Tư vấn trực tuyến về “đau quặn bụng và hội chứng ruột kích thích”

(TNO) Sau buổi tư vấn trực tuyến tìm hiểu về “đau quặn bụng và hội chứng ruột kích thích” hôm 11.8 trên Thanh Niên Online, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi câu hỏi thắc mắc về vấn đề này yêu cầu được tư vấn thêm. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, lúc 14 giờ hôm nay (17.8), bác sĩ (BS) Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tư vấn sâu hơn về vấn đề này.

* Xin BS cho biết nguyên nhân bệnh ruột kích thích và cách chữa trị khi bị bệnh? Cám ơn BS. (Kim Chi, 24 tuổi, SV, TP.HCM) - BS Bùi Hữu Hoàng: Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một dạng rối loạn tiêu hóa dưới, biểu hiện bằng tính trạng đau bụng quặn, trướng bụng và rối loạn thói quen đi cầu như bị tiêu chảy, táo bón nhưng không tìm thấy những bệnh lý hay bất thường nào cụ thể để giải thích cho các rối loạn này, tức là khi làm các xét nghiệm về máu, thậm chí cả việc nội soi đại tràng hoàn toàn bình thường. Hội chứng này thường dai dẳng và tái phát thường xuyên. Tuy nhiên, người ta ghi nhận có 1 số yếu tố được xem là các tác nhân gây kích thích trên đường tiêu hóa, cụ thể là ở ruột dẫn đến các rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như thức ăn, tâm lý, nhiễm trùng và có khi liên quan đến sự thay đổi về cảm nhận đau và tùy thuộc vào yếu tố di truyền. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và thay đổi các lối sống, nếp sinh hoạt sao cho phù hợp để hạn chế bớt các triệu chứng xảy ra. Nghiên cứu thống kê cho thấy, trong số những người bị đau quặn bụng thì có khoảng 50% bị hội chứng ruột kích thích. Hội chứng này tuy không nguy hiểm nhưng thường xuyên làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và gây khó khăn cho đời sống của bệnh nhân. * Cháu 23 tuổi, bị hội chứng ruột kích thích, thường đau bụng và đi ngoài bất thường. Vậy cháu có thể dùng Buscopan thường xuyên để giảm triệu chứng được không và cháu cần ăn uống như thế nào để giảm đau bụng và đi ngoài? Cháu cảm ơn bác sĩ (minhngoc1982@yahoo.com ) - BS Bùi Hữu Hoàng: Buscopan là thuốc thuộc nhóm thuốc chống co thắt, giúp làm giảm co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, do đó sẽ làm giảm triệu chứng đau bụng do HCRKT. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng thuốc mà quan trọng nhất phải điều chỉnh lại lối sống và chế độ ăn uống để tránh các kích thích trên đường tiêu hóa (tránh ăn những thức ăn mà hệ tiêu hóa nhạy cảm như cà phê, sữa, bia rượu, thức ăn cay, nhiều dầu mỡ,v.v...), tránh căng thẳng, lo âu, v.v... * Thỉnh thoảng tôi bị đau quặn bụng, hằ̀ng ngày mặc dù ăn nhiều rau, trái cây nhưng tôi vẫn bị bón, khó đi cầu hoặc nếu có đi thì rất ít, có cảm giác phân bị giữ lại trong hậu môn, lúc trước có uống thuốc của một BS, BS này chẩn đoán cũng bị hội chứng ruột kích thích. Xin hỏi chính xác tôi bị gì và làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này? Xin cho lời khuyên về cách ăn uống và điều trị. (Tran Hoang Yen, 38 tuổi, Noi tro, Ly Chieu