Tự truyện và giông bão dư luận

Khi cuốn tự truyện “Một đời giông bão” – do diễn viên điện ảnh và kịch nói Thương Tín kể về chính cuộc đời mình, Đinh Thu Hiền chấp bút – được công bố, cuốn sách đã phá tan khung khổ trang giấy để thực sự thành bão trong dư luận.

Thật ra, một sự phản ứng dữ dội kiểu như vừa rồi, nếu ai đó còn nhớ, đã từng diễn ra cách đây mười năm (2006) với cuốn tự truyện “Yêu và sống” của Lê Vân (người kể) – Bùi Mai Hạnh (người chấp bút). Hồi đó, lấy mấy câu tục ngữ: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, “Yêu nhau đóng cửa bảo nhau” v.v… làm điểm quy chiếu, người ta đã phẫn nộ kết tội Lê Vân bất hiếu, khi trong “Yêu và sống” chị đã không ngần ngại phơi ra trước mắt bàn dân thiên hạ những góc khuất nhất, tối nhất, xấu nhất của chính gia đình mình, một gia đình nghệ sỹ nức tiếng đất Hà thành. Bất hiếu, và bất nghĩa nữa, vì cũng trong cuốn sách đó Lê Vân còn “vạch áo” cho công chúng biết chị từng lần lượt quan hệ với ba người đàn ông đã có vợ, để rốt cuộc, cả ba đều bỏ vợ, gia đình tan nát. Một trường hợp khác cũng có thể nêu ra ở đây, là “Hồi ký Phạm Duy”, gồm bốn tập, công bố rải rác từ 1990 đến 2001. Chiếm khá nhiều trang trong bộ sách này là việc nhạc sỹ Phạm Duy kể về những người đàn bà đã đi qua đời mình – nhiều đến mức đáng ngạc nhiên – và kể bằng một giọng điệu khoe khoang không che giấu, một sự tự đắc vọt trào trước những chiến tích ái tình mà, hẳn rồi, không phải người đàn ông nào cũng làm được như ông. Phạm Duy hưởng thụ đàn bà đến tận độ trong khả năng ông có – về mặt này Thương Tín có lẽ chỉ đáng là học trò bé mọn của họ Phạm – dù thỉnh thoảng, ông vẫn nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa đàn bà và nghệ thuật, với ông, như một lời giải thích, như một sự biện hộ: “Không có người nữ tôi không làm sao sáng tác được”. Thế nhưng, Phạm Duy không phải là một “người quen” của công chúng Việt Nam đương đại như Lê Vân và Thương Tín – ông sống xa đất nước trong một thời gian khá dài, từ năm 1975 đến năm 2005, tác phẩm âm nhạc của ông cũng ít được phổ biến – vả lại, bộ “Hồi ký Phạm Duy” lại đủ dày để khiến người ta phải ngại đọc, nên thực tế là rất ít người biết đến những sự thật không mấy mượt mà này. Có thể nói, với độc giả Việt Nam đương đại, “Hồi ký Phạm Duy” là một trận bão bất thành.

Tóm lại là sao nhỉ, những cuốn sách ấy và những giông bão dư luận ấy? Có lẽ, nguồn cơn của mọi sự thể là ở chỗ thiên hạ cứ hay mắc cái bệnh mù mờ vui tính, hay nhầm lẫn lung tung trước hai khái niệm, dẫu gần nhau nhưng vẫn cứ khác nhau, là hồi ký (autobiography) và tự truyện (memoir). Nếu ở hồi ký, người kể chuyện/ tác giả chỉ đóng vai một người quan sát để kể lại những chuyện đã thực sự xảy ra ở đâu đó, với những ai ai đó, trong một khoảng thời gian nào đó mà anh ta được trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí anh ta còn là một yếu tố can dự vào diễn biến của các sự kiện, thì ở tự truyện, người kể chuyện/ tác giả là nhân vật chính của mọi chuyện được kể lại. Yếu tính của tự truyện có thể được phát biểu ngắn gọn: “Tôi kể những chuyện đã thực sự xảy ra với tôi, trong một quãng đời hoặc trong toàn bộ cuộc đời, và nó là những chuyện của tôi, chỉ của tôi mà thôi”. Theo nghĩa ấy thì “Yêu và sống” của Lê Vân – Bùi Mai Hạnh và “Một đời giông bão” của Thương Tín – Đinh Thu Hiền không phải hồi ký, chúng là tự truyện. “Hồi ký Phạm Duy”, mặc cho tác giả đã nhanh tay dán ngay hai chữ “hồi ký” lên nhan đề của bộ sách, thì nó vẫn cứ là tự truyện chứ không phải hồi ký, vì ở đó, ngoài một vài sự kiện lịch sử và một vài ca sỹ, nhạc sỹ được nhắc đến, người đọc chỉ còn thấy một con người Phạm Duy thôi, với từng chặng, từng chặng trong sự nghiệp âm nhạc và sự nghiệp ái tình. Phải phân biệt cho rõ như vậy để ta có thể đi đến vấn đề mấu chốt: người ta có thể làm được gì với tự truyện và nhận được gì từ tự truyện?

