Trở về nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập

Căn nhà 48 Hàng Ngangnơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Trong không khí cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh, trở lại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập, cảm giác như Người vẫn đang hiện hữu nơi đây. Báo Gia đình và xã hội thông tin.

Đúng ngày 2/9, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập Khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào 70 năm trước.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nằm trong khu phố cổ buôn bán sầm uất, có cửa sau thông ra 35 phố Hàng Cân.
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trong ký ức của nhà giáo Trịnh Lương, con trai cả của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ (chủ nhân ngôi nhà). Ông Lương chia sẻ: “Đã mấy chục năm trôi qua nhưng nhìn lại những kỷ vật này tôi cứ ngỡ như chuyện của ngày hôm qua. Dường như Bác Hồ vẫn đang đâu đó trong căn nhà này”.

Ông Trịnh Lương bên bản Tuyên ngôn Độc lập treo tại 48 Hàng Ngang. Ảnh báo Tiền Phong.

Ông Lương cho biết, ngày Bác Hồ đến ở tại nhà ông, Người mặc áo sơ mi, quần soóc nâu, chân đi đôi dép in hình con hổ màu trắng và chỉ mang theo vỏn vẹn chiếc vali bằng mây đã cũ.

Trong những ngày Bác ở và làm việc tại nhà ông, Bác thường thức rất khuya để đánh máy chữ. Chuông điểm 12 giờ đêm mọi người trong nhà mới thấy Người tắt đèn. Đây có lẽ chính là khoảng thời gian Bác soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kỷ vật làm nhà giáo Trịnh Lương nhớ nhất là bộ quần áo kaki Bác Hồ mặc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Đây là bộ trang phục mà gia đình ông đã đặt may riêng cho Bác.

Chiếc vali mây và máy đánh chữ, những kỷ vật đã từng rất gắn bó với Bác Hồ, hiện đang được triển lãm tại số nhà 48 Hàng Ngang. Ảnh N.Mai

Ông Lương kể, khi nghe gia đình ông ngỏ ý muốn may cho Người bộ đồ mới thì được Bác dặn: “Tôi mặc xuềnh xoàng thôi, cốt tươm tất, giản dị là được”. Sau khi tham khảo ý kiến của mọi người, mẹ ông đã cho mời một người thợ may là chỗ quen biết đến cắt may cho Bác Hồ.

Đó là chiếc áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng. Lúc thường nhật có thể mở khuy áo thoải mái, đi giày hay đi dép đều hợp với trang phục. Ông Trịnh Lương cho biết trên báo Tiền Phong, ngôi nhà này không những cao nhất phố Hàng Ngang mà còn thuộc diện cao tầng của cả khu vực.

Tại đây có thể bao quát xung quanh, từ tầng 2 và 3 có thể bước sang nóc các nhà bên cạnh rồi xuống đường nếu cần. Đó là một lý do nữa Bác chọn nhà 48 Hàng Ngang để ở, để có thể tập trung toàn tâm trí viết Tuyên ngôn Độc lập cho thời khắc lịch sử trọng đại của nước nhà.

Bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong buổi lễ mít tinh sáng 2/9/1945. Ảnh N.Mai

Tại phòng khách lớn tầng 2 của ngôi nhà, trong những ngày Bác ở đây được sử dụng làm nơi tiếp khách, hiện vẫn còn giữ nguyên một chiếc bàn dài, 4 ghế sopha và 4 cái đôn, tủ đựng cốc chén và một ghế sopha dài đặt sát cửa. Căn phòng nhỏ kế tiếp có đặt chiếc bàn làm việc của Bác, một tủ đựng tài liệu và giường vải Người dùng để nằm nghỉ. Báo điện tử VOV thông tin.

Với ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, năm 1970, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được khôi phục làm nhà lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Mấy mươi năm qua, di tích này đã trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn đối với du khách để mỗi người có dịp hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tro-ve-noi-bac-ho-viet-tuyen-ngon-doc-lap-d53954.html