Hoang, P.10, Q.6) - BS Bùi Hữu Hoàng: HCRKT có nhiều thể loại khác nhau tùy theo triệu chứng rối loạn về thói quen đi cầu: nếu bệnh nhân (BN) bị táo bón thường xuyên thì gọi là HCRKT kiểu táo bón, nếu bị tiêu chảy là chủ yếu thì gọi là HCRKT kiểu tiêu chảy, có BN bị xen kẽ từng đợt táo bón, rồi lại bị tiêu chảy thì gọi là HCRKT thể hỗn hợp… Như vậy, theo mô tả thì bạn đã bị HCRKT kiểu táo bón. Việc điều trị chủ yếu là thay đổi về cách ăn uống, lối sống, chẳng hạn như uống nhiều nước nhất là buổi sáng sớm, ăn nhiều rau quả tươi để có thêm chất xơ, hạn chế các thức ăn khô, mắm… kết hợp với việc vận động, tập thể dục, tránh ngồi lâu một chỗ. Đồng thời, có thể uống thêm các thuốc nhuận trường (thuốc xổ) hoặc thuốc giảm co thắt (nếu bị đau bụng nhiêu. Tuy nhiên, việc chọn lựa loại thuốc nào để sử dụng thì nên đến khám bệnh và xin tư vấn thêm với BS điều trị của mình để chọn thuốc phù hợp và ít tác dụng phụ nhất. *Tôi bị chứng ruột kích thích, đi ngoài khoảng 3lần/ngày, đi khó và lâu, dạng táo bón. Gần đây còn có các triệu chứng đau vùng lưng, 2 bên hông. Xin hỏi bác sĩ tôi có thể uống thuốc Buscopan giảm triệu chứng đau vùng bụng và hạn chế sự đi ngoài bất thường như vậy không? Xin cảm ơn (ngoc_do666@hotmail.com ) - BS Bùi Hữu Hoàng: Nếu có thêm những cơn đau vùng lưng, 2 bên hông, bạn cần đi thăm khám để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm khác. Bạn có thể sử dụng Buscopan như một loại thuốc chống co thắt, làm giảm cơn đau bụng do HCRKT, tuy nhiên cần phối hợp thêm các thuốc khác để tăng hiệu quả làm giảm triệu chứng tiêu chảy. * Thưa bác sĩ, em hay bị cảm giác buồn cầu vào buổi tối. Nhưng khi đi thì không được hoặc đi ra một ít, cảm giác buồn cầu nhiều khi đầu óc căng thẳng. Em có đi khám ở một bệnh viện, bác sĩ nói em bị hội chứng co thắt, chỉ cần nghỉ ngơi và thay đổi cách sống là hết, không biết có đúng không, vì em chỉ thấy bớt thôi chứ không hết. (Nguyễn Quốc Trung, 30 tuổi, NV Tín dụng Ngân hàng, Tân Mai, Biên Hòa) Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng (trái) trả lời trực tuyến - Ảnh: Thanh Hải - BS Bùi Hữu Hoàng: HCRKT có liên quan rất nhiều đến yếu tố tâm lý, thần kinh. Khi bị căng thẳng, stress hoặc buồn lo quá mức, thường làm cho triệu chứng khởi phát hoặc tăng lên rất nhiều. Muốn điều trị bệnh, cần chú ý đến việc bình ổn về tâm lý, phải biết trấn an và tập kiểm soát, kìm chế bớt các cảm xúc, nghỉ ngơi thư giãn, đồng thời phải uống thêm các thuốc giải lo âu, chống trầm cảm (nếu cần) kết hợp với các thuốc giảm co thắt ở ruột thì mới giải quyết triệt để được bệnh. * Mẹ tôi năm nay 59 tuổi, hơn một năm nay bị đau bụng dưới, buổi sáng rất đau đớn, chiều thì giảm dần. Đi khám nhiều nơi, bác sĩ đều bảo bị hội chứng ruột kích thích. Uống nhiều loại thuốc vẫn không đỡ. Vậy mẹ tôi có thể dùng Buscopan để điều trị được không? Ưu điểm của Buscopan là gì? Liều lượng dùng như thế nào là hợp lý? (Thanh Hưng, Long An) - BS Bùi Hữu Hoàng: Bạn có thể sử dụng Buscopan để giúp làm giảm cơn đau bụng trong HCRKT, với liều lượng 1-2 viên x 3 lần/ ngày, không nên dùng quá 6 viên 1 ngày. Uống bằng cách nuốt nguyên viên thuốc. Ưu điểm của Buscopan là tác động tại chỗ tại cơ trơn đường tiêu hóa giúp làm giảm cơn đau quặn khó chịu trong HCRKT, ngoài ra viên thuốc nhỏ, có bao đường, dễ uống, nhất là đối tượng người cao tuổi như mẹ của bạn. Tuy nhiên, nếu tình trạng trên kéo dài bạn cần đưa mẹ đi khám để loại trừ thêm các bệnh lý khác gây rối loạn tiêu hóa. * Tôi hay bị đau bụng (giống như đầy bụng, bụng căng cứng, tức bụng từng cơn), đi ngoài thường xuyên bị bón và tiêu chảy xen lẫn (hôm trước vừa bón cả 3-4 ngày)hôm sau lại tiêu chảy. Không biết bị bệnh gì. Mong bác sĩ tư vấn giúp. Xin cảm ơn bác sĩ. P/S: khi bị táo bón tôi thường xuyên dùng thuốc bơm , dùng lâu dài có hại hay không? (Bảo Anh, 29 tuổi, NVVP, Đà Lạt) Tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình - Ảnh: Thanh Hải - BS Bùi Hữu Hoàng: Triệu chứng mà bạn mô tả là HCRKT kiểu hỗn hợp, tức là có từng lúc bị táo bón xen kẽ với tiêu chảy kèm với tình trạng đau quặn bụng kết hợp với đầy bụng, trướng hơi. Các triệu chứng có thể thay đổi tùy theo các thức ăn mà chúng ta ăn hằng ngày hoặc các điều kiện thay đổi về môi trường, sinh hoạt trong cuộc sống. Cách chữa trị cũng hoàn toàn dựa vào triệu chứng nổi trội tùy theo từng đợt. Việc dùng thuốc bơm vào hậu môn để kích thích đi cầu chỉ giải quyết tạm thời nhưng nếu sử dụng lâu sẽ gây kích thích niêm mạc và viêm loét hậu môn, trực tràng hoặc gây tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Chủ yếu nên thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt để giảm triệu chứng và kết hợp các thuốc điều chỉnh co bóp của đường ruột và chỉ sử dụng từng đợt chứ không nên lạm dụng. Khi cần sử dụng lâu dài, phải có ý kiến của BS chuyên khoa. * Tôi thấy trên mạng có lời khuyên dùng thuốc Buscopan khi bị hội chứng ruột kích thích. Không biết thuốc đặc trị gì cho chứng ruột kích thích và có nguy hiểm gì không? Xin bác sĩ cho biết thêm. Xin cảm ơn. (phuong_huynh@yahoo.com) - BS Bùi Hữu Hoàng: Buscopan thuộc nhóm thuốc chống co thắt với cơ chế giúp làm giảm sự co thắt quá mức ở cơ trơn đường tiêu hóa, từ đó giúp làm giảm cơn đau quặn bụng thường gặp trong HCRKT. Là thuốc nên Buscopan cũng có thể có các tác dụng không mong muốn như buồn nôn, khô miệng,... nhưng cũng không thường gặp lắm. Không dung Buscopan cho các bệnh nhân lớn tuổi bị u xơ tiền liệt tuyến vì có thể gây khó tiểu. * Khi ăn uống bình thường thì không bị gì. Nhưng khi em ăn những thức ăn có một ít ớt hay tỏi thì bụng bị đau quặn, nếu đi ngoài thì sẽ hết đau và có dấu hiệu phân sống. Xin tư vấn giúp là bệnh gì? và uống thuốc gì? Xin cảm ơn.