơn lúc nào hết, đang nhận được sự quan tâm của các độc giả ở nhiều lứa tuổi, thành phần. Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng chỉ ra một thực tế rằng hiện nay không chỉ thiếu các tác giả tâm huyết viết sách văn học cho thiếu nhi mà chúng ta còn phải đối mặt với sự thiếu kỹ năng, thiếu sự chuẩn bị về kỹ thuật khi viết một cuốn sách. Chất lượng của mảng văn học thiếu nhi, vì thế vẫn là một câu hỏi làm trăn trở không chỉ những người cầm bút mà là tất cả những ai quan tâm đến thiếu nhi, thế hệ mầm non tương lai của đất nước.

Nhà văn Phong Điệp cho rằng hiện nay đang có nhiều cơ hội mới mở ra cho mảng văn học thiếu nhi cũng như đối với những tác giả viết cho thiếu nhi. Chị nhấn mạnh rằng ngoài NXB Kim Đồng là đơn vị chuyên làm sách cho thiếu nhi thì hầu hết các đơn vị xuất bản sách khác cũng đã quan tâm đến thị trường này như NXB Giáo dục, NXB Mỹ thuật, NXB Trẻ…

Để "suốt đời đi vẫn nhớ”

TS. Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con từ những khảo sát thực tiễn đã đưa ra ý kiến: các nhà văn nên chú ý nhiều hơn đến phương pháp giả tưởng. Trong hiện thực, các em thường xuyên phải đối mặt với những còi ô tô, khói bụi, học hành… nên hi vọng được phát triển trí tưởng tượng, thoát khỏi hiện thực qua những trang sách. Tất nhiên, làm thế nào để giả tưởng mà trẻ con vẫn chấp nhận được thì đòi hỏi các nhà văn phải quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi thiếu nhi, trau dồi hơn nữa kỹ năng của mình…

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng mảng văn học viết cho thiếu nhi cần đến những giải pháp đồng bộ, trong đó có việc mở trại sáng tác cho các nhà văn viết cho thiếu nhi để mọi người có cơ hội cọ xát, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ… Ngoài ra, việc tổ chức các cuộc thi, sáng tác viết cho thanh thiếu nhi cũng là một trong những cách để khuyến khích các nhà văn viết cho thiếu nhi và phát hiện những gương mặt mới để tạo điều kiện, bồi dưỡng… "Các tờ báo Văn nghệ và cũng như website của Hội Nhà văn Việt Nam phải xây dựng chuyên mục dành cho văn học – nhà trường để thường xuyên đăng tải các tác phẩm dành cho thiếu nhi, do các nhà văn, các thầy cô giáo và do chính các em nhỏ sáng tác” – nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Câu hỏi của nhà văn Phong Điệp đưa ra tại buổi gặp mặt khiến nhiều người phải suy nghĩ. "Phải chăng các tác phẩm của chúng ta vẫn chưa chạm vào đúng mối quan tâm, sự yêu thích của các em?... Chúng ta mới viết ra điều mình nghĩ là đúng, là hay, nhưng với trẻ em nó đã thật là đúng, là hay hay chưa?” Có lẽ cũng là những câu hỏi đặt ra với những nhà văn viết cho thiếu nhi ngày nay phải suy nghĩ nghiêm túc để đáp ứng sát hơn nhu cầu của trẻ nhỏ.

Cơ hội rộng mở là vậy, nhưng giữa một biển cả sách, không phải cuốn nào cũng hay và bổ ích.

Thu Hương

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51353&menu=1434&style=1