Tương lai ngành chăn nuôi liệu có “tối như đêm 30”?

(Toquoc) – Nhiều giả thiết đặt ra: Liệu tương lai ngành chăn nuôi có “tối như đêm 30” khi Việt Nam có TPP, khi mà cả đầu vào và đầu ra đều phụ thuộc vào doanh nghiệp ngoại? Thậm chí không cần đến TPP, từ cuối năm nay, khi có Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN, riêng nguồn thịt từ Thái Lan thôi cũng đủ sức đe dọa ngành chăn nuôi trong nước.

Bức tranh màu xám

Khi hội nhập, chăn nuôi vẫn được đánh giá là ngành phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, bởi sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi rất yếu ngay cả so với các nước trong khu vực. Nguy cơ thịt ngoại ồ ạt nhập khẩu vào lấn át thịt nội luôn hiển hiện.

Đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam phải đối đầu với Thái Lan trong hai sản phẩm chính là gà và lợn. Còn trong TPP, ngành chăn nuôi trong nước khó cạnh tranh được với sản phẩm bò, sữa từ Australia, New Zealand và một phần sản phẩm lợn từ Mỹ…

Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) cho rằng, ngành chăn nuôi trong nước còn quá nhỏ lẻ, thiếu tập trung và không theo một mô hình nào. Ngay cả doanh nghiệp của ông cũng gặp khó khăn, thậm chí treo chuồng mấy năm nay do không thu được lợi nhuận, mặc dù trước đây có thời điểm doanh nghiệp nuôi tới 20.000 con lợn.

Đại diện này cho biết, khó khăn lớn nhất là chi phí chăn nuôi quá lớn, trong khi đầu ra lại bị phụ thuộc, không theo một hệ thống nào cả.

Hiện rất nhiều hộ chăn nuôi tại Đông Nam Bộ tìm cách tự phối trộn thức ăn chăn nuôi để tiết giảm chi phí, nhưng giá thành vẫn ở mức cao, trong khi một số khác gian lận, sử dụng chất tăng trọng để kiếm lời vài ba chục cân mỗi con lợn trong thời gian ngắn nhất.

Hoặc thay vì nhập khẩu nguyên liệu, con giống…nhiều doanh nghiệp đã nhập thịt đông lạnh. Đây là biện pháp kiếm lợi nhuận nhanh hơn vì nhập khẩu thịt luôn có giá thấp hơn hẳn sản phẩm cùng loại trong nước.

Liệu tương lai ngành chăn nuôi có “tối như đêm 30” khi Việt Nam có TPP? (nguồn: Internet)

Anh Phạm Văn Tài, chủ một trang trại chăn nuôi tại Bắc Giang chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, cũng như nhiều hộ gia đình chăn nuôi khác ở đây, anh nuôi lợn theo phương pháp gia công. Cám công nghệ được gia đình anh nhập từ Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam và từ một số nhà máy ở Hải Phòng…

“Chi phí nuôi một con lợn bao gồm: Tiền giống 1,4 triệu đồng, tiền cám 2,4 triệu đồng…Sau ba tháng xuất chuồng tôi bán với giá khoảng 5 triệu/con lợn/1 tạ.Vậy là tôi lãi khoảng 1 triệu đồng/con lợn/ 1 tạ”, anh Phạm Văn Tài cho biết.

Dù vậy, điều đáng nói là hầu hết lợn tại các hộ gia đình ở đây được nuôi pha tạp, ngay cả nguồn lựa chọn con giống cũng không theo một tiêu chuẩn nào cả. Vì thế thịt lợn không mấy chất lượng và chủ yêu xuất sang Trung Quốc. Còn nếu nuôi lợn bán trong nước, chất lượng đòi hỏi cao hơn thì giá thành buộc phải cao hơn, khi đó lại không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

“Nguồn thu của chúng tôi chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc. Hiện tại, trong nước chỉ tiêu thụ 20%, còn 80% là xuất sang Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc dễ tính, họ chỉ cần cân nặng, còn chất lượng thịt thế nào họ không quan tâm. Trong khi, thị trường nội địa khó tính, yêu cầu chất lượng phải đảm bảo hơn. Nếu như vậy chúng tôi lại phải đầu tư chi phí lớn hơn và bán ra sản phẩm với giá thành cao hơn. Khi đó lại không cạnh tranh được với thịt nhập khẩu. Thành ra cứ luẩn quẩn thế”, anh Phạm Văn Tài chia sẻ.