(Nguyen Van Duy, 34 tuổi, Ky su, Yen Son, Tuyen Quang) - BS Bùi Hữu Hoàng: Thức ăn là tác nhân gây kích thích rất quan trọng đối với HCRKT, nhất là các loại thức ăn được chế biến có nhiều dầu mỡ và gia vị hoặc các thức uống như cà phê, rượu bia… Một đặc tính quan trọng của triệu chứng đau trong HCRKT là đau sẽ giảm hoặc biến mất ngay sau khi đi ngoài xong. Phân có thể lỏng, phân sống, có khi có ít đàm nhưng tuyệt đối không có máu. Việc điều trị chủ yếu là hạn chế các thức ăn khó tiêu nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, ăn uống điều độ kết hợp với uống 1 số thuốc giảm đau dạng giảm co thắt như Buscopan để giải quyết triệu chứng. Việc điều trị lâu dài phải có ý kiến hay chỉ định của BS chuyên khoa. * Tôi rất hay bị đau quặn bụng sau khi ăn mặc dù đã kiêng trứng, sữa, đồ tanh nhưng vẫn bị đi ngoài. Tôi đã nội soi dạ dày đại tràng và thấy bình thường. Bác sĩ kết luận tôi bị hội chứng ruột kích thích. Theo bác sĩ tôi nên dùng thuốc gì? Vì tôi dùng theo đơn của bác sĩ không thấy đỡ. (Song Ha, 45 tuổi, Hai Phong) - BS Bùi Hữu Hoàng: Việc nội soi đại tràng bình thường có thể giúp loại trừ các bệnh viêm, ung thư của ruột thì bạn cứ an tâm điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm co thắt và giảm đau kết hợp với các biện pháp tiết chế, điều chỉnh về ăn uống. Tuy nhiên, không nên kiêng khem quá mức có thể ảnh hưởng gây suy dinh dưỡng, suy kiệt và sụt cân. Thông thường thì nên để ý món ăn nào hay gây tiêu chảy để tránh hoặc hạn chế bớt. Nếu đã điều trị như vậy mà vẫn chưa bớt, cần phải khám bệnh lại để tìm thêm có bệnh gì khác hay không chẳng hạn như bị cường năng tuyến giáp cũng gây tiêu chảy, hoặc do dùng 1 số thuốc chữa trị bệnh khác như đái tháo đường, kháng sinh…cũng gây tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa. * Thưa bác sĩ, em thường hay đau bụng và bị tiêu chảy mỗi khi ăn sáng xong. Vậy nguyên nhân bệnh em là sao? Em cắt túi mật được 2 năm, có phải nguyên nhân gây đau bụng và tiêu chảy không? Cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Như Quỳnh, 35 tuổi, TP.HCM) - BS Bùi Hữu Hoàng: Đau bụng và đi tiêu vào buổi sáng sau khi ăn điểm tâm cũng là triệu chứng rất gợi ý đến HCRKT, đặc biệt nếu các triệu chứng này cứ lặp đi lặp lại kéo dài. Đây không có liên quan đến bệnh của đường mật như vậy, việc cắt túi mật sẽ không giải quyết được bệnh và cũng không phải do cắt túi mật mới bị các triệu chứng này. Em nên đến gặp BS chuyên khoa Tiêu hóa để khám và làm thêm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị cụ thể hơn. BS Bùi Hữu Hoàng (trái) trả lời trực tuyến - Ảnh: Thanh Hải * Em năm nay 21 tuổi, nam. Bị đau thắt bụng. Em đến bệnh viện khám nội soi thì các bộ phận trong cơ thể em vẫn bình thường (dạ dày, đại tràng, tá tràng...). Bác sĩ nói em bị Hội chứng ruột kích thích và cho uống Buscopan nay đã đỡ nhiều. Em có thể mua thêm để dùng tiếp không? Liều lượng ra sao? (Thanh Hồng, Đồng Nai) - BS Bùi Hữu Hoàng: Buscopan chỉ là thuốc điều trị triệu chứng đau quặn bụng trong HCRKT, quan trọng nhất trong điều trị HCRKT là phải điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống. Em chỉ nên dùng Buscopan trong trường hợp cơn đau quặn bụng khó chịu, ảnh hưởng đến việc học hành, công việc, không nên lạm dụng như một thuốc điều trị nguyên nhân. Khi cần điều trị lâu dài phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. * Tôi bị đau quặn bụng, đau từng cơn, nội soi HP (+), viêm sướt hang vị, điều trị