Người ta sẵn sàng, thậm chí háo hức, bỏ tiền ra để mua sách để đọc xem tác giả - đặc biệt khi tác giả là “người của công chúng”, tức những người mà lời nói, việc làm của họ tạo ra một sức ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống cộng đồng – còn có cái gì mới và khác so với những gì công chúng đã biết. Sức hấp dẫn của tự truyện, xét cho cùng, nằm ở đấy.

Tự truyện, tự trong bản thân nó đã ngầm ẩn hai khả năng, là “tự thỏa mãn” và “tự thú nhận”. “Hồi ký Phạm Duy” thuộc về trường hợp thứ nhất. Tự truyện của ông cho thấy nổi bật một tầm vóc vượt ngưỡng, cả về tài năng trong sáng tạo nghệ thuật lẫn sự bê bối trong đời sống ái tình. Phạm Duy yêu cái tôi của mình đến mức, dù là mặt tốt hay mặt xấu, ông cũng đều nâng niu nó, phóng đại nó và lấy nó làm sự hãnh diện với đời. Viết tự truyện, với ông, dường như là một cách đền ơn đầy hào phóng cho cái cuộc đời mà ông đã sống. Về tự truyện của Phạm Duy, nhà nghiên cứu John C. Schafer nhận định khá chính xác trong cuốn “Đọc Phạm Duy và Lê Vân”: “Có thể vì ông kiêu ngạo, không hề có một chút mảy may thiếu tự tin, nên hồi ký của ông thiếu cái nhìn lại về chính mình. Ông hầu như không bao giờ tự chất vấn các hành động của mình” (Sđd, Cao Thị Như Quỳnh và Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Hồng Đức & Đại học Hoa Sen, 2015, tr101). Cái thiếu ấy ở tự truyện của Phạm Duy được làm đầy lên ở tự truyện của Lê Vân và tự truyện của Thương Tín. Đó là những tự truyện thuộc về trường hợp thứ hai, “tự thú nhận”. Thử lấy “Yêu và sống” làm ví dụ. Đọc tự truyện này, ở bên trong và ở đằng sau những câu chuyện được kể lại, về một gia đình thời thơ ấu, về những mối tình và những cuộc hôn nhân của một người đàn bà, người ta thấy có cái gì như là sự tuôn trào của một tiếng nói lâu nay bị nén lại. Trải nghiệm tất cả, chứng kiến tất cả, luôn đau đớn vì sự trải nghiệm và chứng kiến, và vì cả cái “mệnh lệnh nhất quyết” là không được nói ra, nên lúc Lê Vân kể để Bùi Mai Hạnh chấp bút thì cũng chính là lúc chị quyết định rằng mọi điều cần giấu nhẹm phải được bạch hóa trước con mắt người đời. Những điều mà Lê Vân kể trong “Yêu và sống”, có thể nói, là những sự thật được lộn trái, những sự thật của sự tự thú. Trong ánh sáng của những sự thật trần trụi ấy, nhiều đương sự hiện lên với diện mạo khác xa những gì mà người đời vẫn hình dung về họ: họ tầm thường hơn, nhếch nhác hơn, ích kỷ và lắm toan tính vụn vặt hơn, vẻ nghệ sỹ hào hoa gần như không còn gì. Lê Vân đã dũng cảm thú nhận sự thật cũng như chị đã dũng cảm hứng chịu giông bão dư luận, một dư luận luôn biết cách tìm ra trong đạo đức truyền thống những thứ vũ khí lợi hại để đánh gục kẻ nào cả gan bước qua “tabou”. Đổi lại, Lê Vân được. Được giũ bỏ những sự thật khủng khiếp đã dày vò chị suốt tuổi thơ ấu và tuổi hoa niên. Được là chính mình một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Và cũng không nên quên một cái được khác: trên mặt bằng sách vở èo uột của khoảng hai mươi năm nay, “Yêu và sống” là một trong số ít cuốn sách có thành công rất lớn về phương diện phát hành. “Một đời giông bão” của Thương Tín – Đinh Thu Hiền cũng có thể sẽ đạt thành công lớn về thương mại.