Cũng trao đổi với Điện tử Tổ Quốc, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi tại phía Nam cho hay, hiện tại, thịt gà nước ngoài nhập về Việt Nam có giá 19.000 đồng/kg, giá bán ra thị trường là 23.000 - 27.000 đồng/kg. Khi vào TPP, giá rẻ thêm bao nhiêu ông cũng chưa dự đoán được. Trong khi, thịt gà trong nước bán ra thị trường tại thời điểm hiện tại có giá là 37.000 đồng/kg.

Điều đáng quan tâm nhất là chăn nuôi ở Việt Nam hiện chủ yếu vẫn tập trung nhỏ lẻ ở hộ gia đình, hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ cao.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay đang là sinh kế của 11,3 triệu hộ nông nghiệp với khoảng 55-58 triệu người, chiếm 60 – 63% dân số năm 2014. Người chăn nuôi thiếu vốn, phải vay ngân hàng với lãi suất cao hơn các nước khác; quy hoạch cây trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa rõ ràng, thức ăn vẫn phải nhập khẩu là chủ yếu khiến giá thành chăn nuôi cao…

Ngành chăn nuôi đang thiếu nhạc trưởng

Trước sự “luẩn quẩn” của ngành chăn nuôi Việt Nam, TS. Đặng Kim Khôi, Quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách Nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam đang thiếu “nhạc trưởng” cần phải tổ chức được sản xuất theo chuỗi trên quy mô lớn, hiện đại, đồng thời tạo điều kiện tối đa hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn để dẫn dắt các doanh nghiệp khác hoạt động.

Ở một khía cạnh khác, phải chấp nhận chia sẻ một phần thị trường đối với những sản phẩm mà Việt Nam không có thế mạnh như thịt bò, gà, sữa…Tuy nhiên, với sản phẩm đặc sản có chất lượng cao như gà ri… thì phải phát huy và nắm bắt cơ hội xuất khẩu.

“Khi thuế quan không còn là vấn đề đáng ngại thì các quốc gia khác chắc chắn sẽ dựng lên những hàng rào phi thuế quan như: kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chất lượng an toàn thực phẩm…Khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi không còn cách nào khác phải nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu đặt ra, đồng thời cố gắng hình thành các thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, thế mạnh…”, TS Đặng Kim Khôi khuyến cáo.

Một điểm sáng quan trọng trong lối thoát của ngành chăn nuôi, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), là dù TPP được chính thức thông qua thì trung bình thời gian cắt thuế về 0% cũng khoảng từ 10-15 năm (khoảng năm 2028). Khi đó, ngành chăn nuôi sẽ có tương đối nhiều thời gian chuẩn bị đối phó .

Ngoài ra, nếu Việt Nam đầu tư đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chăn nuôi, sự quan tâm nhiều hơn của người tiêu dùng vào thực phẩm sạch thì ngành chăn nuôi sẽ phát triển được.

Hơn nữa, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng cần phải được phát triển theo mô hình chuỗi (từ con giống, trang trại, chế biến đến thương mại)…, tránh tình trạng phát triển tự phát như hiện nay.

Bàn về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, thói quen tiêu dùng các sản phẩm thịt nóng, thịt tươi sang thịt đông lạnh cũng không thể thay đổi nhanh và rộng khắp, sự thay đổi này, nếu có, cũng chỉ ở một bộ phận thuộc các thành phố lớn, các khu công nghiệp…Vì thế, ngành chăn nuôi cũng không nên quá bi quan mà nên biến những khó khăn này thành cơ hội vàng để tổ chức lại sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm… /.

Còn tiếp

Quỳnh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/138103/tuong-lai-nganh-chan-nuoi-lieu-co-toi-nhu-dem-30.aspx