Tư thương ráo riết thu mua khoai mì tươi với giá tăng gấp đôi

SGTT.VN - Ngày 2.8.2010, báo Sài Gòn Tiếp Thị đưa thông tin về hiện tượng trộn đến 80% cát vào khoai mì lát phơi khô xuất khẩu tại một số huyện của tỉnh Quảng Ngãi. Trong thông tin này, chúng tôi báo động nguy cơ xuất khẩu cát lậu núp dưới vỏ bọc khoai mì lát xuất khẩu sau khi Thủ tướng ban hành chỉ thị cấm xuất khẩu cát xây dựng. Ngày 3.8, tìm đến một số cơ quan hữu trách tại Quảng Ngãi, chúng tôi ghi nhận thêm một số thông tin liên quan.

Trước thông tin trên báo chí và phản ánh của một số tư thương ở Quảng Ngãi về việc khoai mì xắt lát xuất khẩu qua cửa khẩu cảng Quy Nhơn có gần 80% là cát, ông Nguyễn Minh Thành, chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn, phủ nhận: “Xuất khẩu khoai mì lát mà trộn các thứ khác vào cho nặng ký thì đối tác nước ngoài họ sẽ từ chối ngay!” Tuy nhiên, ông Thành cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn các lô hàng khoai mì lát xuất khẩu qua cảng Quy Nhơn để ngăn chặn tình trạng này”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tăng Bính, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Quảng Ngãi, các doanh nghiệp đều có quyền đưa cát có nguồn gốc hợp pháp đi tiêu thụ khắp nơi trong nước, song dù dưới bất cứ hình thức nào doanh nghiệp cũng không được phép bán cát ra nước ngoài. Ông nói: “Các cơ quan chức năng ở các cảng biển, cửa khẩu cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, nếu phát hiện hàng hóa có nguồn cát không hợp pháp thì phải xử lý nghiêm”. Cũng trong chiều 3.8, theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị tại địa phận các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, do giá khoai mì tươi tăng gấp đôi so với năm ngoái nên nhiều hộ nông dân sống ven sông Trà Khúc đã quyết định bán luôn khoai mì tươi ngay trên ruộng cho tư thương dù còn gần hai tháng nữa lứa khoai mì này mới đến kỳ thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (huyện Sơn Tịnh) vừa bán hai sào khoai mì cho tư thương, nói: “Nếu năm ngoái mỗi tấn củ mì (khoai mì) tươi bán được 400.000 – 500.000 đồng thì hiện nay tui bán đến 900.000 đồng/tấn tại ruộng. Còn nếu xén củ mì thành lát phơi khô bán cho tư thương thì được đến 1,6 triệu đồng/tấn. Hai tháng nữa ruộng mì nhà tui mới tới lứa thu hoạch nhưng bây giờ củ mì tươi được giá quá nên tui bán. Đợi vài tháng nữa sợ rớt giá!” Còn bà Lê Thị Huyền thì thật thà nói: “Chúng tôi đâu có biết củ mì của mình được chế biến, tiêu thụ như thế nào, chỉ thấy được giá là bán thôi”. Chúng tôi cũng đã gặp ông Trần Ngọc Hải, giám đốc nhà máy mì Tịnh Phong trong khu công nghiệp Tịnh Phong (Quảng Ngãi) để tìm hiểu về nhu cầu thực sự của nhà máy đối với loại nguyên liệu này. Ông Hải khuyến cáo: “Bà con nông dân không nên vì cái lợi trước mắt mà bán củ mì tươi chưa đến kỳ thu hoạch cho tư thương. Nhà máy cần bà con bán củ mì tươi đúng độ tuổi thu hoạch. Bà con nên tính toán để làm ăn lâu dài, hiệu quả và bền vững”. Từ những thông tin thu thập được, thêm một câu hỏi được đặt ra: tư thương săn lùng mua khoai mì non với giá cao ngất ngưởng để làm gì? Thông thường, khoai mì non không có giá trị nếu dùng làm nguyên liệu chế biến tinh bột vì độ bột rất thấp. Khoai mì non cũng không dùng để xắt lát phơi khô vì hao tổn trong quá trình phơi sấy rất lớn. Trong khi đó, chưa thấy thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu nào bức bách hoặc hút hàng đến mức tư thương phải tìm mua khoai mì non bằng mọi giá như hiện nay. Việc xuất khẩu khoai mì xắt lát nhưng bên trong chủ yếu là cát cho thấy khoai mì chỉ là vật thế thân. Phải chăng chính vì vậy nên chất lượng của khoai mì không phải là điều tư thương quan tâm tới? Ai mua khoai mì trộn cát hông?

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/127064/tu-thuong-rao-riet-thu-mua-khoai-mi-tuoi-voi-gia-tang-gap-doi.html