Tù binh Nhật bị Hồng quân Liên Xô lưu đày ở Mông Cổ

Sau Thế chiến 2, từng có 600.000 tù binh Nhật bị hồng quân Liên Xô lưu đày ở Mông Cổ. Nay họ đòi sự công nhận họ từng bị lao động khổ sai.

Lực lượng Kwangtung nộp vũ khí cho Hồng quân LX.

Có thể bạn quan tâm

Số quân lính này đóng ở Manchuria (bắc Trung Quốc), nơi quân phiệt Nhật lập quốc gia “bù nhìn” Manchukuo và ra tay đàn áp bạo liệt.

Manchukuo có 1,3 triệu quân, chủ yếu là “Lực lượng Kwantung” của Nhật. Số khác đóng quân ở các đảo phía bắc Nhật và bán đảo Triều Tiên.

Như các lực lượng Nhật khác, “Lực lượng Kwantung” vào ngày 15.8.1945 tuân lệnh Nhật hoàng phát đi: quân đội phải buông súng sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Hiroshima và Nagasaki. Nhật chính thức đầu hàng vô điều kiện ngày 2.9.1945.

“Cơn ác mộng ở Mông Cổ”

Vì thế, “Lực lượng Kwantung” đầu hàng Hồng quân LX vốn chiếm Manchuria một tuần trước đó (vi phạm Hiệp ước trung lập Xô-Nhật).

Ngày 23.81945, lãnh tụ LX Josif Stalin ký sắc lệnh bí mật 9898, ra lệnh giải 500.000 lính Nhật đến Siberia và Mông Cổ để lao động khổ sai.

Con số 600.000 tù binh Nhật bị Hồng quân Liên Xô lưu đày do cộng thêm các công chức và dân thường Nhật bị bắt. Họ đã không phản đối vì tin lời bảo đảm của các sĩ quan chỉ huy Hồng quân: họ sẽ được trả về Nhật.

Thực chất là cuộc trao trả tù binh chỉ bắt đầu từ cuối tháng 10,1945. Vì thế, đa số tù binh đã bị đưa đến các trại cải tạo lao động ở Siberia, trong khi 14.000 tù binh-gồm trung sĩ Fumihide Etoh 25 tuổi-bị đưa qua Mông Cổ giáp LX.

Họ bị bắt đi bộ rồi đi xe lửa rời khỏi Manchuria. Ở Mông Cổ, họ bị bắt lao động khổ sai, hàng chục ngàn người chết và hàng ngàn người phải chịu đựng những tổn thất về thể chất và tâm lý.

Xe tăng Hồng quân tiến vào Manchouria

Cụ Etoh, 94 tuổi, là một trong số 600.000 tù binh bị Hồng quân Liên Xô lưu đày.

Cụ Etoh cho biết, rất hiếm khi cụ nhắc lại thời khổ sai đói ăn đó, ở một trong những vùng lạnh lẽo nhất thế giới: “Chỉ phí thời gian. Dù tôi giải thích thế nào đi nữa, giới trẻ ngày nay cũng không thể tưởng tượng nổi sự đày đọa mà chúng tôi đã phải chịu đựng”.

Cụ còn nhớ rõ chuyến đi kéo dài 4 tuần, gồm những cuộc đi bộ dài dưới họng súng của lính canh, băng qua những vùng đất lạnh khi rời khỏi Manchuria.

Tiếp đó, các tù binh bị nhồi nhét như cá mòi trong những toa xe lửa bằng gỗ. Không ai dám nghĩ chuyện tìm cách trốn: “Trốn thì đi đâu? Chúng tôi không có súng, ở một nơi hoàn toàn xa lạ và không hề có phương tiện trở về Nhật. Một số chiến hữu đã tính chuyện trốn, nhưng họ luôn bị bắt lại rồi bị xử bắn”.

Ở các trại cải tạo lao động, họ phải xây nhà dưới thời tiết lạnh âm 40 độ C, đào than và đốn cây.

Hầu hết các tù binh chỉ mặc bộ quân phục khi đầu hàng và điều kiện chăm sóc y tế, nơi ở và khẩu phần ăn hoàn toàn thiếu.

Để sống sót, họ phải ăn thịt chó, mèo, lạc đà, rắn, rắn mối, ếch, chuột, côn trùng, nấm và rau dại.

Nhưng họ vẫn chết vì đói, “chết như ruồi” theo lời kể của cụ Etoh, hoặc chết vì dịch, bị bệnh nhiễm trùng khi bị tai nạn lao động.

Những người sống sót sau này mô tả điều kiện giam giữ ấy là “tệ nhất quả đất”, và họ mới cảm thông cho các tù binh của quân Đồng minh rơi vào tay quân phiệt Nhật.

Cụ Etoh cho biết: mỗi ngày các tù binh được 3 bữa ăn, mỗi bữa gồm 200 gramme bánh mì đen và canh khoai tây nấu với cải muối.

Bữa ăn thiếu thốn, nên Etoh dù còn thanh niên cũng không đủ sức cầm cuốc đào đất để làm nền các tòa nhà ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, gồm các trụ sở công quyền, một trường đại học và vài rạp phim.

Điều may mắn là một số người Mông Cổ tốt bụng đôi lúc dúi cho Etoh chút thức ăn thêm. Anh cùng 250 tù binh khác ngủ trong một ngôi nhà hai tầng mỏng manh, với chỉ một tấm chăn anh đem theo trong ba-lô từ khi rời Manchuria.