lâu dài không, có hết hẳn bệnh được không? và có nguy cơ chuyển sang ung thư không? (Trung, 21 tuổi, SV, TP.HCM) - BS Bùi Hữu Hoàng: Một số trường hợp nhiễm Helicobacter pylori (H.p) có thể gây đau bụng kéo dài nhất là ở thượng vị vì là nguyên nhân thường gây viêm loét dạ dày, nếu không chữa trị bệnh có thể kéo dài gây các biến chứng như chảy máu đường tiêu hóa, thủng dạ dày và 1 số trường hợp có thể tiến triển sang ung thư, tuy nhiên còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa chứ không chỉ riêng việc nhiễm H.p là đủ để gây ung thư dạ dày. Việc điều trị H.p chỉ trong 2 tuần. Nếu điều trị lần đầu bị thất bại, phải chuyển sang phác đồ điều trị khác. * Tôi rất hay bị đau bụng và đi ngoài. Tôi đã nội soi dạ dày, đại tràng thì đều thấy bình thường. Bác sĩ kết luận tôi bị hội chứng ruột kích thich và cho dùng thuốc: Elthon, Azintal, Buscopan, Dogmatil, Enterogermina trong một tháng. Thời gian đầu thì có đỡ song hết thuốc thì bệnh lại tái phát. Theo bác sĩ tôi nên dùng thuốc gì? (Truong Minh Hieu, 45 tuổi, TP.HCM) - BS Bùi Hữu Hoàng: Bản chất của HCRKT là thường xuyên tái phát vì có rất nhiều yếu tố kích thích làm cho triệu chứng xảy ra. Có thể thời điểm này là do nguyên nhân này gây ra, có lúc khác lại do tác nhân khác gây kích thích đường tiêu hóa. Tùy mỗi lúc sẽ có cách điều chỉnh và điều trị thích hợp. Do vậy, bạn nên đến BS để được điều chỉnh thuốc và tư vấn thêm mỗi lần bị lại trệu chứng. * Tôi xin hỏi: có lúc tôi uống bia rượu liên tục 2,3 ngày thì thường bị đau bụng và tiêu chảy. Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cám ơn! (Trần Văn Dũng, 44 tuổi, Công chức, Cần Thơ) - BS Bùi Hữu Hoàng: Rượu bia thường làm rối loạn hệ vi khuẩn thường trú trong ruột nên khi uống nhiều bia rượu là bị tiêu chảy. Bạn có thể uống tạm các thuốc men vi sinh như Antibio, Lactomin, Enterogermina… để chữa triệu chứng. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài thì phải đi khám để tìm thêm có bệnh gì khác hay không. * Tôi bị đái đường 10 năm, tăng huyết áp 10 năm. Mỗi ngày tôi uống thuốc Zestril 10 mg 1 viên và 2 viên Diamicron 30 mg vào buổi sang. Trong 1 tháng nay, tôi thường bị đau nhẹ ở vùng bụng bên phải liên tục, kèm đi cầu phân lỏng vàng 2-3 lần mỗi ngày, lượng vừa phải. Ngoài ra không có biểu hiện gì khác. Tôi đã đi bệnh viện khám và điều trị 1 tuần sau khi khởi bệnh, trong thời gian nằm tại bệnh viện 1 tuần thì tôi không bị đi phân lỏng, nhưng khi ra viện thị bị trở lại như cũ. Khi ra viện bác sĩ không cho thuốc gì thêm ngoài 2 loại thuốc kể trên. Xin bác sĩ cho tôi biết hướng điều trị và tôi bị bệnh gì? Chân thành cảm ơn. (B.Th.T, 55 tuổi, Hà Nội) - BS Bùi Hữu Hoàng: Bệnh đái tháo đường thường gây các biến chứng trên thần kinh, đặc biệt là hệ thống thần kinh đường tiêu hóa. Do vậy bệnh nhân thường có những rối loạn về tiêu hóa như đầy bụng khó tiêu, táo bón tiêu chảy xen kẽ. Ngoài ra, người bị bệnh đái tháo đường rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó có thể nhiễm trùng tiêu hóa cũng là nguyên nhân gây ra tiêu chảy kéo