Trước biển mùa Xuân

Không khí chộn rộn, tất bật của những ngày cận Tết khiến tôi chẳng còn chút thời gian để ngẫm ngợi, suy tư. Trong không gian đặc quánh “mùi Tết”, bức ảnh do người bạn gửi qua email về bãi biển Thanh Bình ngày xưa chợt khiến tôi bần thần, ngẩn ngơ nhớ về tuổi thơ xa ngái. Chợt thèm được ra biển hít thở không khí biển khơi những ngày cuối năm...

Lộc của biển. Ảnh: Công Khanh

1. Trong niềm nôn nao hoài nhớ về thời quá vãng, bỏ mặc tất cả những chộn rộn phía sau lưng, tôi một mình chạy xe lên cầu Thuận Phước để ngắm nhìn toàn cảnh biển Thanh Bình. Chợt phát hiện có chút gì khang khác trên cung đường tôi vẫn thường chạy xe lên Liên Chiểu lấy thông tin hàng tuần. “Bức tường thành” bằng tôn chắn dọc bờ biển Thanh Bình từ nhiều năm nay để xây dựng dự án khu đô thị ven biển, đoạn ngã ba Ông Ích Khiêm-Nguyễn Tất Thành đã được tháo dỡ. Gió từ biển thổi vào mang theo hương vị mặn mòi... Tiếng ai đó nói thoảng trong gió nghe đầy khấp khởi hy vọng về một tương lai không xa: “Khi nào công trình này xây dựng xong, vệt bờ biển Thanh Bình nối lên Liên Chiểu chắc đẹp không thua gì bờ biển đông bên tê sông Hàn nhỉ?!”.

2. Thuở bé, bãi biển Thanh Bình được xem là nơi “hẹn hò” lý tưởng của lũ nhóc xóm tôi. Từ nơi chúng tôi ở, chạy bộ xuống bãi biển mất chừng mươi phút. Vào mùa nghỉ hè, ngày nào chúng tôi cũng rủ nhau xuống đây tắm biển. Chúng tôi thích tắm biển lúc hoàng hôn, bởi vào thời điểm đó sẽ được nhìn thấy ánh đèn nhấp nháy trên biển. Có những hôm trời nóng nực, chúng tôi tắm đến hơn 7 giờ tối mới về nhà. Tắm chán, chúng tôi lên bờ xây nhà trên cát, có đứa đắp cát lên người rồi ngửa mặt nhìn trời mơ mộng. Bãi biển Thanh Bình ngày ấy thoai thoải, dài và rộng, sóng hiền hòa nên lượng người đổ về tắm rất đông...Mùa biển động, mỗi lần ghé nhà nhỏ bạn học cùng lớp- nhà nhìn ra biển- hỏi bài tập, tôi thường phóng mắt nhìn ra biển, thấy sóng biển vỗ ầm ào, trắng xóa bờ. Chợt thấy, trước biển, con người thật nhỏ nhoi, mong manh và...cô đơn biết nhường nào!

3. Hồi tiểu học, ngồi gần tôi là 2 bạn nhà ở Thanh Bồ Đức Lợi. Bạn nam tên H., bạn gái tên D. Cả hai, người lúc nào cũng...nghe thấy vị mặn của biển. Lên cấp hai, mỗi đứa học một nơi, tôi không còn có cơ hội gặp họ nữa. Thi thoảng đứng trước biển một mình, tôi thường tự hỏi, giờ bạn tôi có còn gắn bó với biển? Lên đại học, năm thứ 3 (1995), Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Huế tổ chức cho SV đi thực tập tại Quảng Ngãi. Nhóm tôi gồm có 3 bạn: 2 nữ, 1 nam được phân về thực tập tại xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ ở nhờ tại nhà má Bảy. Nhà má Bảy chỉ có 2 mẹ con. Người con trai không biết tên thật là gì, chỉ nhớ tên thường gọi là Bi, bằng tuổi chúng tôi, làm nghề đi biển. Nhà má được xem là nhà khá nhất ở khu vực đó. Nghe nói, chồng má sang Mỹ định cư đã lâu, nhưng má không chịu đi. Má muốn ở lại quê hương vì sợ sang bên ấy không được...ngửi thấy mùi vị của biển...?!

