Trung - Nhật: Hai vấn đề gây bất hòa

(CATP) Từ khi các thành viên của chính phủ Shinzo Abe đi lễ đền thờ Thần đạo Yasukuni, vào ngày 21-4-2013, cụm từ đi lễ đã gắn liền với quần đảo Diaoyu - Senkaku trong tiếng Nhật - và đền thờ Yasukuni trong danh mục tranh chấp giữa Trung Quốc - Nhật Bản. Quả vậy, đi lễ đã được ghép vào hồ sơ quần đảo làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Dù không đích thân đến đền thờ Yasukuni, Shinzo Abe đã gởi đồ cúng tế đến, với tư cách Thủ tướng Nhật Bản, và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso có mặt ở đó. Ông Abe để cho các bộ trưởng đến với lý do: ai cũng có quyền tự do tôn giáo. Nó đã gây ra phản kháng ngoại giao từ phía Trung Quốc (TQ) và Hàn Quốc. Ngày 22-4, Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, Yun Byung-se hủy bỏ chuyến thăm Nhật Bản trong lúc Bộ trưởng Ngoại giao TQ từ chối đón tiếp phó chủ tịch đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (PLD) cầm quyền. Ngày 23-4, một đoàn tàu chiến TQ gồm tám chiếc vào vùng biển quần đảo Diaoyu truy đuổi 80 cựu chiến binh Nhật. Đây là lần đầu tiên hải quân TQ buộc tàu Nhật phải ra khỏi vùng biển này. Cùng ngày đó, ít nhất 168 dân biểu quốc hội - con số kỷ lục kể từ năm 1989 - đi lễ đền thờ Yasukuni. Từ lâu vụ đi lễ đền thờ và quần đảo Diaoyu - Senkaku là hai vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Trung - Nhật. Nhưng lần này lại đụng chạm cùng lúc cả hai vấn đề.
Shinzo Abe đã từng cảnh báo: nếu người TQ muốn đổ bộ lên đảo bằng sức mạnh, họ sẽ bị đẩy lùi. Ý muốn của TQ buộc phải tôn trọng quyền lợi của mình, là một thách thức đối với Nhật Bản. Nguy cơ đụng độ càng gia tăng khi hai bên khư khư quan điểm của mình. Thủ tướng Nhật từng quả quyết muốn tái lập thương lượng trên cơ chế quan hệ luật biển lại ủng hộ các dân biểu đi lễ đền thờ Yasukuni khi cho rằng: Tôn trọng quyền tự do tưởng nhớ các chiến binh tử trận vì tổ quốc là chuyện tự nhiên. Thái độ mâu thuẫn này thể hiện bản chất mơ hồ của đền thờ Yasukuni, nhưng lại tạo ra một điểm bế tắc lớn tại Đông Á.

Ngôi đền này được xây dựng năm 1869, cùng lúc với thời kỳ hiện đại hóa nước Nhật dưới triều đại Minh trị thiên hoàng. Sau cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất (1895 - 1896) hoàng đế Nhật Bản đích thân đến Yasukuni để dâng cúng và vinh danh các chiến sĩ vong trận. Sau đó ngôi đền trở thành biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt. Binh sĩ trước khi viễn chinh đều tụ tập ở đó, bởi hy sinh cho tổ quốc là một vinh dự. Ngày nay ngôi đền thờ vong linh của 2,5 triệu chiến sĩ bỏ mình vì nước.

Sau khi bại trận trong Thế chiến 2 (1945) Nhật Bản biến thành đống đổ nát. Thủ tướng Tanzan Ishibashi (1956 - 1957) đề nghị đóng cửa đền. Tuy nhiên, khi chiếm đóng đảo quốc (1945 - 1952), người Mỹ đã không hủy diệt “vũ khí tinh thần” của Nhật Bản. Họ biến ngôi đền này thành một tôn giáo, với nguyên lý: tách rời nhà nước khỏi giáo hội. Nhưng điều đó không hủy diệt được mối quan hệ giữa ngôi đền với thế giới chính trị. Các đời thủ tướng đều đến đó cho đến năm 1978, khi bổ sung vào danh sách thần linh 14 tên tội phạm chiến tranh loại A (nặng nhất). Năm 1985, khi Thủ tướng Yasuhiro Nakasone đi lễ đền Yasukuni đã gây ra phản kháng ở TQ và Hàn Quốc. Vì sự có mặt của những tên tội phạm chiến tranh hạng A này, Nhật Bản gặp phải phản ứng liên tục. Họ chỉ có thể không đến đó, hoặc tìm một nơi khác để thờ cúng! Ngoài những phản kháng ngoại giao, việc thủ tướng Nhật đi lễ đền thờ còn vi phạm hiến pháp, với điều khoản tách rời giáo hội khỏi nhà nước. Thủ tướng Junichiro Koizumi nhiều lần bị ra tòa vì lý do này. Ông bị tòa án Fukuoka kết tội vi phạm hiến pháp.

Rất khó đóng cửa đền Yasukuni cũng như rút tên những tội phạm chiến tranh ra khỏi đó. Giải pháp duy nhất là thủ tướng không được đến. Nhưng ông Shinzo Abe không có ý muốn lẫn khả năng ngăn chặn các bộ trưởng của mình và dân biểu quốc hội đi lễ! Ông hiện có 76% cử tri ủng hộ, lại có khuynh hướng theo gương Junichiro Koizumi, nghĩa là thường xuyên đến đó...

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=496068&mod=detnews&p=