dài. Một số trường hợp các rối loạn trên còn do các thuốc trị đái tháo đường gây ra. Bác nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được khám và hướng dẫn điều trị thích hợp. Buổi tư vấn trực tuyến "Hội chứng ruột kích thích là gì?" - Ảnh: Thanh Hải * Bệnh "HCRKT" có nguy hiểm và để lâu có bị biến chứng không? Bệnh "HCRKT" có thể chữa khỏi không và điều trị ở đâu? Xin bác sĩ vui lòng chỉ giúp. Chân thành cảm ơn bác sĩ. (VŨ THỊ NHỊN, 62 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) - BS Bùi Hữu Hoàng: Vấn đề đầu tiên cần chú ý là HCRKT là tập hợp các triệu chứng chứ không hẳn là một bệnh vì có thể do rất nhiều tác nhân kích thích trên đường tiêu hóa nhưng không có bệnh cụ thể nào gây ra. Hội chứng này thường xuyên tái phát nhưng hầu như không có biến chứng. Bác có thể đến khám tại phòng khám tiêu hóa của các bệnh viện lớn như BV Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy để được tư vấn và theo dõi. * Tôi có một cháu trai 10 tuổi, gần đây cháu có triệu chứng đau bụng, quanh vùng rốn, bụng không trương nhiều, cháu đau từng cơn, cứ khoảng 5-10 phút thì quặn đau, đi tiêu gần chục lần một ngày, đi tiêu phân lần đầu đen, lỏng, sau nhạt dần, và cũng ít dần, cơn bệnh thường kéo dài 2-3 ngày. Cháu vẫn chơi bình thường. Cháu đã bị lần này là lần thứ 3. Bệnh kéo dài lâu nhất là 3 ngày, ngắn nhất là 1 ngày. Khoảng cách 3 lần xảy ra tầm 2 tháng nay. Đã siêu âm, bình thường, đã uống thuốc sổ 6 tháng trước. Đi khám BS thì được chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa, cho uống: 1. Motilium-M10mg ngày hai lần lần 1v; 2. Lansoprazol STADA 30mg, ngày 2 lần, lần 1v; 3. Probio (gói) ngày 2 lần, lần 1 gói. Cả ba loại trên đều uống trước bữa ăn 30 phút. 4. Varogel 10mg (gói), uống sau bữa ăn 1 giờ. Vậy cho tôi xin hỏi cháu nhà tôi đang bị gì? Những loại thuốc trên có tác dụng gì? Bệnh của cháu có phải là bệnh "QUẶN ĐAU BỤNG VÀ HỘI CHỨNG KÍCH THÍCH RUỘT" không? Bệnh tái đi tái lại có ảnh hưởng gì đến hệ thống tiêu hóa của cháu? BS chẩn đoán trên là đúng hay sai? (Quốc Cường, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) - BS Bùi Hữu Hoàng: Tình trạng đau bụng quanh rốn kèm đi tiêu nhiều lần kéo dài thường liên quan đến bệnh tại đường ruột chứ không phải do dạ dày. Do vậy, triệu chứng mà cháu trai đã bị liên quan đến bệnh lý của ruột non hoặc đại tràng. Tuy nhiên cháu đã được điều trị giống như bệnh viên dạ dày cho nên chưa phù hợp lắm với triếu chứng. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ dưới 10 tuổi thường do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, nhiễm ký sinh trùng. Do vậy, ngoài việc bổ sung các men vi sinh đường ruột, còn chú ý vấn đề tẩy giun, cân bằng chế độ ăn và sử dụng các thuốc giảm co thắt để điều trị triệu chứng. * Hiện tại em đang rất mất niềm vui và sự bình thường trong cuộc sống chỉ vì cái bụng của em... Một năm trở lại đây tự nhiên em bị tình trạng đi ngoài phân không tốt (em xin lỗi) lúc đầu phân bình thường 50% sau phân sền sệt, trung tiện nhiều, ăn cảm giác không tiêu, sáng ngủ dậy