Sở dĩ phải nhắc tới phương diện lý tài của tự truyện, là bởi: muốn hay không muốn thì tò mò hiếu sự vốn đã là căn bệnh sâu gốc bền rễ của “người đời”. Người ta sẵn sàng, thậm chí háo hức, bỏ tiền ra để mua sách để đọc xem tác giả - đặc biệt khi tác giả là “người của công chúng”, tức những người mà lời nói, việc làm của họ tạo ra một sức ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống cộng đồng – còn có cái gì mới và khác so với những gì công chúng đã biết. Sức hấp dẫn của tự truyện, xét cho cùng, nằm ở đấy. Trên nguyên tắc “tôi kể những chuyện đã thực sự xảy ra với tôi, những chuyện chỉ của tôi mà thôi”, tác giả tự truyện làm rõ những điều còn mù mờ, cải chính những chi tiết sai lệch, cung cấp những sự kiện đang còn nằm trong bóng tối của bí mật, chỉ cần nó là sự thật. Những điều như thế, cộng với những điều đã trở nên hai năm rõ mười và ai cũng biết, mỗi tự truyện sẽ là một bản tường trình về cuộc đời và con người tinh thần của bản thân người viết. Tiếp nhận một tự truyện, người đọc có thể vui sướng, thỏa mãn khi thấy người mà họ hâm mộ vẫn cứ ngời sáng, không chút tỳ vết. Trường hợp ngược lại, họ cũng có thể có cái cớ hợp lý để được làm mặt phẫn nộ trước những “sự thật thối tha” đến lúc này mới được công khai. Dẫu sao mặc lòng, xét ở một phương diện nào đó, viết tự truyện vẫn cứ là biểu hiện cho một “khát vọng được thành thực” – chữ của Hoài Thanh – điều chỉ có thể xảy ra trong một xã hội mở, khi con người có ý thức cưỡng chống việc bị hòa tan vào cộng đồng, thậm chí, còn muốn được cộng đồng nhìn nhận về mình như một cá nhân toàn quyền đơn trị. Để thực hiện khát vọng ấy, trong những trường hợp cực hạn, hẳn là người viết đã chuẩn bị sẵn cho mình tâm thế để đương đầu với giông bão từ phía dư luận.

Tự truyện, cũng như hồi ký, từ trước đến nay vẫn được xếp vào chủng loại văn chương phi hư cấu (non-fiction). Đạo đức của nó là nói ra sự thật, chỉ sự thật mà thôi. Nhưng cái gọi là “sự thật” trong tự truyện, cũng như trong hồi ký, ở nhiều trường hợp là rất khó, thậm chí không thể xác minh được (chỉ có Chúa và tác giả mới biết). Vì thế, nếu khôn ngoan, rất nên có một “thỏa thuận mang tính lưỡng lự về sự thật” giữa người đọc với cuốn tự truyện mà họ cầm trên tay. Ấy là chưa kể đến việc, khi những sự thật đời tư kia được viết không nhằm để nói rằng nó là sự thật đúng như đã xảy ra, mà chỉ là nguyên liệu cho một mục tiêu sáng tạo nghệ thuật cao hơn, thì tính đáng ngờ của tự truyện lại càng trở nên rõ nét. “Lời bộc bạch của một thị dân” của Marai Sandor, “Hội hè miên man” của Enest Hemingway, “Đời tôi” của Marcel Reich Ranicki, “Người tình” của Marguerite Duras v.v… với những tác phẩm loại này, sự thật đã được tái cấu trúc, thậm chí được đánh bóng, được làm mờ theo nhiều cách. Tuy nhiên, với những tác phẩm loại này, người ta sẽ ít quan tâm đến chuyện tìm kiếm đâu là sự thật, đâu không phải sự thật. Đơn giản, là vì người ta còn phải để tâm trí thưởng thức những vẻ đẹp ngôn từ mà chúng mang lại. Điều đó quan trọng hơn tất thảy.

Hoài Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tu-truyen-va-giong-bao-du-luan/87245