Đến cuối tuần, má rủ 3 chúng tôi ra cửa biển Sa Huỳnh đón con trai đi biển về. Trong mắt của cô SV năm thứ 3 ngày ấy, đấy là một cảng biển sầm uất. Trong tiếng nói cười xôn xao, những vòng tay ôm mừng rỡ, tôi bắt gặp cả những giọt nước mắt nhớ thương sau bao ngày tháng “biển” “bờ” cách xa... Vừa thấy dáng con trai bước xuống từ boong tàu, má đã chỉ tay khoe với chúng tôi: “Thằng Bi đó! Bi ơi!”. Tên là Bi, nhưng trông anh bạn cao to vạm vỡ. Tôi chưa từng thấy ai kiệm lời như Bi. Từ bến cảng cá trở về nhà, tắm táp xong, Bi chỉ hỏi có vỏn vẹn mấy câu với má Bảy: “Má ở nhà khỏe không? Ai vậy (ấy là chỉ 3 chúng tôi)?”. Má trả lời “khỏe”, rồi cho Bi biết, chúng tôi là SV từ Huế vào đây thực tập, “xã gửi nhờ đến ở nhà mình. Cậu con trai thì má cho ở trong phòng con, còn 2 đứa con gái má cho ở trên gác”. Tối đó, má Bảy nói Bi dẫn chúng tôi đi chơi. Dạo ấy, Sa Huỳnh còn hoang sơ lắm. Chỉ lèo tèo vài quán cà-phê, quán chè. Bi dẫn chúng tôi vào quán chè gọi 4 ly. Trong khi 2 đứa con gái ăn chưa đến nửa ly, cậu chàng đã “quất” xong ly chè bự chảng. Rồi không cần để ý đến hai cô gái đã ăn xong chưa, Bi hồn nhiên đứng dậy gọi chủ quán tính tiền rồi nói: “Mình zìa hè!”. Chúng tôi lật đật đứng dậy nhìn ly chè mới ăn được nửa, tiếc ngẩn ngơ. Bụng thầm trách: “Người gì đâu mà...chẳng chút ga lăng gì hết trơn”. Giờ nghĩ lại sao thấy thương quá cái sự hồn nhiên, chất phác của người dân vùng biển...Viết đến đây, sao tôi thấy nhớ má Bảy, nhớ biển Sa Huỳnh quá. Không biết giờ má ra sao? Con trai má có còn đi biển?!..

4. Có lẽ vì tuổi thơ gắn liền với rạt rào tiếng sóng biển cùng nhiều kỷ niệm không thể nào quên, nên từ tình yêu biển, tôi yêu luôn những bài hát viết về biển cả bao la. Nhớ thời còn bé, mỗi lần nghe Bảo Yến hát: “Một trưa hè trôi êm trôi êm/ Trên bãi biển chiều nào chung bước/Biển trong xanh một màu xanh ngọc bích/cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau/ Sóng rời bãi con dã tràng xe cát/Sóng vô bờ con chim nhạn vờn bay/Sáng tinh mơ dấu chân người in cát/Nắng chói chang về làm rát bỏng bàn chân...”, lòng tôi lại như muốn vỡ tung cùng bọt sóng. Những lúc buồn hay quá vui, tôi vẫn thường thích một mình ra đứng trước biển để được gió vuốt ve, mơn man da thịt, cảm thấy như mình được biển đồng cảm, sẻ chia...

5. Đứng trên cầu Thuận Phước trong tiết trời se sắt lạnh của những ngày giáp Tết, tôi lan man nghĩ đến những phận người đi biển. Nhớ hôm trò chuyện cùng ngư dân ở Liên Chiểu, nghe một cụ già tâm sự, ở gần biển quen rồi nên giờ đi đâu xa vài ngày là ông lại nhớ. Với ông, biển là hơi thở, là cuộc sống. Bởi cuộc đời ông gắn liền với biển. Từ bé đã biết ra biển giăng lưới bắt cá; lớn lên thì theo tàu lớn ra khơi đánh bắt hải sản. Giờ không còn sức đi biển, nhưng ngày nào ông cũng ra biển để hít thở mùi vị của biển. Có cảm giác như biển cho ông thêm sức mạnh vậy... Từ nhiều năm nay, cứ mỗi lần xuân về Tết đến, bạn lại gửi cho tôi mấy lít nước mắm Nam Ô chính hiệu làm quà Tết. Bạn bảo gửi chút “lộc biển” để hiểu và thương yêu biển hơn, để chắt chiu lộc biển và cũng để thương yêu hơn những phận người!

Mùa Xuân- đứng trước biển, chợt thầm ước mong và hy vọng thật nhiều điều. Những điều tốt đẹp cho những phận người...!

Tùy bút: Phan Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_144166_truo-c-bie-n-mu-a-xuan.aspx