là phải đi ngoài, ngày đi 1 lần, ăn uống kiêng kem nên sụt cân... Em đã đi khám khoảng 5 bệnh viện và uống chắc không dưới 1.000 viên thuốc lẫn men tiêu hóa, nội soi dạ dày tốt, nội soi đại tràng có Polyp và đã cắt, sinh thiết lành tính, viêm trực tràng nhẹ.... các bác sĩ bảo không sao. Em ất hoang mang, lo lắng, mù mịt về tương lai, không biết làm gì, đi đâu, uống gì để trở lại 80% như lúc chưa bệnh là em mãn nguyện.... Mong các bác sĩ cho em lời khuyên (Sơn Hà, TP.HCM) - BS Bùi Hữu Hoàng: Triệu chứng mà em vừa mô tả có thể liên quan đến bệnh viêm loét trực tràng - đại tràng. Đây là bệnh rất khó điều trị, nguyên nhân chưa rõ ràng, có liên quan đến rối loạn miễn dịch. Bệnh thường gây đau ở vùng bụng dưới bên trái rồi lan đi khắp vùng, kèm đi tiêu chảy có thể có máu, lâu ngày sẽ phát hiện có Polyp ở đại tràng. Bệnh thường xuyên tái phát. Vì vậy em nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa về tiêu hóa để điều trị đúng cách và theo dõi các biến chứng sau này. * Tôi có con trai nay được 4 tuổi. Gần 1 tháng nay cháu hay bị đau bụng quanh rốn, có khi bị rối loạn tiêu hóa, đi phân lợn cợn nhưng chỉ 2 lần trong ngày. Tôi đã cho cháu tẩy giun định kỳ đều đặn, có đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm dạ dạy, cho uống men tiêu hóa và một vài loại thuốc rối loạn tiêu hóa..., nhưng tôi thấy gần nửa tháng rồi nhưng cháu vẫn hay kêu đau bụng và ăn rất ít, bình thường là 1 chén cơm với canh, nhưng nay chỉ ăn có dưới 1/2 chén là đã kêu đau bụng, mệt, thở khó, hay lấy hơi thở ra. Có hôm cháu cứ ôm bụng nói mệt và lấy hơi thở ra cả ngày, tôi cho đi khám và bác sĩ cũng bảo bị viêm dạ dày, cần theo dõi tái khám, uống thuốc tiêu hóa, men tiêu hóa... Ngay lúc này con tôi cũng còn lấy hơi để thở ra, hỏi thì cháu bảo mệt ở bụng, con thở không nổi. Khi khám bác sĩ cũng cho khám tim, phổi đều tốt, có cho thử máu để xem có vi khuẩn trong dạ dày nhưng đều không có. Vậy xin hỏi bác sĩ con tôi có triệu chứng của bệnh gì? và cần ăn uống như thế nào, để giảm bệnh, điều trị ở đâu là tốt? Xin cảm ơn bác sĩ nhiều. (Nguyen Thi Minh Thu, Q.9, TP.HCM) - BS Bùi Hữu Hoàng: Đau bụng ở trẻ em là một vấn đề khó chẩn đoán: có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng thường là do trẻ không biết diễn tả là kể đúng triệu chứng, gây trở ngại cho việc định bệnh. Một số nguyên nhân thường gặp gây đau bụng ở trẻ em là viêm dạ dày, rối loạn dung nạp thức ăn, nhiễm vi khuẩn H.pylori hoặc một số vi sinh khác. Gần đây người ta ghi nhận đau bụng kéo dài ở trẻ còn liên quan vấn đề tâm lý: Do cha mẹ áp lực trẻ phải ăn, học quá căng thẳng, hay la mắng trẻ hoặc không quan tâm chăm sóc trẻ đã tạo ra những tâm lý ức chế thần kinh gây rối loạn tiêu hóa. Trường hợp con của bạn nếu đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi mà vẫn chưa giải quyết được triệu chứng thì nên chú ý thêm các vấn đề về tâm lý. Bạn nên theo dõi và cho cháu đi tái khám để đánh giá kết quả điều trị. * Kính gửi bác sĩ

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201033/20100813150000.aspx