Tự hào “Đội văn nghệ Công đoàn Đồng Tháp”

Không chỉ thực hiện chương trình văn nghệ sát chủ đề nội dung các sự kiện công đoàn (CĐ), việc thành lập đội văn nghệ tại cơ quan LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp còn tạo cho cán bộ làm công tác CĐ có thêm sân chơi lành mạnh và mở rộng cơ hội giao lưu với phong trào công nhân viên chức…

Hình ảnh một tiết mục hoành tráng trên sân khấu của ĐVNCĐ Đồng Tháp.

Cây nhà, lá… “vàng”

“Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”, vừa vào hội trường Nhà văn hóa Lao Động dự lễ Họp mặt cán bộ CĐ chuyên trách các thời kỳ tỉnh Đồng Tháp năm 2015, tôi như rạo rực theo ca từ hùng tráng của bài hát “Quốc tế ca” do nhóm nam nữ diễn viên trình diễn trên sân khấu. Tiếp theo đó là nhiều màn trình diễn hát có “bè”- “đuổi” kết hợp với múa minh họa được dàn dựng công phu khiến tôi nghĩ đây màn diễn của diễn viên chuyên nghiệp.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công (LĐLĐ Đồng Tháp) Phạm Văn Thuận chia sẻ: “Từ diễn viên, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, trang phục đều do nhân viên cơ quan LĐLĐ tỉnh thực hiện”. Có lẽ chưa có nhiều địa phương xây dựng Đội văn nghệ CĐ (ĐVNCĐ) như Đồng Tháp. Bởi không chỉ “hiếm” mà còn quý bởi chất lượng.

Tuy anh Thuận chỉ nhận đó là ĐVN “Cây nhà lá vườn”, nhưng ai một lần có dịp thưởng thức sẽ nhận ra điều này. Mấy tháng trước vào Đồng Tháp công tác và có dịp chứng kiến ĐVNCĐ biểu diễn, Chánh văn phòng Tổng LĐLĐVN Trần Tiến Hòa đã đề nghị LĐLĐ Đồng Tháp gởi thông tin, hình ảnh này lên Website của Tổng LĐLĐVN.

Không chỉ “nổi” trong hệ thống, ĐVNCĐ còn xác định cho mình chỗ đứng trong sân chơi âm nhạc Đất Sen Hồng. Trong chương trình văn nghệ kỷ niệm ngày Thương binh-liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp tổ chức, ĐVNCĐ được chọn tham gia biểu diễn múa-hát nhạc phẩm “Huyền thoại mẹ”.

Một hoạt động, nhiều tiện ích

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch LĐLĐ Đồng Tháp Phan Thị Quyến, từ năm 2012 BCH CĐ cơ quan LĐLĐ Đồng Tháp củng cố đội văn nghệ tại chỗ. Sau khi rà soát, đã tuyển được 15 thành viên, nhưng phần lớn không rành nhạc lý, chất giọng mỏng. Tuy nhiên sau thời gian luyện tập, nhiều người đã biết hát. Sau đó căn cứ vào thế mạnh của từng người rồi “phân vai” đơn ca, song ca, tốp ca và múa minh họa.

“Chìa khóa thành công nằm ở sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan”, ông Thuận chia sẻ: “Không chỉ quan tâm về kinh phí, mà còn hỗ trợ về tinh thần”. Theo ông Thuận, việc luyện tập sau giờ hành chính không chỉ mở ra sân chơi lành mạnh cho đoàn viên tại cơ quan, mà còn đưa chất lượng biểu diễn văn nghệ cũng đi vào chiều sâu, chương trình cũng logic hơn so với việc thuê ca sĩ bên ngoài đến hát trước đây. “Thực tế từ Chương trình vui Tết với CN vài năm gần đây cho thấy, nhiều cán bộ CĐ có thêm cơ hội gần gũi với CN và ngược lại thông qua nhịp cầu âm nhạc”, ông Thuận cho biết thêm.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dbscl/tu-hao-doi-van-nghe-cong-doan-dong-thap-370802.bld