Sau hai năm 8 tháng, tù binh Etoh được trả tự do, thân thể tàn tạ. Anh cho rằng người Mông Cổ đang đối diện nạn thiếu lương thực trên toàn quốc nên không thể nuôi hàng ngàn tù binh nước ngoài nữa.

Hầu hết số tù nhân ở Siberia và Mông Cổ được tha trong khoảng thời gian 4 năm. Họ được trả về Nhật do LX chậm chạp phản ứng trước sức ép của cộng đồng quốc tế từ khi có sự phản đối của Nhật, (nhờ chính quyền chiếm đóng Đồng Minh do Mỹ dẫn đầu ở Nhật thời hậu chiến trình lên LHQ.

Tất cả các tù binh này đều bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh trong 10 năm, cho đến khi một hiệp định ký năm 1956 để khôi phục quan hệ giữa Nhật và LX (Stalin qua đời năm 1953).

Cụ Etoh nay cùng các cựu tù binh đòi đền bù

Nỗ lực đòi bồi thường của các cựu tù binh

Trở về Nhật, Etoh vượt qua một kỳ thi để trở thành công chức, nhưng anh bị loại do một giám khảo nghi anh đã bị LX “tẩy não” để chuyển hóa anh thành đảng viên Cộng sản.

Theo báo The Australian (Úc) LX có chương trình bồi dưỡng chính trị ở các trại cải tạo lao động, với hy họng sẽ sử dụng các cựu tù vào việc kích hoạt một cuộc cách mạng ở Nhật. Nhiều tù nhân khác cũng báo chuyện bị kỳ thị. Etoh cuối cùng trở thành một thợ điện máy làm việc cho một hãng tư nhân, nhưng anh giấu kín “cơn ác mộng ở Mông Cổ” trong hơn 50 năm, rồi mới cùng nhiều người sống sót tham gia cuộc biểu tình ở bên ngoài trụ sở Quốc hội Nhật tại Tokyo hồi năm 2003: họ đòi được chính thức công nhận là cựu tù binh và phải được bồi thường.

Trong thực tế, ngay sau khi LX tan rã hồi năm 1991, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga Boris Yeltsin đã xin lỗi nhân dân Nhật về vấn đề tù binh này, nhưng Moscow chưa bao giờ đề nghị đền bù cho các cựu tù binh hoặc gia đình họ.

Nhưng Nga cho phép các nhà nghiên cứu Nhật nhập cảnh để tìm hiểu vấn đề. Các đoàn tìm kiếm tù binh mất tích của Nhật cũng được phép hoạt động. Năm 2013, 2 đoàn nghiên cứu đã trở về Tokyo sau khi hoàn tất chuyến làm việc kéo dài 6 tháng.

Nhờ có sự tài trợ của Bộ Y tế-Lao động-xã hội Nhật, họ tìm hiểu các văn bản quân sự LX liên quan các trại cải tạo lao động và kiểm tra các nghĩa trang được tìm thấy ở Siberia.

Hy vọng của các đoàn nghiên cứu này là tìm được 18.000 tù binh đã chết và đưa tro của họ về Nhật, nơi đã có hơn 10.000 tù binh được chôn ở nghĩa trang quốc gia Chidorigafuchi (tại Tokyo), nơi có một tượng đài tưởng niệm các tù binh chết ở Mông Cổ và Siberia.

Các tổ chức đại diện những tù binh sống sót từ các trại cải tạo lao động trở về cho rằng số tù binh chết là 60.000 người và có thể hơn 100.000 người. Họ nêu điều kiện giam giữ tệ hại, các chỉ huy cấp cao che giấu con số thật.

Xót xa cho người đã chết

Những người sống sót không thể kiện Nhà nước Nga, vì các điều khoản trong hiệp ước ký năm 1956 đã hủy bỏ tất cả những khiếu kiện lẫn nhau của cả hai phía.

Năm 1997, một vụ kiện kéo dài cáo buộc chính phủ Nhật bỏ rơi các tù binh đã bị Tòa án tối cao Nhật bác bỏ.

Nhưng một nỗ lực tìm giải pháp thay thế đã có trái quả năm 2010: Quốc hội Nhật thông qua một luật, đồng ý bồi thường cho những cựu tù binh còn sống (hàng trăm ngàn người đã chết ở Nhật) dù Tokyo tiếp tục không nhận trách nhiệm pháp lý và chính trị.

Hiện có khoảng 69.000 cựu tù binh còn sống đã làm đơn yêu cầu bồi thường. Tất cả số cựu tù này đều ở tuổi 89, 90. Mỗi tháng họ được đền số tiền từ 250.000 đến 1,5 triệu Yen/người, tùy theo độ dài thời gian bị cầm tù.

Ken Arimitsu là điều phối viên không mệt mỏi của Trung tâm tư liệu-hỗ trợ cựu tù binh ở LX, đã ráo riết vận động các nghị sĩ.

Ông nói: “Bộ luật trên chưa hoàn hảo, nhưng vẫn là một bước tiến lớn đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, đã quá muộn đối với hơn 80 % tù binh đã qua đời”.

Arimitsu cũng là người thu xếp cho báo The Australian phỏng vấn cụ Etoh. Cụ chỉ lãnh một khoản bồi thường ít ỏi, trầm tĩnh nói: “Đấy chỉ là một cục phân chim sẻ, nhưng tôi cảm thấy được khi nghĩ về những người đã chết mà chẳng được đền đáp”….

Bảo Vĩnh (theo The Australian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/quoc-te/tu-binh-nhat-bi-hong-quan-lien-xo-luu-day-o-mong-co-284584.html